Đón CISG trong giao thương quốc tế

VÂN KHÁNH thực hiện| 03/11/2016 08:27

Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu đầy đủ nội dung CISG để vận dụng.

Đón CISG trong giao thương quốc tế

Công ước của Liên Hợp Quốc năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Convention on Contracts for the International Sale of Goods - CISG) sẽ có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 1/1/2017. Theo TS. Nguyễn Minh Hằng - trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam), Trưởng Khoa Luật Đại học Ngoại thương, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa hiểu đầy đủ nội dung CISG để vận dụng. 

Đọc E-paper

* Bà có thể nói đôi nét về CISG?

- Đây là một trong các công ước về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất. Hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của CISG.

CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. CISG có hiệu lực tại Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với các DN vì giờ có thể vận dụng để giảm rủi ro khi xuất nhập khẩu hàng hóa và giải quyết tranh chấp dễ dàng hơn.

Sắp tới, tất cả hợp đồng mua bán hàng hóa giữa DN Việt Nam với DN đối tác là thành viên CISG sẽ tự động được điều chỉnh bởi CISG, trừ khi các bên thể hiện rõ trong hợp đồng là CISG không điều chỉnh hợp đồng. Như vậy, DN Việt Nam sẽ thuận lợi giao thương với đối tác nước ngoài hơn.

* Theo bà thì lâu nay không có CISG, DN xuất nhập khẩu gặp khó khăn gì?

- Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như nghiên cứu của Đại học Ngoại thương trên 200 hợp đồng xuất nhập khẩu được DN ký từ 1997 đến 2015 thì có chưa quá 20% DN lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng.

Nguyên nhân do khó khăn để thỏa thuận với đối tác nước ngoài trong việc áp dụng luật của nước nào, hoặc không chắc chắn về luật nào áp dụng ít rủi do, ít phát sinh tranh chấp. Nếu có chọn luật áp dụng thì gần 35% hợp đồng chọn áp dụng luật của Singapore, chưa đến 20% số hợp đồng DN đàm phán được là chọn áp dụng luật Việt Nam. Điều này dẫn đến bất lợi cho DN Việt Nam khi xảy ra tranh chấp.

* Những nước là thành viên CISG quan trọng thế nào đối với thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam?

- Hiện có 85 quốc gia thành viên của CISG, điều chỉnh các giao dịch chiếm đến 80% thương mại hàng hóa thế giới. Hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã là thành viên CISG, như Hoa Kỳ, Canada, hầu hết các quốc gia EU, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Một khối thị trường khác cũng làm ăn lớn với Việt Nam là khu vực ASEAN thì chưa có nhiều quốc gia tham gia CISG, chỉ mới có Singapore và sắp tới là Việt Nam. Nếu tính chung, các đối tác thương mại của Việt Nam tham gia CISG chiếm đến 70 - 75% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

* Thời gian CISG có hiệu lực tại Việt Nam chỉ còn chưa tới 2 tháng, DN đã biết đến CISG như thế nào?

- Chúng tôi khảo sát thì thấy 78% DN nói có nghe đến CISG, nhưng hầu như chưa nắm bắt nội dung, hoặc chưa hiểu đầy đủ. DN nên tìm hiểu ngay, tra cứu xem đối tác nào là thành viên CISG và hãy sẵn sàng chuẩn bị áp dụng CISG cho hợp đồng giao thương.

Để tìm hiểu về CISG không khó. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Đại học Ngoại thương đã xuất bản tập sách 101 câu hỏi - đáp về Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Việc tiếp cận thông tin về CISG bằng tiếng Việt cũng dễ dàng trên website miễn phí như www.cisgvn.net hay www.cisgvn.info.

* Theo bà, DN cần chú ý gì để áp dụng hài hòa giữa luật Việt Nam và những nội dung trong CISG?

- Giữa CISG và pháp luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng do trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại và Bộ Luật Dân sự, các nhà làm luật Việt Nam đã tham khảo và đưa vào các quy định phù hợp của CISG.

Điểm khác biệt cơ bản nhất là về hình thức của hợp đồng. CISG áp dụng nguyên tắc tự do hợp đồng, trong khi pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hoặc hình thức pháp lý tương đương. Luật Thương mại Việt Nam quy định khiếu nại trong vòng 6 tháng, CISG quy định thời hạn này không quá 2 năm kể từ ngày hàng hóa đã được giao cho người mua.

Khiếu nại chất lượng hàng hóa không phù hợp là vấn đề nhiều DN Việt Nam đã vướng phải tranh chấp. CISG quy định "thời gian hợp lý" phải kiểm tra phẩm chất hàng khi nhận hàng, khiếu nại nếu hàng hóa có khiếm khuyết. Áp dụng CISG, DN nên cùng đối tác nước ngoài quy định "thời gian hợp lý" theo 2 bên là bao nhiêu.

* Cám ơn bà!

>Đã đến lúc CISG

>Hạn chế rủi ro trong mua bán hàng hóa quốc tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đón CISG trong giao thương quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO