Đừng xem thường chuyện ngoài ngõ!

HOA PHẠM| 01/06/2009 01:09

Gần đây, các bạn trẻ Việt Nam đang xôn xao gởi cho nhau một đường link dẫn tới blog của một người Mỹ. Trong blog ấy có một bài viết với tựa đề “Reasons to hate Vietnam” (Những lý do để ghét Việt Nam). Có bạn còn copy lại rồi mang về blog của mình để tiếp tục “trăn trở” và tranh luận.

Đừng xem thường chuyện ngoài ngõ!

Gần đây, các bạn trẻ Việt Nam đang xôn xao gởi cho nhau một đường link dẫn tới blog của một người Mỹ. Trong blog ấy có một bài viết với tựa đề “Reasons to hate Vietnam” (Những lý do để ghét Việt Nam). Có bạn còn copy lại rồi mang về blog của mình để tiếp tục “trăn trở” và tranh luận. Những lời lẽ thậm tệ của một người nước ngoài từng sống ở Việt Nam khiến người đọc phải giận run lên, nhưng nghĩ lại thì xót xa, bởi trong số những điều người ta chê bai, có nhiều thứ đâu oan ức gì!

Người khách ấy mở đầu bài viết bằng câu ca thán: “Ôi Việt Nam! Tôi ghét quý vị làm sao! Để tôi kể ra những nguyên nhân nhé!”. Rồi thì: “Tôi ghét kiểu nói dối của người Việt Nam”, “Tôi ghét kiểu buôn bán hai giá (giá bán cho người nước ngoài cao hơn) của người Việt Nam”, “Tôi ghét sự ồn ào ở đây”, “Tôi ghét giao thông và hàng lang dành cho khách bộ hành”, “Tôi ghét các tài xế taxi”, “Tôi ghét sự thiếu tế nhị và tính ưa suy diễn của người Việt”... Và còn nhiều điều “tôi ghét” nữa. Với mỗi luận điểm như thế, người viết diễn giải, minh chứng rất dài những điều mình nghe, thấy, trải qua ở VN đã gây cho anh ta ác cảm trên.

Dù tác giả đã bảo rằng “tôi đến Việt Nam, cũng như nhiều đất nước khác, bằng tâm hồn rộng mở và thái độ háo hức tìm hiểu”, song có thể thấy rõ nhiều định kiến hẹp hòi, những phán xét đầy ác ý của một người đến từ một nước giàu và có nền văn hóa khác biệt. Tuy nhiên, cũng không phải vì đó chỉ là một khách vãng lai “vô danh” mà chúng ta phẩy tay phớt lờ những gì anh ta nói, bởi bên dưới bài viết này là hàng loạt comment (bình luận) của nhiều người khác nữa - cũng tiêu cực không kém về tình cảm, ấn tượng đối với Việt Nam.

Khoan hãy nói về động cơ, tính khách quan, nhân bản của tác giả bài viết này và các bình luận tiêu cực hưởng ứng, cũng như khoan vội vàng co cụm vào nhau đầy tự ti kiểu như “Việt Nam ta tệ thế kia nên mới bị chê bai thế kia”! Mà xin hãy đọc, nghe và nhìn lại mình một cách thật bình tĩnh để xem họ chê mình chỗ nào đúng và không đúng!

Ai trong chúng ta không thuộc nằm lòng câu: “Đất nước Việt Nam bình yên, tươi đẹp, người Việt Nam hiền hòa, thân thiện, hiếu khách, văn hóa ẩm thực Việt Nam tinh tế nhất thế giới”? Và còn hàng loạt những lời lẽ tốt đẹp tự khen mình đôi khi lên đến chín tầng mây! Nhưng ai trong chúng ta thực sự tin và tự hào hoàn toàn về điều đó?

Hay chính bản thân những người bản địa cũng hãi hùng mỗi khi ra đường giữa trận đồ xe cộ ngược xuôi không theo luật, không ra hàng? Cũng bực mình, nơm nớp vì phải mua hàng giá trên trời? Cũng “thót tim” vì vệ sinh, an toàn thực phẩm? Cũng khó chịu, nổi giận vì những ứng xử thô lỗ trong các tương tác xã hội...

Những yếu kém, xấu xí đó không phải là thiểu số, mà đã và đang là những vấn nạn phổ biến, đã biến thành “tập tính xã hội” khiến chính bản thân người Việt cũng phải cám cảnh thường xuyên. Rồi mỗi khi đi du lịch trên đất nước mình, là một du khách nói cùng thứ tiếng với người xung quanh, hiểu rõ văn hóa xứ mình, song mấy ai được hoàn toàn hứng thú để thưởng ngoạn thiên nhiên và thư giãn, nghỉ ngơi? Hay đi du lịch nhưng thường xuyên phải bực mình vì bị chặt chém, bị lừa dối, bị ăn xin, hàng rong đeo đuổi?... Chính vì vậy mà bao giờ du lịch nước ngoài về, người Việt nào cũng đầy ắp những câu chuyện để kể “bên đó” hơn mình ra sao.

Đã có rất nhiều trăn trở, khát vọng mang thương hiệu Việt ra thị trường thế giới, nhưng thương hiệu lớn - thương hiệu quốc gia, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực du lịch - thực sự vẫn chưa định hình. Vì vậy mà trong một buổi họp báo để giới thiệu chương trình “Hành trình tiếp thị hình ảnh Việt Nam” cách đây không quá lâu, một doanh nhân đã lật ngược vấn đề: “Cho đến lúc này, chúng ta nên xây dựng hình ảnh Việt Nam hay tiếp thị hình ảnh Việt Nam? Vì muốn tiếp thị, chúng ta phải xây dựng được hình ảnh trước đã!”. Nếu cứ mãi những màn đánh trống bỏ dùi, cò con, manh mún, du lịch Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam cứ chỉ mạnh, đẹp trên những ngôn ngữ xã giao mà thôi.

Bài viết trên mạng của một du khách “vô danh tiểu tốt” nào đó chỉ giống như một kẻ ghét mình đứng ngoài ngõ bài xích bâng quơ vậy thôi. Lại thêm những kẻ vốn không hợp với mình, không yêu mến mình xúm vào phụ họa nữa, thành ra một đám đông gây chút lùm xùm. Điều đó không đủ để chấm điểm uy tín của ngành du lịch và thương hiệu quốc gia.

Nhưng thật sự chẳng còn sớm sủa để phân tích và khắc phục con số “95% du khách quốc tế không quay lại Việt Nam lần thứ hai”. Đừng tự huyễn hoặc mình rằng ai đến đây cũng bị chinh phục bởi “vẻ đẹp ẩn giấu”, rồi nhanh chóng “thấy thoải mái như ở nhà”, “xem Việt Nam là quê hương thứ hai” như những lời cửa miệng của người ngoài mà các báo rất thích giật thành tít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng xem thường chuyện ngoài ngõ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO