Doanh nghiệp khí gas gặp khó vì chính sách

MỘC LAN/DNSGCT| 27/06/2016 01:30

Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí và Thông tư 03 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định này khiến nhiều DN kinh doanh khí gas vướng hàng loạt thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp khí gas gặp khó vì chính sách

Nghị định 19 của Chính phủ về kinh doanh khí và Thông tư 03 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định này khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh khí gas vướng hàng loạt thủ tục hành chính, thậm chí phải đối mặt với việc phá sản, giải thể.

Đọc E-paper

Khoản 1, Điều 9, Nghị định 19 có hiệu lực từ 15/5/2016 quy định, doanh nghiệp phân phối gas phải có đủ 100.000 vỏ bình gas loại 12kg đủ điều kiện lưu thông trên thị trường và bồn chứa có tổng sức chứa tối thiểu 300m3.

Cơ sở để đưa ra quy định này là do có ý kiến cho rằng thị trường khí gas hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp, gây cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn nên cần phải siết chặt.

Một số quan chức còn lấy ví dụ thị trường Thái Lan khi họ chỉ có 5 nhà cung cấp, quy mô lớn, kinh doanh chuyên nghiệp, an toàn, chất lượng tốt, trong khi Việt Nam có đến vài chục doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng lập luận như vậy là chưa thật sự thuyết phục và điều khoản nêu trên đang chèn ép các doanh nghiệp nhỏ.

Cụ thể, theo một số doanh nghiệp phân phối gas tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều nơi chỉ đầu tư khoảng 50.000 vỏ nhưng không sử dụng hết vì nhu cầu thực tế chỉ khoảng 20.000 vỏ, còn lại vẫn cất trong kho. Để đáp ứng điều kiện của Nghị định nói trên, mỗi doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thừa khả năng tiêu thụ của thị trường hơn một nửa giá trị thật của nhu cầu.

Theo tính toán, ít nhất mỗi doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm 25 - 50 tỷ đồng để mua thêm vỏ bình, đầu tư thêm bồn tồn trữ và mở rộng kho bãi. Đây là số tiền không nhỏ trong tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp ít có khả năng tiếp cận vốn và lãi suất ưu đãi.

>>Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Quan trọng hơn, quy định này sẽ không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, khi toàn bộ chi phí này được doanh nghiệp chuyển vào giá bán gas và thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng.

Một bất cập khác khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc là mâu thuẫn trong quy định của Thông tư 03 gây khó cho doanh nghiệp để xin được chứng nhận. Theo Khoản 2, Điều 9, Thông tư 03 thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí đốt hóa lỏng (LPG) vào chai phải có bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối, trong khi Điều 8 của Thông tư này lại quy định hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG phải có bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai hoặc hợp đồng thuê nạp LPG vào chai. Quy định cắc cớ kiểu này thì khó có doanh nghiệp nào xin được giấy phép để tiếp tục kinh doanh.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Vì thế, giới luật sư cho rằng khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh cấp từ thông tư trở xuống được ban hành trong suốt nhiều năm qua của các bộ, ngành là đang “vi phạm pháp luật” và tạo điều kiện cho cơ chế “xin cho” làm xấu đi môi trường kinh doanh.

Không chỉ riêng ngành kinh doanh khí gas, rất nhiều văn bản không đúng thẩm quyền quy định các điều kiện kinh doanh ở nhiều ngành khác cũng đang gây khó cho doanh nghiệp và cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế. Nếu không sớm rà soát, bãi bỏ và kiểm soát chặt chẽ thì đây sẽ tiếp tục là lực cản để doanh nghiệp lớn mạnh.

>>Đừng để doanh nghiệp đơn độc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp khí gas gặp khó vì chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO