Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước viễn cảnh RCEP?

TS. VÕ TRÍ THÀNH - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (HẢI VÂN ghi)| 09/03/2017 01:36

Trong khi chưa có nhiều tin tốt về sự hiểu biết và công tác chuẩn bị đối với RCEP, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề quan trọng.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước viễn cảnh RCEP?

Phiên đàm phán mới nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa kết thúc tại Tokyo, Nhật Bản. Đây cũng là chủ đề được bàn thảo sôi nổi nhất tại Som 1, Hội nghị APEC 2017 tại Nha Trang ngày 3/3 vừa rồi. Thế nhưng bởi chính sách ngược chiều của các nước phát triển, cách suy nghĩ về hội nhập và liên kết, những vấn đề tăng trưởng trong ngắn hạn và cả những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong tương lai gần (như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư), việc đi đến thống nhất RCEP là không dễ.

Đọc E-paper

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương ủng hộ hội nhập đa phương. Vì vậy, RCEP vẫn phải gắn với tự do hóa thương mại và dịch vụ nhưng phải đáp ứng những vấn đề trên và sau đường biên giới, cũng như những đòi hỏi mới của thương mại, dịch vụ.

RCEP chủ trương thuận lợi hóa và kết nối, tạo điều kiện để tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chi phí rẻ hơn. Nhưng thế vẫn chưa đủ, vì khu vực này còn có quốc gia đang phát triển như Việt Nam và cũng có quốc gia phát triển nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản nên hợp tác quan trọng nhất là nâng cao năng lực thể chế và năng lực con người, để có đủ năng lực lựa chọn và xử lý được cơ hội mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Muốn vậy, tăng trưởng và thịnh vượng phải được chia sẻ giữa các thành viên, nếu không sẽ không thể thúc đẩy thương mại, đầu tư, dịch vụ.

Trong bối cảnh TPP chưa ngã ngũ, chỉ còn lại RCEP như một biểu tượng của tư tưởng tiếp tục tự do hóa thương mại và đầu tư, nhưng thách thức cũng rất lớn.

Khởi xướng RCEP là ASEAN nhưng dưới góc độ kinh tế, đầu tư, thị trường, thương mại thì các đối tác, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản có vai trò rất quan trọng.

>>Vì sao chè Việt khó hưởng lợi từ các Hiệp định kinh tế?

Tiến trình đàm phán RCEP cho đến nay đã chậm gần 2 năm so với mục tiêu ban đầu. RCEP bây giờ được quan tâm nhưng cũng có quá nhiều ý tưởng được đưa ra. Chẳng hạn, một RCEP có chất lượng cần kết thúc sớm nhưng vẫn phải có quá trình để giảm chi phí điều chỉnh. 

Hay ASEAN đóng vai trò dẫn dắt, nhưng RCEP vẫn phải quan tâm một số các vấn đề có trong TPP, ví dụ giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quá nhiều vấn đề đặt ra, nhưng RCEP phải chứng tỏ là một hiệp định tốt, gắn kết các nước phát triển với các nước đang phát triển.

Một vấn đề nữa, thể chế cho RCEP cũng cần bàn đến. Cơ chế của RCEP là phải thế nào để đảm bảo có đủ hiệu lực giải quyết tranh chấp của cả ASEAN và ASEAN + 1. Cạnh đó, nếu ASEAN giữ vai trò trung tâm thì trong thể chế mới của RCEP, Ban thư ký ASEAN giữ vai trò gì, phối hợp như thế nào.

Cuối cùng, mô hình của RCEP là gắn với kết nối và tự do hóa, cho nên phải gắn với vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch chuyển con người, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... RCEP gắn với vấn đề của 16 nước thành viên, đây chính là những thách thức lớn.

Đàm phán RCEP bắt đầu tháng 12/2012 tại Phnom Penh, Campuchia. 16 quốc gia thành viên của RCEP chiếm 1/4 nền kinh tế thế giới, tương đương với khoảng 75 nghìn tỷ USD, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác của ASEAN là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Chưa biết được mức độ cam kết của RCEP đến đâu vì vẫn phải chờ đàm phán, nhưng nhiều đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế đều cho là rất tốt. Theo đó, RCEP có tác động rất lớn tùy thuộc vào mức độ cam kết đối với các nước tham gia. Mức độ tác động đến Việt Nam của RCEP bằng khoảng ½ so với TPP và tương đương mức tác động của EVFTA.

RCEP là hiệp định có mức độ hội nhập sâu rộng, các nước đang phát triển như Việt Nam và Campuchia sẽ được hưởng lợi một cách tương đối. Điều này là dễ hiểu, bởi cơ sở nền phát triển của Việt Nam ở mức thấp nên tốc độ thường cao hơn.

Hơn nữa, quy mô lớn thì sản xuất - kinh doanh của thế giới và khu vực mang tính mạng, mang tính chuỗi giá trị, nhưng Việt Nam mới chỉ tham gia ở giai đoạn đầu của quá trình này, nên khi hội nhập sâu hơn, mức độ tham gia sẽ lớn hơn và điều này tác động mạnh đến xuất khẩu, tăng trưởng.

Tuy nhiên, những đánh giá đấy mới chỉ dựa trên một số giả định về mức độ mở cửa hội nhập, còn nó hiện thực đến đâu lại phụ thuộc vào tiến trình cải cách thể chế kinh tế và công tác chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam và khu vực doanh nghiệp.

Trong khi chưa có nhiều tin tốt về sự hiểu biết và công tác chuẩn bị đối với RCEP, doanh nghiệp cần lưu ý 2 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực sản xuất - kinh doanh năng động và phát triển nhất, nên phải xem xét lĩnh vực mình làm ăn gắn với mạng và chuỗi nào trong khu vực này.

Thứ hai, mạng và chuỗi giá trị sản xuất của khu vực này rất năng động, rất phát triển nhưng lại dựa vào FDI, các tập đoàn lớn của Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu. Do đó, doanh nghiệp phải hiểu đối tác, đặc biệt là những đối tác đang chi phối mạng và chuỗi này, để gắn với chuỗi sản xuất - kinh doanh trong mạng và thế giới.

>>Lưu ý pháp lý khi góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cần lưu ý gì trước viễn cảnh RCEP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO