Doanh nghiệp sản xuất giày dép: Mất mối giữa chợ!

ĐỖ PHƯƠNG| 05/09/2013 04:30

Doanh nghiệp sản xuất giày, dép nội địa đều lên tiếng kêu cứu trước cơn lốc hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.

Doanh nghiệp sản xuất giày dép: Mất mối giữa chợ!

Doanh nghiệp (DN) sản xuất giày, dép nội địa đều lên tiếng kêu cứu trước cơn lốc hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào.

Đọc E-paper

Theo thống kê của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), sức mua tại thị trường giày dép nội địa ngày càng gia tăng. Ở phân khúc cao cấp, thị trường đang thuộc về các thương hiệu ngoại như: Timberland, Nike, Adidas, Nine West, Dull, Next..., với nhiều kiểu dáng đẹp, màu sắc rất phong phú.

Trong khi đó, ở phân khúc trung bình và cấp thấp, khoảng 50% thị phần còn lại phải nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Singapore và Trung Quốc. Đặc biệt, thời gian gần đầy, thị trường chứng kiến cơn lốc hàng Trung Quốc tràn vào với giá rẻ gấp ba, bốn lần hàng cùng loại của Việt Nam.

Trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc, nhiều DN sản xuất giày, dép trong nước chuyên cung cấp hàng cho tiểu thương, dường như không còn cửa sống.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX - TM Nguyên Nguyên Phước, cho biết, với kiểu bán hàng trước trả tiền sau, các DN Trung Quốc dễ giành nhiều mối hàng trong các chợ và shop. Không bán được hàng, nhiều DN trong nước phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa.

Thừa nhận vấn đề này, bà Võ Ngọc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giày Viva, chia sẻ dù DN đang hoạt động với quy mô tinh gọn với khoảng 200 đôi/ngày, nhưng chỉ trong 7 tháng đầu năm 2013, công nợ của Viva đã đến hơn 1 tỷ đồng. "Vốn bỏ ra bao nhiêu cũng bị tiểu thương gối đầu, không tiếp tục thì nhân viên không có việc làm, nhưng càng làm càng đuối", bà Xuân cho biết.

20-30%

Ước tính, lượng giày, dép được tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 150 triệu đôi/năm. Tuy nhiên, theo Hội Da giày TP.HCM, sản xuất, kinh doanh của ngành da giày từ đầu năm đến nay đã giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do chịu sức ép cạnh tranh từ hàng Trung Quốc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.

Trong khi đó, tác động của quy định về thuế mới khiến DN càng thêm khó khăn, cụ thể, DN phải đóng thuế ngay khi vừa nhập hàng (trước đây được ân hạn trong vòng 30 ngày), trong khi việc hoàn thuế cũng có nhiều thay đổi.

Theo ông Châu MinhThi, Giám đốc Công ty TNHH Giày Triệu Phong, do thị trường bị thu hẹp, Triệu Phong chuyển hẳn sang cung cấp nguyên phụ liệu cho các DN FDI trong ngành giày.

Để tiết giảm chi phí cạnh tranh về giá thành, Triệu Phong phải chủ động tự chế tạo khuôn để sản xuất, thay vì nhập khẩu như trước đây.

Mặc dù vậy, khó khăn vẫn chồng chất vì thêm gánh nặng về thuế. Ông Thi cho biết, doanh thu 7 tháng đầu năm đã giảm 50% so với cùng kỳ.

Những thương hiệu giày Việt được người tiêu dùng biết đến như Vina Giày, T&T, Bitis, Bitas, Thượng Đình, Asia Shoes... cũng như các cơ sở sản xuất tại các làng nghề da giày bắt đầu quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu riêng và nhãn hiệu tập thể, với mong muốn bảo vệ sản phẩm làng nghề và quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Giày Vinh Thông (Vithoco), cho rằng, hầu hết các DN trong ngành đều xuất thân từ làng giày Quận 4, TP.HCM, chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa. Nếu không sớm có một chính sách hỗ trợ các DN ngành da giày nội địa thì nguy cơ tan rã của ngành sẽ rất cao.

Nhận định chung cho thấy, sự yếu kém của các DN trong nước sẽ càng lộ rõ khi Việt Nam mở cửa thị trường theo các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do với mức thuế nhập khẩu về 0%.

Cùng với sự tham gia ồ ạt của doanh nghiệp các nước nằm trong khối TPP và EU, các DN sản xuất, kinh doanh giày dép nội địa sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn do thiếu vốn đầu tư, thiếu mặt bằng sản xuất và công nghệ lạc hậu.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc công ty TNHH Da Hoàng Thắng, nhận định: "Để làm ra sản phẩm được ghi chữ "Made in Vietnam", DN phải chủ động được 65% nguyên liệu. Điều này là không thể vì hầu hết nguyên liệu ngành da giày đều phải nhập khẩu. Do đó, đừng quá phấn khởi đón TPP, vì coi chừng DN sẽ chết trước đó!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp sản xuất giày dép: Mất mối giữa chợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO