Doanh nghiệp Việt tìm "đại dương xanh" tại Myanmar

TRẦN VĂN PHÁT - CEO Robot Investment Corp.| 12/05/2017 03:39

Với diện tích hơn 676.000km2 và dân số trên 54 triệu, kinh tế Myanmar đang phát triển mạnh, thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài, nhất là trong 5 năm trở lại đây khi đất nước này hoàn toàn mở cửa.

Doanh nghiệp Việt tìm

Với diện tích hơn 676.000km2 và dân số trên 54 triệu, kinh tế Myanmar đang phát triển mạnh, thu hút nhiều đầu tư từ nước ngoài, nhất là trong 5 năm trở lại đây khi đất nước này hoàn toàn mở cửa. 

Đọc E-paper

Khác với thập niên 2000, giờ đây tất cả những nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng thế giới đều có mặt tại Myanmar. Những chiếc túi xách giá vài ngàn USD như Coach, hay những áo sơ mi hàng hiệu như Boss giờ đây dễ dàng mua khi tới đất nước này.

GDP có thể tăng 8%/năm

Tốc độ tăng trưởng GDP của Myanmar vài năm trở lại đây là từ 6,8 - 7,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 1.250 USD. Chính phủ Myanmar quyết tâm đưa kinh tế tăng trưởng 8% vào năm 2030 với tổng sản lượng quốc gia 280 tỷ USD, trong đó chú trọng nhóm ngành có lợi thế như du lịch, khai khoáng, thủy hải sản, nông nghiệp.

Là quốc gia "đi sau", Myanmar đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc phát triển đất nước. Myanmar đang thắt chặt quản lý tài chính công, đảm bảo chi tiêu ngân sách nhà nước một cách hiệu quả. Myanmar cũng đang tiến dần đến chính phủ điện tử. Hạ tầng cơ bản như hệ thống điện quốc gia đã được quy họach, đảm bảo cung ứng điện cho 7 vùng và 7 bang của đất nước.

Các cảng biển, cảng sông đã được nâng cấp, trong đó có cảng Yangon. Doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu, doanh nghiệp vừa và nhỏ được thúc đẩy phát triển với nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Như những quốc gia khác trong giai đoạn đầu phát triển, Myanmar khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao nhưng cũng đón nhận những cơ sở sản xuất thâm dụng lao động để giải quyết việc làm cho người dân trong nước và người hồi hương.

Myanmar hạn chế đầu tư nước ngoài ở một số ngành liên quan đến an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích đầu tư vào ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao để kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sinh hoạt buôn bán tại Myanmar khá giống Việt Nam

Hiện nay vùng Yangon vẫn là đầu mối giao thương lớn nhất của Myanmar, tiếp đến là Mandalay, cả 2 thuộc vùng 3, còn các khu vực cận biên vẫn còn kém phát triển, như Kachin, Rakhine, Shan (vùng 1), Bago, Magway, Ayeyawady (vùng 2). Dầu khí dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (34%), tiếp đến là năng lượng điện (30%), sản xuất (12%), viễn thông (8%), bất động sản (5%).

Đầu tư nước ngoài vào Myanmar ngày càng gia tăng vì từ 10/2016, Myanmar đã ban hành luật đầu tư mới tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Là quốc gia có đông người nói tiếng Anh, nên doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Myanmar khá thuận lợi.

Hiện nay Việt Nam đứng thứ 7 trong các quốc gia đầu tư vào Myanmar. Có một thuận lợi là hàng hóa từ Việt Nam xuất thẳng qua cảng Yangon, không phải quá cảnh Singapore như trước.

Được ưa chuộng nhưng hàng Việt chưa nhiều

Kyaw - một thương nhân có hệ thống phân phối hàng điện gia dụng lớn tại Myanmar tiếp chúng tôi tại văn phòng khi vẫn còn nhai trầu. Anh nói, 80% đàn ông Myanmar vẫn còn thói quen ăn trầu, vì thế mà trầu cau được bày bán khắp vệ đường ở thành phố Yangon. Cách người Myanmar têm trầu cũng không khác mấy người Việt, cũng lá trầu xanh, miếng cau lột vỏ nhưng họ bỏ thêm vài loại "gia vị" nữa.

Kyaw nói là do quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, đa phần dân Myanmar rất thích hàng "made in Vietnam". Nhưng hàng hóa Việt nam xuất sang Myanmar còn hạn chế so với hàng của Thái Lan và Trung Quốc, chủ yếu là phương tiện vận tải, phụ tùng, máy móc, thiết bị, nhiều nhất là thép và hàng dệt may, giày dép. Tại khu chợ đường 29-30, đối diện chợ Boyoke, giày dép toàn là hàng Việt Nam.

Anh Hải - một người bạn đồng hành cùng chúng tôi có thâm niên 10 năm làm ăn tại Myanmar cho biết: "Trước đây sắt thép của Việt Nam xuất vào thị trường này rất nhiều, nhưng hiện nay bị thép Trung Quốc cạnh tranh dữ dội". Tuy nhiên, nhà máy cán tôn của anh Hải vẫn hoạt động hết công suất.

>>Thị trường Myanmar và cơ hội cho hàng Việt

Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát thị trường, tổ chức các hội chợ để đưa hàng Việt Nam đến với thị trường đầy tiềm năng Myanmar. Hội chợ hàng Việt Nam gần đây nhất tổ chức vào đầu tháng 4 vừa rồi đã thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm. Người Myanmar đến gian hàng nào cũng nói hàng Việt Nam là "Very good". Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng ghi nhớ, nhiều đơn đặt hàng đã được ký tại hội chợ này.

3 năm trước, một chuyên gia thị trường phát biểu là "Bây giờ hoặc không bao giờ" khi ông nói về việc làm ăn, buôn bán ở Myanmar, nhưng đến thời điểm này chỉ mới có 138 doanh nghiệp Việt Nam hiện diện tại thị trường này.

Trong đó có một nguyên nhân là doanh nghiệp chưa hiểu thấu các biểu thuế và thủ tục xin form D (giấy chứng nhận hàng hóa xuất xứ ASEAN mẫu D - form D) khi xuất hàng sang Myanmar (theo Hiệp định Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của khu vực tự do thương mại ASEAN, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này muốn được hưởng ưu đãi về thuế bắt buộc phải có form D).

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc hiểu và vận dụng các luật của Myanmar, khó khăn trong việc thanh toán và chuyển lợi nhuận kinh doanh về nước, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang dần dần tìm được "đại dương xanh" trên thương trường Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt tìm "đại dương xanh" tại Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO