Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

VŨ DUNG| 27/02/2019 00:00

Nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đang hy vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội.

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội

Ảnh minh họa: Quý Hòa

Đầu năm 2016, ông Choi Dong-jin và khoảng 120 chủ doanh nghiệp Hàn Quốc khác đã buộc phải rời nhà máy của mình tại khu công nghiệp Kaesong sau khi quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên căng thẳng.

Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã chuyển nhà máy sản xuất hàng may mặc sang Việt Nam - nơi có nguồn lao động giá rẻ cũng như vị trí địa lý thuận lợi. Một số khác chuyển nhà máy sang Campuchia.

Các chủ doanh nghiệp này đang hy vọng sẽ có sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội.

Link bài viết

Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore, chính quyền ông Trump cho biết sẽ không từ bỏ cấm vận cho tới khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng chỉ một tuần trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội, ông Trump ám chỉ sẽ có sự nhượng bộ, cho rằng Mỹ sẽ có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận nếu có những tiến triển “thực chất” trong tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.

Rất nhiều công ty của Hàn Quốc cho biết, thị trường tiềm năng chưa được khai phá cũng như nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên là những yếu tố mà họ không thể bỏ lỡ. Đặc biệt, Triều Tiên có cùng ngôn ngữ với Hàn Quốc nên việc vận hành nhà máy sẽ dễ dàng hơn.

Vào thứ Ba tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cho biết, Hàn Quốc sẵn sàng có một thỏa ước kinh tế với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa. Mở cửa khu công nghiệp Kaesong là một trong những dự án được mong chờ nhất.

Chuyên gia kinh tế của Bloomberg - Shuli Ren cho biết, có nhiều tiềm năng để Bình Nhưỡng mở cửa nền kinh tế. “Triều Tiên khá giống Việt Nam vào năm 1986 khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, chuyển dần sang nền kinh tế thị trường”.

Năm 2016, GDP của Triều Tiên khoảng 31 tỷ đô la Mỹ so với 26 tỷ đô la của Việt Nam năm 1986. Nông nghiệp chiếm 40% nền kinh tế Việt Nam năm 1986 so với 20% của Triều Tiên hiện nay, theo Morgan Stanley.

Kể từ khi thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7% so với con số 4% trong một thập kỷ trước và hiện nay, độ lớn nền kinh tế Việt Nam đã gấp 6 lần so với Triều Tiên.

Năm 2018, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 7,08%, tốc độ cao nhất trong hơn 10 năm qua. Có được thành công này nhờ sự đóng góp rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc. Ngược lại, nền kinh tế Triều Tiên chỉ tăng trưởng khoảng dưới 1% mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua, theo số liệu ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

Morgan Stanley ước tính, đầu tư chiếm khoảng ¼ GDP của Việt Nam nhưng gần như là con số 0 tại Triều Tiên. Nếu dòng vốn đầu tư đạt khoảng 20% GDP, Triều Tiên có thể có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5%.

“Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa chiến lược và chi phí lao động thấp là những tiềm năng to lớn để Triều Tiên phát triển kinh tế, nhưng để Triều Tiên đạt được những thành quả kinh tế như Việt Nam là không dễ", theo chuyên gia kinh tế tại Gareth Leather.

Theo một viện nghiên cứu của Hàn Quốc, tài nguyên khoáng sản của Triều Tiên ước tính lên tới 10 triệu tỷ đô la, gấp 20 lần Hàn Quốc. Đồng thời, Triều Tiên nằm ở vị trí địa chiến lược, trung tâm của tam giác kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

(Theo TBKTSG - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO