Đừng đợi bão mới nghĩ đến tai nạn hàng hải!

LA QUANG TRÍ *| 16/11/2017 01:31

Chưa có năm nào mà ngành hàng hải chứng kiến số lượng tàu bị tai nạn nhiều như năm nay. Tính đến trước cơn bão số 12, số lượng tàu bị tai nạn, bị chìm lên đến con số mỗi tháng hơn 2 tàu.

Đừng đợi bão mới nghĩ đến tai nạn hàng hải!

Trong cơn bão số 12 đã có 16 tàu (cả tàu nước ngoài) bị chìm, bị đẩy lên cạn, hoặc phải phát tín hiệu cấp cứu, 99 thuyền viên bị rơi xuống biển, đến cuối giờ chiều ngày 5/11 đã có 4 người chết, 25 người mất tích, thiệt hại về vật chất là hàng trăm tỷ đồng.

Rất nhiều clip của thuyền viên quay được cảnh họ đang chiến đấu với bão dữ. Nhiều clip là cảnh thuyền viên tàu bên này vừa chống chọi với bão vừa nhìn đồng nghiệp ở tàu kế bên lần lượt nhảy xuống biển mà không biết làm gì để giúp nhau vì sóng gió quá lớn, không thể tiếp cận, chỉ mong có thuyền viên nào đó bị sóng đánh trôi dạt đến gần tàu mình thì mới hy vọng cứu được.

Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao tai nạn hàng hải năm nay khủng khiếp như vậy.

Điểm qua các vụ tai nạn từ đầu năm đến nay có thể thấy xảy ra khá nhiều với tàu sông pha biển. Loại tàu này phát triển rầm rộ sau khi các tuyến vận tải sông pha biển được mở lại, nối tuyến Bắc - Nam từ tháng 11/2014. Trong cơn bão vừa qua, có tàu sông pha biển trọng tải đến 22.000 tấn chở đầy than đã bị sóng đánh dạt vào bờ.

Thiết kế của các tàu sông pha biển chỉ thích hợp chạy trong sông và đi được gần bờ với sóng êm, nên khi gặp gió lớn thì kết cấu tàu không chịu đựng nổi.

Có những tàu sông pha biển từ tàu biển hết hạn theo phân cấp 2, 3 được duy tu, sửa chữa, có những tàu sông pha biển được đóng lại từ tàu biển hạn chế 3 trở lên đã hết thời hạn lưu hành, lại được kéo dài khung tàu để chở được nhiều hàng. Nếu trước đây tải trọng của tàu biển là 3.000 tấn thì khi thiết kế lại thành tàu sông pha biển lại được nâng lên 5.000 tấn, hay tàu 5.000 tấn nâng lên 8.000 tấn. Tàu đã cũ, công suất yếu, nay lại phải tải số hàng hóa nhiều hơn nhiều thì tai nạn xảy ra chỉ là vấn đề thời gian.

Tuyến vận tải sông pha biển Quảng Bình đến Kiên Giang ra đời năm 2014 đã có đến hơn 1.000 tàu tham gia và đến những tháng giữa năm 2017 đã có hơn 1.300 tàu sông pha biển hoạt động. Các tuyến vận tải sông pha biển này với các ưu điểm như chi phí thấp nên có giá thành vận chuyển rẻ hơn làm cho tàu biển với cấp đăng kiểm cao hơn không cạnh tranh được, dẫn đến thua lỗ triền miên.

Đăng kiểm của tàu sông pha biển thường dễ hơn so với tàu chạy biển. Quy định đăng kiểm lại không tính tới yếu tố vùng miền. Ví dụ không tính đến tuyến biển miền Trung hoặc phía Bắc có độ nguy hiểm cao hơn các tuyến biển phía Nam. Các cơ quan quản lý hàng hải quản lý các loại tàu sông pha biển đơn giản hơn so với các tàu biển nên thủ tục cho tàu chạy cũng nhanh gọn hơn.

Tàu sông pha biển nhưng chạy tuyến Bắc Nam và lại không yêu cầu cao về trình độ thuyền viên, các quy định tối thiểu về an toàn hàng hải như các tàu biển nên việc an toàn của các tàu này chỉ dựa vào sự may mắn. Các chủ tàu sông pha biển thường thuê thuyền viên chất lượng thấp, nhiều người không có kiến thức cần thiết về nghề đi biển.

Hiện chưa có quy định tàu sông pha biển chở hàng phải trang bị thiết bị giám sát tự động, phao báo tín hiệu cấp cứu (AIS, EPIRB), dẫn đến tình trạng tàu chạy vượt phạm vi xa hơn 12 hải lý (quy định tàu loại này không chạy xa bờ biển quá 12 hải lý). Đặc biệt khi tàu gặp tai nạn thì khó xác định cụ thể vị trí để ứng cứu kịp thời.

Trong đợt bão số 12 vừa qua, có những tàu từ Hải Phòng vào các nhà máy xi măng miền Nam trả hàng, dù đã biết có bão nhưng phải cố gắng chạy hết mức có thể để vào Quy Nhơn tránh trú, do muốn giành quyền được vào cảng dỡ hàng trước.

Ít hàng hóa vận chuyển, trong khi lượng tàu vận chuyển sông pha biển nhiều, lại còn có tàu nước ngoài hết đăng kiểm chạy nội địa nên giá cước rất cạnh tranh, áp lực quay vòng tàu nhanh để tăng thêm chuyến, kiếm thêm tiền càng lớn, làm cho các chủ tàu thúc ép thuyền trưởng và thuyền viên phải tăng công suất làm việc. Một số cảng thường xuyên bị kẹt cầu do có quá nhiều tàu làm cho các chủ tàu và thuyền trưởng càng bị thúc ép phải tranh giành nhau quyền vào cảng trước dẫn đến an toàn, an ninh hàng hải bị lơ là.

Trước thực trạng ấy, các tổ chức quản lý nhà nước như đăng kiểm cần phải có trách nhiệm hơn, tránh trình trạng du di, châm chước khi đăng ký, đăng kiểm. Cần phải bắt buộc chủ tàu thực thi các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải như đối với tàu biển.

Các cảng vụ hàng hải, cảng vụ đường thủy cần thực chất hơn trong quản lý, kiểm soát tàu chứ không phải chỉ đơn giản cấp phép như thời gian qua. Cần mạnh tay với tình trạng chở quá tải, tình trạng thuyền viên không đủ chất lượng, sử dụng bằng giả.

Các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo thuyền viên đường thủy không để thuyền viên chưa đủ trình độ đi biển, bởi như vậy là đưa họ vào chỗ chết. Bằng cấp, chứng chỉ phải chú trọng tới trình độ thực tế.

Đã kinh doanh thì ai cũng muốn có lợi nhuận cao, nhưng an toàn sinh mạng con người là trên hết.

(*) Tác giả là Giám đốc ShipOffer Corp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng đợi bão mới nghĩ đến tai nạn hàng hải!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO