Doanh nhân Việt "mang chuông đi đánh xứ người"

NHÓM PHÓNG VIÊN| 09/03/2015 09:05

Việt Nam hội nhập kinh tế cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt đầu tư mạnh ra nước ngoài, mạnh dạn khai phá những thị trường mới.

Doanh nhân Việt

Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hàn Quốc và thống nhất thời gian hoàn tất đàm phán với Liên minh Châu Âu (EU), thị trường chung ASEAN, mở ra nhiều cơ hội mới về tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa...

Do đó, năm nay sẽ chứng kiến nhiều nhóm ngành đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới như một phương án vừa tự vệ, vừa tấn công trong một thời thế kinh doanh đã thay đổi. Nhiều doanh nghiệp hồ hởi thông báo về những kế hoạch chinh phục thị trường mới như dự cảm về một năm làm ăn hanh thông.

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Duy, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Tập đoàn Sơn KOVA: Từ Malta sẽ mở rộng ra châu Âu

Sau thành công ở thị trường châu Á, đặc biệt là tại Singapore, năm 2015 sẽ là một cột mốc khác của KOVA trong hành trình mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Cụ thể, KOVA sẽ thâm nhập thị trường Malta, một quốc đảo tại khu vực Địa Trung Hải, có diện tích tuy khiêm tốn nhưng đóng vai trò cửa ngõ giao thương giữa các nước có nền kinh tế trọng điểm như Đức, Pháp và Ý.

Chiến lược cho thị trường châu Âu, cụ thể là Malta, chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm sơn và chất phủ chuyên biệt hệ NANO, đặc biệt là dòng sơn tự làm sạch và chống thấm với sự điều chỉnh công thức và hàm lượng NANO phù hợp với đặc tính khí hậu và thời tiết vùng Địa Trung Hải.

Việc mở rộng thị trường sang các nước khu vực châu Âu được đánh giá là một bước chuyển hết sức quan trọng của KOVA trong việc khẳng định tiềm năng xuất khẩu một sản phẩm mà từ trước đến nay Việt Nam chưa được đánh giá cao.

Hiện tại, chúng tôi đang song song xúc tiến các bước hình thành mạng lưới phân phối trong khu vực này với đối tác chính là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất tại Malta.

Bên cạnh đó, Singapore và Malaysia là hai thị trường trọng điểm khác tại khu vực châu Á nên KOVA sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho thương mại. Cụ thể, dự kiến giữa năm 2015, chúng tôi sẽ khai trương nhà máy tại Malaysia. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy tại Malaysia sẽ là nguồn lực quan trọng giúp điều phối ổn định sản phẩm cho thị trường Singapore và Malaysia.

Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, chưa kể đến sự hỗ trợ mật thiết từ đội ngũ tư vấn kỹ thuật tại hai thị trường này. Singapore là bài học lớn của KOVA trong việc kiên nhẫn với các thị trường mới.

Cho đến thời điểm này, KOVA đã có tiếng nói riêng với các dự án lớn tại Singapore, gần đây nhất là Bệnh viện Ng Teng Fong, dự án bệnh viện cao cấp nhất Singapore về cả quy mô lẫn tiêu chuẩn. Với khá nhiều tham vọng lớn trong năm 2015, chúng tôi hy vọng mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu cho các thị trường trọng điểm sẽ nằm trong khoảng 20 - 25%.

Ông Nguyễn Nguyên - Giám đốc Điều hành kinh doanh Tập đoàn Trung Nguyên: Dubai là thị trường trọng điểm

Để chuẩn bị thâm nhập thị trường Trung Đông, cụ thể là Dubai, tháng 11/2014, Trung Nguyên đã tham gia Lễ hội cà phê - trà quốc tế được tổ chức tại Meyden Hotel, Dubai.

Bước đi đầu tiên của Trung Nguyên tại thị trường này bắt đầu bằng việc ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Global Hotels Management LLC (GHM) để mở các chuỗi quán cà phê sang trọng và phân phối cà phê cao cấp tại Dubai và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).

Sở dĩ chúng tôi chọn UAE, đặc biệt là Dubai, vì đây là biểu tượng sang trọng nhất thế giới. Việc tham gia thị trường Dubai là cơ hội khẳng định đẳng cấp của thương hiệu Trung Nguyên với thế giới. Bên cạnh đó, UEA là thị trường có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cà phê và trà cao, khoảng 85% suốt 3 năm qua, cao nhất trong khu vực.

Với mức tiêu thụ bình quân đầu người 3,5 kg mỗi năm, người dân UAE uống gần gấp đôi lượng cà phê ở bất kỳ quốc gia vùng Vịnh khác. Việc thâm nhập thị trường Dubai và sắp tới là thị trường Mỹ là kế hoạch quan trọng của Trung Nguyên trong lộ trình thực hiện mục tiêu chinh phục thị trường các nước.

>Dubai - cửa ngõ vào Trung Đông

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa: Chính ngạch tại thị trường Trung Quốc

Tại thị trường nước ngoài, suốt 10 năm liền, chúng tôi chú trọng tham gia các hội chợ quốc tế, nhờ vậy thương hiệu Kềm Nghĩa ở các nước, đặc biệt là thị trường Mỹ, được rất nhiều khách hàng biết đến và định vị ở phân khúc hàng cao cấp.

Ở thị trường nước ngoài, lợi thế của Kềm Nghĩa là chỉ đi từ nhà phân phối đến điểm bán lẻ nên giá chệnh lệch thấp. Nhưng gần đây, nhiều khách hàng đã trực tiếp về Việt Nam mua kềm giá sỉ, rồi phân phối lại tại thị trường nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các nhà phân phối tại Mỹ.

Vì thế, chúng tôi đang nhắm đến một thị trường hấp dẫn khác là Trung Quốc, dù cách đây khoảng 9 năm, chúng tôi rất ngại thị trường này. Hiện nay, Kềm Nghĩa cũng đạt được tăng trưởng 20 - 30% doanh thu chính ngạch từ thị trường này, trị giá khoảng 2 triệu USD.

Nhưng đây vẫn là một con số còn rất nhỏ trong thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân. Do đó, năm 2015, chúng tôi cố gắng đưa bằng được các sản phẩm Kềm Nghĩa vào các trung tâm phân phối lớn tại đây.

Vì làm được điều này, chúng tôi sẽ có cơ hội khai thác nguồn khách du lịch đến Trung Quốc, khai thác kênh bán hàng trực tuyến và sẽ có cơ hội hiện thực giấc mơ 100% chính ngạch.

Dù biết sẽ có những khó khăn để chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch nhưng để chắn chắn hơn, chúng tôi vẫn đang tập trung đầu tư mở rộng nhà máy, nâng cấp công nghệ, phấn đấu để nhà máy có tỷ lệ bụi 0%.

Ngoài 3 nhà máy hiện có với tổng diện tích gần 20.000m2, chúng tôi đang mua thêm mặt bằng nhà máy 50.000m2 chuẩn bị cho năm 2016 và đang tìm kiếm nhà thiết kế nước ngoài để tạo ra một hình ảnh hiện đại và chuyên nghiệp hơn.

>Kềm Nghĩa "chạm" vào ngành nail ở Mỹ

Ông Nguyễn Thế Phương - Phó tổng giám đốc FPT: Hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài

Trong năm 2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT ước đạt 3.684 tỷ đồng, xấp xỉ 174 triệu USD, tăng trưởng 37%. Đặc biệt, tại thị trường châu Âu, FPT tăng trưởng 117% so với cùng kỳ 2013. Trong các thị trường nước ngoài, Slovakia là điểm đến mới nhất của FPT.

Sau khi FPT thành lập FPT Slovakia vào tháng 6/2014, cho đến nay, kinh doanh của FPT Slovakia đang diễn ra khá ổn định. Dự kiến, FPT Slovakia sẽ đạt mức tăng trưởng 60% trong năm 2015.

FPT Slovakia hiện có khoảng 300 nhân lực mang quốc tịch Slovakia và châu Âu, trong đó phần lớn là các chuyên gia có kinh nghiệm về các giải pháp SAP. Nguồn lực này không chỉ phục vụ cho khách hàng của chúng tôi tại Slovakia mà còn đáp ứng nhu cầu cho các thị trường nói tiếng Anh.

FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, hiện FPT tập trung vào 2 hướng, thứ nhất là tiếp tục cung cấp dịch vụ cho thị trường các nước phát triển (Nhật Bản, Mỹ, châu Âu) và thứ hai là mang các giải pháp đã triển khai thành công trong nước sang các quốc gia đang phát triển.

Ở thị trường các nước đang phát triển, chúng tôi tận dụng các sản phẩm dịch vụ có nhiều kinh nghiệm triển khai thành công tại thị trường trong nước để tập trung mở rộng kinh doanh tại các thị trường có trình độ phát triển tương đương Việt Nam, như Lào, Campuchia, Myanmar.

Trong năm 2015 nói riêng và 5 năm tới nói chung, tham vọng của FPT là doanh thu ở nước ngoài tăng trưởng trung bình 40%/năm và đạt 340 triệu USD vào năm 2016 và xa hơn nữa là mục tiêu 1 tỷ USD.

>3 lời khuyên khởi nghiệp từ CEO FPT

Ông Tào Đức Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global): Đặt mục tiêu đầu tư vào 25 nước

Tính đến năm 2014, Viettel Global đã đầu tư sang 9 thị trường, trong đó 5 thị trường đã đi vào kinh doanh là Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti, Đông Timor, 2 thị trường đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng, chuẩn bị khai trương là Peru, Cameroon, 1 thị trường mới nhận giấy phép đầu tư là Burundi, 1 thị trường đang khảo sát, đàm phán xin giấy phép là Tanzania.

Các thị trường nước ngoài có tổng số dân là 300 triệu, doanh thu dự kiến sẽ bằng ½ doanh thu tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2014, tổng doanh thu nước ngoài của Viettel đạt 1,2 tỷ USD (tăng trưởng 25%) và đạt tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD (tăng 32%).

Viettel đã đặt mục tiêu đầu tư vào 25 nước với khoảng 600 - 800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành Top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới. Ở hầu hết các thị trường, Viettel phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ lớn trong làng viễn thông thế giới như Movistar và Claro ở châu Mỹ hay Vodafone ở châu Phi.

Tuy nhiên, chúng tôi lại có được những thuận lợi từ sự ủng hộ của chính phủ và người dân các nước Viettel đầu tư. Điều đó là do triết lý kinh doanh khác biệt của Viettel.

Thay vì chỉ đầu tư ngắn hạn và tập trung ở thành phố với giá cước cao, thu lợi nhuận mới đầu tư tiếp như các hãng viễn thông quốc tế khác, Viettel đầu tư dài hạn, đầu tư trước rồi mới kinh doanh, đầu tư rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân.

Trong thời gian đầu, cũng như ở Việt Nam, chúng tôi tập trung xây dựng hạ tầng rất nhanh, phủ sóng rộng khắp cả nước, dành vị thế dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới làm nền tảng để cạnh tranh kinh doanh.

Chúng tôi đặt mục tiêu thu hồi vốn sau 5 - 6 năm, tùy thuộc vào mỗi thị trường mà thời gian có thể dài ngắn khác nhau, nhưng tối đa không quá 6 năm. Ví dụ, với thị trường Lào và Campuchia chúng tôi thu hồi vốn sau 5 năm. Nhưng với thị trường Timor, chỉ chưa đầy 1 năm chúng tôi đã kinh doanh có lãi và thu hồi vốn sau 2 năm.

>Viettel: Tham vọng lớn, thách thức không nhỏ

Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Bột Quốc tế (Intermix): Thị trường Anh và Canada đầy hấp dẫn

Ba đến 4 năm trở lại đây, thị trường nước ngoài mang lại nguồn thu lớn cho Intermix, chiếm khoảng 30% tổng doanh số. Con số này luôn duy trì ở mức ổn định vì ngoài thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Intermix vẫn luôn tìm kiếm và mở rộng hiện diện tại Canada, Úc, châu Âu... cũng như các nước trong khu vực như Indonesia, Campuchia.

Hơn 19 năm tham gia thị trường các nước, sau khi liên doanh với các đối tác Nhật Bản, chúng tôi đã có được quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc đưa sản phẩm ra thế giới cũng thuận lợi hơn.

Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường các nước nhập khẩu đòi hỏi, kinh nghiệm chinh phục khách hàng của Intermix là sự trải nghiệm. Chúng tôi tận dụng những hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm nhưng không phải chỉ thuần trưng bày sản phẩm mà luôn trình diễn sử dụng sản phẩm tại chỗ.

Ví dụ, để các đối tác biết đến công dụng của bột bánh xèo, bánh cuốn Hương Xưa, chúng tôi thường đổ bánh, phục vụ tại hội chợ. Tương tự, với người tiêu dùng, Intermix thường tổ chức làm bánh bông lan, bánh Pancakes, bánh Doughnut, bánh Pizza... cho khách hàng trải nghiệm làm bánh miễn phí tại các siêu thị lớn.

Nhịp sống ở các quốc gia phát triển ngày một nhanh. Vì không có nhiều thời gian nên tâm lý khách hàng rất ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi. Đó chính là cơ hội để các loại bột trộn sẵn của Intermix được đón nhận ở thị trường nước ngoài.

Chúng tôi đang tận dụng thời cơ này để hiện diện sâu hơn nữa ở thị trường Mỹ, Châu Âu, bằng cách bắt tay với các hệ thống phân phối lớn. Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý thị trường Anh và Canada.

Trong năm vừa qua, Intermix đã vượt qua được các tiêu chuẩn kiểm tra của một trong những công ty lớn trong ngành phân phối tại Mỹ và châu Âu. Thời gian tới, có thể tự tin để nói rằng Intermix sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa mảng xuất khẩu.

Với 3 nhà máy sản xuất bột mỳ, 1 nhà máy sản xuất bột trộn sẵn, công suất của intermix đã đạt mức tối đa. Do vậy, để phục vụ cho việc nâng cao năng lực xuất khẩu, trong năm 2015, Intermix sẽ xây dựng thêm nhà máy để tăng cường sản xuất.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại sản xuất May Sài Gòn (GMC): Vào Mỹ bằng sản phẩm tự thiết kế

GMC là doanh nghiệp gần như 100% xuất khẩu hàng may mặc theo hợp đồng FOB (chủ động nguyên liệu) và doanh thu năm 2014 đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của GMC là EU, Mỹ, chiếm khoảng 80% doanh thu với 3 khách hàng lớn là Decathlon (Pháp), New Wave (Thụy Điển) và Columbia (Mỹ). Dự kiến, từ năm 2015, sẽ có nhiều thay đổi về thị trường, thị phần, sản phẩm, cách thức xuất khẩu của GMC.

Cụ thể, đối với những thị trường chính như Mỹ, GMC sẽ đẩy mạnh bước xâm nhập mới. Thông qua Blue Saigon LLC (công ty con của GMC ở Mỹ), GMC đã đang và sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm những đơn hàng mới. Năm 2014, Blue Saigon LLC đã mang về 2 triệu USD doanh thu (khoảng 40 tỷ đồng).

Tuy con số này chưa lớn nhưng là động lực để GMC xúc tiến và đẩy mạnh các hoạt động thương mại. Ngoài tìm kiếm thêm đơn hàng mới cho GMC sản xuất, Blue Saigon LLC dự kiến làm thêm công việc môi giới thương mại, tức mang đơn hàng về cho các đơn vị hợp tác sản xuất, qua đó hưởng % chênh lệch.

Ở những thời kỳ thấp điểm sản xuất, doanh nghiệp dễ bị mất cân đối thu chi. Vì thế, cùng với chiến lược sản xuất hàng nội địa để bù đắp chi phí, GMC dự kiến sẽ đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ dừng ở xuất khẩu sản phẩm thời trang thể thao Thu Đông, mà còn giới thiệu đến khách hàng những sản xuất thời trang Xuân Hè.

Đây là cách giúp GMC tránh được rủi ro mùa vụ, giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập cho công nhân. Để làm được điều này, dự kiến, năm 2015, GMC sẽ nâng dây chuyền sản xuất tại Xí nghiệp May Tân Mỹ (Vũng Tàu) từ 20 dây chuyền lên 30 dây chuyền, tại Hà Lam (Quảng Nam) từ 7 chuyền lên 15-20 chuyền.

Ngoài những thị trường truyền thống, từ năm 2015, GMC định hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sẽ mở rộng xuất khẩu sang các quốc gia như Úc, New Zealand, giúp GMC tận dụng được yếu tố nghịch mùa. GMC cũng xác định, sẽ ưu tiên sản xuất xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao.

Chúng tôi sẽ không làm quần áo rẻ tiền vì dòng sản phẩm này dễ bị cạnh tranh, không cho lợi nhuận tốt. Trong khi với lợi thế và kinh nghiệm làm FOB lâu nay, GMC có nhiều hiểu biết nguyên phụ liệu, về quy trình và kỹ thuật, giúp thực hiện những sản phẩm đòi hỏi hàng trăm công đoạn.

Dự kiến, thông qua Blue Saigon LLC (Mỹ), chúng tôi sẽ bán hàng trực tiếp cho khách hàng Mỹ theo phương thức ODM (tự thiết kế thành phẩm).

>Nhiều cơ hội cho hàng may mặc Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Việt "mang chuông đi đánh xứ người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO