DN thủy sản: Tôm quẫy trên sàn, cá rớt xuống thớt

PHAN LÊ - ĐỖ HẢI| 14/05/2013 09:51

Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG) táo bạo với mục tiêu tăng vốn nuôi tôm, trong khi "vua tôm" Minh Phú (MPC) lại tiến gần đến việc hủy niêm yết đã đặt dấu chấm hỏi về nội tình của từng doanh nghiệp (DN), cũng như tương lai của các DN thủy sản trên sàn.

DN thủy sản: Tôm quẫy trên sàn, cá rớt xuống thớt

Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG) táo bạo với mục tiêu tăng vốn nuôi tôm, trong khi "vua tôm" Minh Phú (MPC) lại tiến gần đến việc hủy niêm yết đã đặt dấu chấm hỏi về nội tình của từng doanh nghiệp (DN), cũng như tương lai của các DN thủy sản trên sàn.

Đọc E-paper

MPC toan tính rời sàn

Hủy niêm yết có thể là bước đi để MPC dễ dàng phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, nhưng tại sao công ty này không huy động được vốn trên sàn?

MPC và những con số

Năm 2010, 2011, 2012

Doanh thu thuần (tỷ đồng) 4.895;  7.039;  7.368

LNST (tỷ đồng) 304;  275; 272

Tổng giá trị tài sản (tỷ đồng) 3.896; 6.325; 4.975

Giá trị hàng tồn kho (tỷ đồng) 1.214; 2.409; 1.178

Kim ngạch XK (triệu USD) 247,6; 334,3; 369,4

Nợ phải trả (tỷ đồng) 2.485; 4.707; 3.665 (trong đó, 3.163 tỷ đồng là nợ ngắn hạn)

Ngày 16/5, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) mới tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2013, nhưng từ những ngày cuối tháng 4, việc MPC đưa nội dung hủy niêm yết vào chương trình đại hội khiến thị trường được phen rôm rả bàn luận.

Ông Nguyễn Xuân Toán, đại diện công bố thông tin của MPC, cho biết, việc này chắc chắn sẽ có cổ đông đồng tình và người phản đối.

Song, trên thực tế, chuyện hủy niêm yết nằm trong tầm kiểm soát của các thành viên sáng lập.

Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, cổ đông lớn chiếm đến 81% vốn (tổ chức nước ngoài chiếm 11,9%), trong khi cổ đông nhỏ chỉ chiếm khoảng 19% và gần phân nửa trong số này là thành viên liên quan đến ban kiểm soát và hội đồng quản trị (HĐQT).

Việc tự nguyện hủy niêm yết chưa lắng xuống thì ngày 7/5 vừa rồi, MPC quyết định bổ nhiệm "sếp cũ” của Phở 24, ông Nguyễn Thiện Tâm làm Giám đốc Tài chính càng dấy lên những nghi ngờ nguyên nhân khiến một DN đang dẫn đầu ngành chế biến và xuất khẩu tôm như MPC tiến tới hủy niêm yết là để giải quyết bài toán tài chính cho Công ty.

Đã có không ít giả thiết được đặt ra, trong đó có trường hợp MPC hủy niêm yết để dễ dàng phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược mà không bị ràng buộc bởi quy định của công ty niêm yết.

Song, giới phân tích đánh giá, hủy niêm yết trước hết là một bước lùi của một công ty xét về mặt hình ảnh. Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài sẽ đặt dấu chấm hỏi tại sao công ty này không huy động được vốn trên sàn?

Ngoài ra, đối với NĐT tài chính, việc đầu tư vào công ty chưa niêm yết sẽ gặp vấn đề về chuyện thoái vốn do tính thanh khoản kém hơn công ty niêm yết.

Chỉ những công ty cùng ngành mới không đặt nặng những tiêu chí này, đối với họ, điều quan trọng là mối tương hỗ giữa hai bên sau khi về ở "chung nhà” và bộ máy hoạt động của bên kêu gọi đầu tư ra sao.

Ở góc độ này, sẽ có hai trường hợp xảy ra với MPC: một là công ty cùng ngành sẽ mua cổ phần của họ; hai là khách hàng của MPC (nhất là các công ty Nhật).

Được biết, vào năm 2012, không chỉ Tập đoàn Charoen Pokpand Foods (CP Foods), công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Thái Lan mua cổ phần của MPC, mà một DN khác là Tập đoàn Thai Union Frozen Products cùng một công ty Indonesia đều có mối quan tâm đặc biệt đến cổ phiếu của MPC.

CP Foods đã trả mức gần 50.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn mức 26.000 đồng/cổ phiếu đang giao dịch tại thời điểm đó) để sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Minh Phú nhưng điều này đồng nghĩa với việc CP sẽ tham gia sâu vào bộ máy quản trị.

Phải chăng đây là nguyên nhân khiến thương vụ này của CP và MPC không đi đến kết thúc đẹp?

Một chuyên viên phân tích cổ phiếu ngành thủy sản cho rằng: "Nếu MPC đã định giá công ty cao như thế thì tại sao HĐQT không đi một bước như các công ty khác từng làm là mua cổ phiếu quỹ để đẩy giá cổ phiếu MPC trên thị trường lên; đồng thời thông báo cho thị trường biết là giá cổ phiếu của họ đang thấp hơn giá trị thực và chờ thời điểm thích hợp bán ra?".

Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi MPC phải có "lực" và tin tưởng rằng, kết quả kinh doanh tốt và cổ phiếu MPC sẽ lên đến mức như kỳ vọng và dĩ nhiên, để "gom hàng", MPC cũng phải tìm được đối tác chấp nhận mua với mức giá tốt.

Nhưng MPC không chọn cách này vì có thể MPC chưa thực sự "hoan nghênh" đối tác ngoại tham gia vào Công ty với vai trò là thành viên trong ban quản trị cũng như Công ty không đủ tiềm lực về tài chính để mua lượng lớn cổ phiếu quỹ.

Chuyện "khát vốn" của MPC không phải mới đây. Công ty này đã đề ra kế hoạch tăng vốn từ 700 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng từ ba năm nay bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành thêm cổ phiếu...nhưng không tìm được đối tác.

Trong khi, việc xây dựng nhà máy Hậu Giang tuy cần thiết nhưng do dựa chủ yếu vào vốn vay (trong thời điểm lãi suất cao) nên lãi vay trở thành gánh nặng của Công ty.

Hơn nữa, đầu ra của Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng từ thị trường Mỹ (thị trường chính) về các vụ kiện chống bán phá giá.

Kế đến là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc do kháng sinh etoxiquin chưa kiểm soát được. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của MPC trong ngắn hạn.

Nếu việc hủy niêm yết của Minh Phú thành hiện thực, giới phân tích đưa ra dự đoán, tiếp theo không loại trừ khả năng sẽ có một số công ty thủy sản niêm yết nghĩ đến chuyện tự nguyện hủy niêm yết trong thời gian tới vì thanh khoản của cổ phiếu thủy sản thời gian qua thấp, thậm chí, cổ phiếu của DN đầu ngành cũng chỉ được giao dịch vài chục cổ phiếu/ngày.

Bên cạnh những ưu thế về PR, quảng bá, đến thời điểm này, niêm yết chưa thực sự mang lại lợi ích cho DN, đặc biệt là vấn đề huy động vốn từ sàn chứng khoán.

Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành này không hấp dẫn NĐT là do quy hoạch của ngành thủy sản chưa rõ ràng, trong khi, tại Thái Lan, chính phủ có cả một chương trình hỗ trợ phát triển nuôi trồng và quảng bá thương hiệu cho các DN thủy sản.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng với việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, thiếu vốn là thức thách lớn đối với DN.

Cụ thể, có đến 90% số DN ngành cá tra mong muốn được tăng hạn mức vay từ 10 - 1.400 tỷ nhằm bổ sung vốn lưu động cho chế biến và mở rộng vùng nuôi; trong khi, trên 53% số DN tôm có nhu cầu vay vốn cho hoạt động phát triển.

Song, do tài sản thế chấp của DN ngành này chủ yếu là nhà xưởng và hàng tồn kho nên không dễ để... thuyết phục ngân hàng, ngoại trừ những DN đầu ngành có dòng tiền tốt, trả lãi vay ổn định, còn DN nhỏ hơn thì rất khó để tiếp cận vốn vay.

Việc thiếu chính sách ủng hộ là một trong những nguyên nhân khiến NĐT, đặc biệt là NĐT tài chính không chuộng ngành thủy sản, dù hiện nay, chỉ số P/E của ngành khá thấp, từ 5 - 6. Hơn nữa, đa phần các DN thủy sản ở dạng "công ty gia đình" nên tỷ lệ cổ phiếu freeload thấp, ảnh hưởng đến thanh khoản nên không hấp dẫn NĐT...

HVG tăng vốn ngàn tỷ

Kế hoạch phát hành thêm 41 triệu cổ phiếu trong năm 2013, tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng để huy động vốn nuôi tôm liệu có ẩn chứa rủi ro?

HVG và những con số

Năm 2010, 2011, 2012

Doanh thu thuần (tỷ đồng) 4.431; 7.794; 7.689

LNST (tỷ đồng) 250; 485; 285

Tổng giá trị tài sản (tỷ đồng) 5.388; 6.295; 6.390

Giá trị hàng tồn kho (tỷ đồng) 1.251; 1.504; 2.397

Kim ngạch XK (triệu USD) 174; 231; 208

Trái ngược với tình hình của "vua tôm" Minh Phú, tại ĐHCĐ thường niên 2013 được tổ chức vào ngày 8/5, Ban lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG) - DN chế biến và xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam lại công bố kế hoạch phát hành thêm 41 triệu cổ phiếu trong năm 2013, tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng để huy động vốn nuôi tôm và con số này sẽ được nâng lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2015.

Đây cũng là thời điểm HVG hướng đến mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu (tôm và cá da trơn) 3 tỷ USD.

Thông qua việc kỳ vọng sẽ nắm quyền chi phối Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), đơn vị đang đứng thứ 5 trong lĩnh vực xuất khẩu tôm thuộc Top 10 DN xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam (hiện tại, HVG đang nắm 40% CP của Sao Ta).

Con số khá ấn tượng nhưng việc huy động vốn vào thời điểm này liệu có khả thi và tôm cũng không phải là thế mạnh của HVG dù tại ĐHCĐ, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, tự tin là có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và có chiến lược đầu tư nhắm vào chất lượng thay vì số lượng.

Cụ thể, theo ông Minh, vùng nuôi tôm hiện nay của HVG là 1.200 ha nhưng Công ty chỉ triển khai nuôi 300 ha. HVG chỉ sử dụng 1/4 diện tích nuôi để giữ môi trường trong sạch, tránh dịch bệnh.

Đại diện HVG cũng cho biết, DN đang triển khai trại giống tôm quy mô lớn nhất, khoảng 17 ha tại Ninh Thuận (dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2013), với kế hoạch tạo 10 tỷ con giống/năm, đồng thời sản xuất tôm bố mẹ.

Song, theo chia sẻ của một số DN cùng ngành, rủi ro của ngành tôm là khá lớn, việc nuôi mười ao, chết hai ao là chuyện bình thường.

Quan trọng nhất của ngành tôm là chất lượng tôm giống, nếu tôm bố mẹ không tốt thì chất lượng tôm thành phẩm sẽ không đạt. Tại Thái Lan, kỹ thuật nuôi ngày càng tiến bộ, thế hệ tôm giống đã là F3, F4; trong khi ở Việt Nam vẫn còn F1, F2.

Vấn đề của nhiều DN Việt trong thời gian qua là phát triển theo số lượng, tôm giống nhập từ nhiều nguồn nên khó kiểm tra được nguồn gốc tôm bố mẹ. Theo VASEP, con giống được lai tạo với kỹ thuật cao không đủ cung cấp.

Tôm nguyên liệu thiếu dẫn đến giá đầu vào cao và là nguyên nhân dẫn đến giá thành tôm Việt Nam cao, cao hơn Thái Lan 2 USD/kg. Do đó, dù "ông chủ” HVG có tham vọng lớn, đầu tư bày bản cho tôm nuôi và kể cả kết quả cao khi thu hoạch tôm sắp tới thì vẫn chưa nói lên triển vọng tốt đẹp về dài hạn.

Tuy nhiên, nói về khả năng huy động vốn của HVG để thực hiện tham vọng, một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn cho rằng, với sự hỗ trợ của cổ đông lớn là Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), HVG không thiếu cơ hội để tiếp cận các kênh huy động, kể cả trên sàn, bảo lãnh phát hành trái phiếu... trong khi, nguồn lực riêng của ông Dương Ngọc Minh, hiện đang sở hữu 35,93% cổ phần HVG (thu nhập từ các nguồn khác) thì không ai có đánh giá chính xác.

Song, cũng không ít những thông tin bên lề cho rằng, hầu hết chiến lược (kể cả công bố thông tin) đều tập trung và phụ thuộc vào ông Dương Ngọc Minh nên điều này sẽ không loại trừ khả năng rủi ro về quản trị tiềm ẩn nếu bản thân người lãnh đạo đưa ra chiến lược không khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN thủy sản: Tôm quẫy trên sàn, cá rớt xuống thớt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO