DN xuất khẩu: Không phòng vệ, khó cạnh tranh

LỮ Ý NHI| 21/11/2015 06:22

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng khó giành thị phần cao khi các hiệp định thương mại tự do đang rộng cửa, nhất là các DN lại chưa quan tâm đến hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại.

DN xuất khẩu: Không phòng vệ, khó cạnh tranh

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng khó giành thị phần cao khi các hiệp định thương mại tự do đang rộng cửa. Nhất là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại chưa quan tâm đến hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại (PVTM).

Đọc E-paper

Theo các DN trong ngành vật liệu xây dựng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ tôn, sắt, thép trên thế giới đang trong chu kỳ giảm sâu nên các nước sẽ tận dụng hàng rào kỹ thuật và PVTM mạnh mẽ, vì vậy hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban tình hình xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015, ông Lê Văn Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, giảm 28,4 % so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh do kết quả vụ kiện chống bán phá giá tôm POR8 với mức thuế quá cao (6,37%).

Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành thủy sản không bằng năm ngoái và thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hiện có 99 vụ PVTM (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh thuế), trong đó có 56 vụ đang theo dõi và trong giai đoạn điều tra, gồm chống bán phá giá 38/59 vụ, chống trợ cấp 3/7 vụ, tự vệ 9/20 vụ, chống lẩn tránh thuế 6/12 vụ.

Riêng ngành thép, chỉ trong tháng 9, đã có 3 vụ kiện chống bán phá giá từ Thái Lan đối với tôn phủ màu và ống thép không rỉ xuất khẩu sang thị trường này.

Sợi xuất khẩu cũng có tần suất bị khởi kiện cao từ đầu năm tới nay. Theo ông Phùng Gia Đức - Phòng Điều tra vụ kiện PVTM của DN trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh), các mặt hàng bị kiện chống bán phá giá ngày càng nhiều sẽ làm cho nguy cơ Việt Nam giảm thị trường xuất khẩu.

Ngay trong thời gian nhận thông báo bị điều tra, các DN đã gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu do bị đối tác nhập khẩu soi xét kỹ hơn. Một DN sợi ở Bình Dương cho biết, giá trị xuất khẩu sợi sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015 giảm 10 - 15%.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen Group cho biết, Hoa Sen đang phải đối mặt với 4 - 5 vụ kiện chống bán phá giá từ nhiều nước, cứ xoay xở qua vụ kiện này thì lại vướng tiếp vụ kiện khác, tốn nhiều chi phí.

Theo ông Phùng Gia Đức, điều đáng nói nữa là hiện nay các thị trường như Indonesia, Thái lan, Malaysia, Ấn Độ... đang gia tăng sử dụng công cụ PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, sự hiểu biết và nhận thức của các DN về các biện pháp PVTM còn hạn chế, hầu hết khi xảy ra vụ kiện thì im lặng, còn các DN không bị vướng kiện thì coi như... vô can.

Các hiệp hội DN hầu như chưa có khái niệm PVTM, trong khi hoàn toàn có thể kiện chống phá giá một số mặt hàng như sợi, giấy từ Trung Quốc.

Đơn cử, DN nhựa Việt Nam bị tổn thất nhiều nhất từ hàng nhựa giá rẻ từ Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có DN nhựa nào lên tiếng.

Ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Hoa Sen Group, cho biết: “Các nước dựng hàng loạt hàng rào phòng vệ với hàng nhập khẩu nhưng hàng hóa của họ vào Việt Nam bán phá giá thì DN Việt Nam lại không có động thái gì. Vậy nên, khi có hàng nhập khẩu giá thấp, DN trong ngành không chủ động nộp đơn kiện”.

Cũng theo ông Thanh, PVTM đã có 13 năm nay nhưng Việt Nam chỉ mới khởi xướng được 3 vụ kiện, trong khi ở các nước mỗi năm có hàng trăm vụ.

Các nước xem việc PVTM là chiến lược cạnh tranh và chi phí đầu tư nên có hẳn một bộ phận chuyên theo dõi còn DN Việt Nam thì cho đây là chi phí bất thường, và ít đầu tư do chi phí quá lớn so với lợi ích mang lại.

Ngoài ra, một hạn chế khác của các DN Việt Nam là không có nguồn lực nên khi muốn kiện thì luật sư chuyên từng lĩnh vực cũng quá ít.

Đã vậy, muốn khởi kiện thì phải có số liệu chứng minh, phải mất rất nhiều thời gian đi thu thập thông tin về ngành, về giá bán của họ ở nước sở tại.

Một khó khăn nữa là theo quy định của WTO, các nguyên đơn phải có 25% thị phần trong nước, trong khi DN Việt Nam thường chỉ chiếm 5 - 6% thị phần một sản phẩm nào đó.

Vì thế, muốn kiện thì chỉ có cách liên kết với các DN bạn để có đủ 25% thị phần mới được thụ lý đơn, mà các DN cùng ngành của Việt Nam lại có tiền lệ xấu là “cùng ngành hay cạnh tranh” nên việc liên kết cũng rất khó.

Ông Vũ chia sẻ thêm, khi xuất hàng sang Australia, Hoa Sen đã dự đoán sẽ bị Úc kiện bán chống phá giá đối với thép mạ kẽm nên đã đi trước một bước là thuê luật sư tư vấn pháp lý ngay tại Australia.

Vì vậy, khi bị Australia nêu tên chống bán phá giá thì Hoa Sen đã chứng minh đầy đủ số liệu và đã vượt qua được vụ kiện. Ông Vũ khẳng định, dành chi phí cho các vấn đề tư vấn pháp lý kiện tụng là vô cùng cần thiết.

Thực tế, chi phí vài trăm ngàn USD để ứng phó với kiện chống bán phá giá không phải quá lớn so với doanh số xuất khẩu của Công ty.

Theo khuyến cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Việt Nam đang đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và trong xu thế xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ngày càng tăng và phức tạp hơn nên các DN cần nâng cao ý thức phòng vệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, DN Việt Nam buộc phải chấp nhận các “luật chơi” về tự do thương mại toàn cầu nên cần phải quan tâm đến cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, các biện pháp PVTM.  

>Phòng vệ thương mại: Nắm luật để dùng luật

>Phòng vệ thương mại: “Cú huých” từ ngành thép

>Vì sao thép Việt liên tục bị điều tra chống bán phá giá?

>Chống bán phá giá: Lợi ích từ hệ thống cảnh báo sớm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN xuất khẩu: Không phòng vệ, khó cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO