Du lịch TP.HCM: Vì sao du khách ít quay lại?

LỮ Ý NHI| 25/04/2017 01:37

Năm 2017, Thành phố đề ra chỉ tiêu thu hút khoảng 7 triệu lượt khách nước ngoài, nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, khó đạt được con số ấy bởi khách du lịch quay lại TP.HCM lần thứ hai là rất ít.

Du lịch TP.HCM: Vì sao du khách ít quay lại?

Lượng khách du lịch đến TP.HCM tăng từng năm. Năm 2003 là 1,3 triệu lượt. Năm 2010 đạt gần 3 triệu lượt. Năm 2016 trên 5,2 triệu lượt. Năm 2017, Thành phố đề ra chỉ tiêu thu hút khoảng 7 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ du lịch đạt 116.000 tỷ đồng, nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, khó đạt được con số ấy bởi khách du lịch quay lại TP.HCM lần thứ hai là rất ít. 

Đọc E-paper

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: "Ngành du lịch còn tồn tại tình trạng một số công ty lữ hành hoạt động không phép, một số công ty du lịch lợi dụng trang mạng để chào bán tour kém chất lượng. Tình trạng đó đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh lữ hành, gây ảnh hưởng chung đến môi trường kinh doanh của ngành du lịch Thành phố.

Bên cạnh đó, quá thiếu chỗ đỗ xe cho các điểm du lịch, kênh rạch ô nhiễm nặng, các điểm phục vụ du khách chưa mở cửa thường xuyên là những bất cập khiến du khách không hài lòng để quay lại, trong đó đáng nói nhất là sản phẩm du lịch chưa nhiều, nhất là còn ít các điểm vui chơi, giải trí ban đêm".

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Tăng trưởng du lịch tác động đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, điều quan trọng nhất của ngành du lịch là phải tính toán được khách du lịch chi tiêu bao nhiêu tiền, tiêu cho cái gì, như thế nào. Bởi, một du khách đến TP.HCM không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu của công ty cung cấp dịch vụ du lịch mà còn kéo theo việc tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa cho Thành phố".

Liên quan đến sản phẩm du lịch, ông Trần Đoàn Thế Duy - Phó tổng giám đốc Vietravel chia sẻ: "Cần đưa thêm yếu tố văn hóa vào sản phẩm du lịch. Văn hóa mới tạo ra sự khác biệt cho các điểm đến, vì ở đâu cũng có nhà hàng, khách sạn và sản phẩm du lịch như nhau sẽ không tạo sự háo hức muốn khám phá cái mới đối với du khách. Vậy nên cần đầu tư thêm các loại hình giải trí về đêm. Trong đó, ẩm thực là nét văn hóa đặc trưng, đồng thời qua đó giới thiệu văn hóa Việt Nam. Vì vậy, cần quy hoạch phố ẩm thực".

Ông Duy kiến nghị phải xúc tiến du lịch với các công ty nước ngoài có tiềm lực lớn để họ cam kết hỗ trợ dịch vụ, tài chính, ngược lại ta đảm bảo lượng khách cho họ.

>>Làm mới những “đặc sản” dành cho khách du lịch

Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt cho rằng, nhiều du khách mong muốn giữ lại dấu ấn xưa của TP.HCM, ví dụ như bảo tồn nhà cổ do Pháp xây dựng, hay các công trình xa xưa như cầu Chà Và.

Ông Anh đề xuất, Nam bộ nói chung, TP.HCM nói riêng xưa nay vốn nổi tiếng bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Nếu Thành phố khai thác được du lịch sông nước thì ngành du lịch sẽ rất phát triển. Năm 2018, Du ngoạn Việt nhận đặt hàng một số tour tàu biển nhưng đối tác nước ngoài chỉ xác nhận chắc chắn sẽ đến Vũng Tàu, còn TP.HCM vẫn trong kế hoạch.

Cũng theo ông Anh, du lịch tàu biển là một ngành rất tiềm năng và đã đến lúc nước ta phải cạnh tranh với các nước láng giềng. Một tàu cập cảng TP.HCM ít nhất có khoảng 2.500 khách, kéo theo nhu cầu khách sạn, ăn uống, mua sắm rất lớn. Trong khi Đà Nẵng đang đầu tư mấy ngàn tỷ đồng để xây cảng biển đón khách du lịch thì TP.HCM lại không.

Một con số đáng để suy gẫm nữa, đó là trong số hơn 500 doanh nghiệp lữ hành của cả nước thì chỉ có không quá 60 doanh nghiệp đưa được khách nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, lượng khách MICE (du lịch gắn với hội thảo, hội nghị) là rất lớn và là lợi thế của du lịch thì chưa khai thác được. Lý do vẫn là kẹt xe, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng và sản phẩm du lịch còn nghèo.

Theo đại diện khách sạn Viễn Đông, một trong những sản phẩm du lịch của TP.HCM tạo sức hút đối với du khách là chợ phiên cuối tuần, thế nhưng việc tổ chức lại rất lộn xộn, mặt hàng bày bán đa số là hàng Trung Quốc giá rẻ, quá ít đặc sản vùng miền Việt Nam nên chưa tạo được sức hút, chưa kể nhiều du khách không dám đi qua đoạn đường này buổi tối vì sợ bị cướp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Chủ tịch HĐQT BenThanh Tourist, cần quy hoạch các công trình trọng điểm để phát triển du lịch MICE. Bên cạnh đó, phải nâng tầm một số chương trình nổi tiếng kiểu như Amazing Thailand chẳng hạn.

Chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, ông Tào Văn Nghệ - Chủ tịch Hội Khách sạn TP.HCM nói: "Rất nhiều khách sạn trên địa bàn gặp khó khăn do bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong năm, phải xin quá nhiều giấy phép con để được hoạt động. TP.HCM khuyến khích xây khách sạn nhưng nhà đầu tư lại vướng quá nhiều thủ tục rườm rà, như bán rượu, bán thuốc lá, mở bar, club, hồ bơi đều phải xin giấy phép, trong khi khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao buộc phải có các dịch vụ này để đáp ứng nhu cầu của du khách.

"Bên cạnh giấy phép "mẹ" còn kèm theo nhiều giấy phép "con". Vấn đề này đến nay chưa được giải quyết khiến nhiều nhà đầu tư khách sạn ngán ngẩm", ông Tào Văn Nghệ nói thêm.

>>Khi du lịch giá rẻ lấn át

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch TP.HCM: Vì sao du khách ít quay lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO