Doanh nghiệp cạnh tranh thế nào với chuỗi siêu thị?

THIÊN TOÀN/DNSGCT| 09/06/2016 08:21

Chịu lỗ để tiếp tục trụ lại hay đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối… là những lựa chọn mang ý nghĩa sống còn với nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành lương thực, thực phẩm.

Doanh nghiệp cạnh tranh thế nào với chuỗi siêu thị?

Chưa bao giờ, nguy cơ hàng Việt mất thị phần trên sân nhà lại rõ rệt như thế.

Đọc E-paper

Chuỗi siêu thị Big C vừa đổi chủ ngoại đã rục rịch tăng chiết khấu, thay đổi chính sách khiến nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành lương thực, thực phẩm lao đao. Chịu lỗ để tiếp tục trụ lại hoặc đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối… là những lựa chọn mang ý nghĩa sống còn lúc này.

Chuỗi siêu thị càng lớn mạnh càng dễ lạm quyền

Trong nghiên cứu "Mối quan hệ giữa siêu thị và nhà cung cấp: Tác động đến người tiêu dùng" được Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế đưa ra năm 2012, các nhà nghiên cứu khẳng định sự phát triển của các siêu thị sẽ tác động rất lớn đến sự tồn vong của các nhà sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ ít có tên tuổi. Trong đó, lĩnh vực lương thực, thực phẩm đặc biệt chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đa phần doanh nghiệp đều nhỏ hoặc siêu nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và không có kỹ năng đàm phán.

Nghiên cứu cũng khẳng định, việc siêu thị gây sức ép lên nhà sản xuất và gia tăng các nhãn hiệu riêng cũng tác động không nhỏ đến quyền lợi của người tiêu dùng, khi họ có ít sự lựa chọn hơn và phải trả giá cao hơn khi hàng hóa bị đẩy giá lên cao. Lịch sử phát triển hơn 30 năm của hệ thống các siêu thị tại các nền kinh tế phát triển đã chứng minh điều đó.

Theo các số liệu trong nghiên cứu trên, năm 2011, tại Úc, 70% thị phần thực phẩm của quốc gia này do 2 chuỗi siêu thị lớn nhất nắm giữ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các nước Anh, Pháp, Đức, Áo… khi hơn 60% thị phần ngành thực phẩm nằm trong tay 3 đến 5 chuỗi siêu thị lớn. Cùng với việc nắm giữ phần lớn thị phần, các siêu thị đã gia tăng sức ảnh hưởng của họ đến những nhà sản xuất và chế biến thực phẩm từ quy trình chế biến, đóng gói đến việc “cưỡng chế” hợp đồng, đưa ra nhiều quy định bắt buộc phải tuân thủ từ số lượng hàng nhập, tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ giao hàng, đóng gói, chính sách đổi trả và trên hết là giá cả và điều kiện thanh toán.

Trong cuộc chơi này, chỉ những thương hiệu lớn may ra có cơ hội đàm phán để đảm bảo lợi nhuận cho mình. Với những nhà sản xuất nhỏ, khả năng trụ lại hoặc có lợi nhuận (dù rất nhỏ) gần như bằng không.

Câu chuyện lạm quyền của hệ thống các siêu thị lớn tại nhiều nước phát triển hiện cũng đang diễn ra tại Việt Nam với kịch bản không khác là mấy. Điển hình, hệ thống Big C sau khi được ông chủ Thái Lan mua lại đã bắt đầu thực hiện quyền năng của họ đối với một số nhà sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước, từ việc tăng chiết khấu hàng hóa đến thay đổi những điều khoản hợp đồng.

Theo một số nhà sản xuất, việc ký lại hợp đồng cũng không theo kiểu đàm phán như trước nữa mà là “cưỡng chế” bởi nhiều quy định doanh nghiệp không thể đàm phán với siêu thị mà bắt buộc phải tuân thủ, từ việc số lượng hàng hóa cần nhập, việc trưng bày sản phẩm, phí marketing, giá bán, công nợ… Tại các siêu thị nội, không phải không có hiện tượng trên nhưng họ làm chậm, không ồ ạt nên ít gây sự chú ý.

Bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, đứng trước tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm đang điêu đứng trước những đòi hỏi của các chuỗi siêu thị lớn, hiệp hội này đang đẩy mạnh việc thu thập phản ánh của doanh nghiệp để kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị với mức lãi suất ổn định.

Cần giảm bớt phụ thuộc vào các chuỗi siêu thị

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiệt hại cho những nhà sản xuất nhỏ, cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự bất bình đẳng trong đàm phán giao thương giữa nhà sản xuất với các chuỗi siêu thị bằng việc áp đặt những nguyên tắc có tính ràng buộc, thực thi. Tuy nhiên, Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, nền kinh tế phải tuân theo nguyên tắc thị trường và doanh nghiệp tự quyết trên cơ sở thuận mua vừa bán, do đó, khó có thể áp đặt các quy định trong đàm phán kinh doanh.

Hiện nay, Sở Công thương TP.HCM và các hiệp hội ngành nghề cũng đang có kiến nghị thay đổi các quy định trong hoạt động của siêu thị, đặc biệt là các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài để giảm bớt sức ép cho các nhà sản xuất trong nước, tuy nhiên, về lâu dài, điều cần nhất vẫn là sự lớn mạnh của chính doanh nghiệp để có được thế cân bằng trong đàm phán với những ông lớn của ngành bán lẻ.

Ông Châu Thịnh Lân - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Việt Ấn cho rằng hiện tượng siêu thị gây sức ép đối với các nhà sản xuất là xu thế tất yếu khi chuỗi siêu thị ngày một lớn mạnh và nắm giữ phần lớn thị phần.

Theo ông Lân, giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là xây dựng nhiều kênh phân phối để giảm bớt sự phụ thuộc vào siêu thị, đồng thời, phải thay đổi tư duy sản xuất bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng việc xây dựng thương hiệu để lấy được niềm tin của người dùng.

Chỉ khi có kênh phân phối đa dạng và thương hiệu bền vững, doanh nghiệp mới có sức mạnh đàm phán trong cuộc chơi với các ông lớn siêu thị. Tuy nhiên, vốn và những kỹ năng khác như quản trị, tiếp thị, đàm phán… là điều mà hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều thiếu và rất yếu. Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết ngành phải phát huy vai trò đảm bảo quyền lợi của thành viên thì mới thu hút được sự tham gia, tập trung được sức mạnh và có khả năng đàm phán với các đối tác lớn mang về lợi ích cho doanh nghiệp.

Hiện nay, nhà nước chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp giới hạn ở một số lĩnh vực để tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Tuy vậy, một môi trường hoạt động minh bạch và các chính sách pháp luật, thuế ổn định – điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển – là điều mà Chính phủ cần làm ngay để giúp doanh nghiệp nước ta có thể mạnh dạn đưa ra những chiến lược đầu tư dài hạn, trong đó có việc phát triển thương hiệu, đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp cũng cần được chú trọng. Theo ông Châu Thịnh Lân, nếu việc đào tạo cho tất cả doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, chuỗi liên kết. Mỗi hiệp hội, chuỗi cần có ít nhất một người được đào tạo bài bản để trở thành người đàm phán vì lợi ích của doanh nghiệp trước các đối tác bán lẻ, trong đó có các chuỗi siêu thị.

>Chuỗi siêu thị mẹ và bé: Những "đứa trẻ" triệu đô

>Kinh doanh bán lẻ là phải địa phương hóa

>Định vị hàng Việt ở chợ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cạnh tranh thế nào với chuỗi siêu thị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO