Dịch vụ xử lý nước thải: Trăm ống vươn vòi

MẠNH DƯƠNG| 08/09/2010 01:06

Trước nhu cầu ngày càng cao về xây dựng, thi công hệ thống xử lý nước thải của DN, các đơn vị cung ứng dịch vụ này ngày càng nở rộ. Thị trường đã có những nhà đầu tư lớn tham gia, nhưng mọi việc chưa hẳn đã thông cho DN.

Dịch vụ xử lý nước thải: Trăm ống vươn vòi

Trước nhu cầu ngày càng cao về xây dựng, thi công hệ thống xử lý nước thải của DN, các đơn vị cung ứng dịch vụ này ngày càng nở rộ. Thị trường đã có những nhà đầu tư lớn tham gia, nhưng mọi việc chưa hẳn đã thông cho DN.

Bài 1: Muốn xả vẫn bí

Nhỏ mọc như nấm

Bà Lâm Hương, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Hoàng Hương, nhìn nhận, không phải DN nào cũng hiểu về lĩnh vực xử lý nước thải, trong khi có quá nhiều công ty thi công và tốt, xấu lẫn lộn nên việc đi tìm một đơn vị làm tốt hệ thống cho mình với chi phí phù hợp là không đơn giản.

Mô hình hệ thống xử lý nước thải công nghiệp

Ngay với trường hợp của Vinamit, trước đây đã thuê một công ty lắp đặt hệ thống xử lý nước thải với chi phí khá cao, nhưng không đạt yêu cầu về công nghệ, xử lý không ổn định nên công ty này phải tốn thêm một lần chi phí để làm lại hệ thống.

Ông Trần Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ Biển Xanh, cho biết, riêng TP.HCM hiện có khoảng trên 500 DN làm trong lĩnh vực xử lý môi trường. Nhưng con số thực tế có lẽ còn nhiều hơn, vì trong vài năm qua, số DN mới mở mọc lên như nấm.

Ngay công ty của ông cũng đã có năm nhân viên tự tách ra thành lập công ty riêng. Khách hàng cũ của công ty ngày đầu cứ nhầm tưởng đây là những công ty con.

Ông Tịnh còn thống kê thêm, Khoa Môi trường khóa 1999 của trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM có năm cựu sinh viên ra trường lập công ty, đến khóa 2001 có bốn công ty, khóa 2002 thành lập 12 công ty...

Như vậy có thể thấy, nhiều sinh viên ra trường, vào làm cho một công ty chỉ chừng 2 - 3 năm là tự đứng ra thành lập công ty riêng. Đa phần họ sẽ tìm cách lấy khách hàng của công ty cũ, hoặc làm những dự án nhỏ, công suất xử lý chỉ vài chục mét khối.

Chính vì sự nở rộ quá mức đó mà thị trường cung ứng dịch vụ xử lý môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh. Theo một giám đốc công ty môi trường, trước đây, cạnh tranh chính là về công nghệ, uy tín. Nhưng nay thì chủ yếu cạnh tranh bằng mối quan hệ "chung chi".

Dư luận cho rằng, một số cán bộ của cơ quan xử lý môi trường hiện trở thành người "môi giới" nhiều nhất các hợp đồng xử lý cho DN với đơn vị thi công. Tất nhiên, hoa hồng từ các công ty dịch vụ dành cho người môi giới không nhỏ.

Cũng vì sự thiếu hiểu biết của DN mà cạnh tranh về giá để nhận hợp đồng cũng rất phổ biến. Ông Tịnh tiết lộ, có nhiều loại giá được chào, nhưng tính bình quân, giá thi công công trình hiện ở mức 10 triệu đồng/m3 và cũng tùy thuộc từng loại xử lý.

Ví dụ, xử lý nước thải DN thải ra mạ kẽm, dệt nhuộm thuộc loại nước thải độc hại, chi phí cũng phải 20 triệu đồng/m3. Hoặc khâu làm bể xử lý, nếu làm bằng tường gạch thì giá rẻ hơn tường bê tông một nửa; nếu làm khung composite chắc chắn tuổi thọ cao hơn khung thép...

Lớn tắc giữa đường

Nếu số lượng DN môi trường thuộc phân khúc nhỏ nở rộ, thì ở phân khúc lớn, tức là những DN chỉ chuyên làm hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các KCN có công suất vài ngàn đến vài chục ngàn m3 trở lên lại phát triển theo hướng tịnh tiến.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chánh văn phòng Công ty CP kỹ thuật SEEN tại TP.HCM, cho biết, Công ty thành lập từ năm 1990, đã chủ động chọn phân khúc này, nhưng thật sự là rất khó khăn. Làm những dự án lớn, do vốn quá lớn nên DN thi công không được ứng vốn, trong khi việc xoay vòng vốn lại lâu.

Còn làm dự án nhỏ rất nhanh, chỉ vài tháng là thu được tiền. Như dự án bãi rác Gò Cát và Phước Hiệp, vốn cung ứng từ thành phố khoảng 100 tỷ đồng và SEEN được chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu này nếu xét ra thực chất là không đúng quy trình, nhưng vì các công ty trước đó làm liên tục bị thất bại, nên Thành phố buộc phải chỉ định.

Nhưng khổ nỗi, dự án này khi làm xong mới được nhận tiền, còn nếu không đạt kết quả thì chỉ còn cách tháo dỡ công nghệ đã lắp đặt đem... bán. Mà xử lý bãi rác Gò Cát là xử lý nước rò rỉ, rất khó. Xử lý nước của nhà máy, KCN là nước thải ra theo tiêu chuẩn A,B,C, còn nước rác là nước tổng hợp của mọi thứ nước khác.

Bà Nguyệt nói thêm, trước đây, SEEN thường được chỉ định thầu, nhưng nay thì phải đấu thầu nhiều vì ngày càng có thêm nhiều DN tham gia phân khúc này. Nhưng với ngành này, đấu thầu chưa thể là yếu tố quyết định, mà phải dựa vào uy tín và công nghệ mà đơn vị cung cấp. Ngoài ra, phía khách hàng phải tìm hiểu những dự án mà mình đã làm, chất lượng xả thải cuối cùng ra sao.

Rồi khi đấu thầu xong, chủ dự án có thể tổ chức một buổi tham quan các dự án tương tự trong nước hoặc ở nước ngoài. Giá thi công cho 1.000m3 trung bình 15 - 20 tỷ đồng, công nghệ chủ yếu của Mỹ và các nước G-7.

Trong khi đó, đơn giá của các công ty nước ngoài rất cao, có khi chào tới 40 tỷ đồng/1.000m3. Cũng theo bà Nguyệt, vì cạnh tranh, giá đấu thầu trong vài năm qua giảm xuống trung bình dưới 10%.

Phân khúc lớn hiện cũng được nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm. Trong vòng hơn một năm qua, nhiều đoàn DN chuyên cung ứng công nghệ, hóa chất xử lý môi trường của Đức, Phần Lan, Đan Mạch... đã tìm đến Việt Nam để quảng bá. Nhưng đáng chú ý là sự tham gia của Quỹ đầu tư Dragon.

Cách đây một năm, Dragon đã tiết lộ về việc thành lập một quỹ đầu tư vào các dự án môi trường và năng lượng sạch với số tiền 100 triệu USD ở một số quốc gia châu Á. Nhưng do rơi vào khủng khoảng, hiện số tiền quỹ vận động được chỉ có 45 triệu USD, tập trung ưu tiên cho ba quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Nepan.

Riêng về xử lý môi trường, Dragon hợp tác với hai đối tượng. Một là đầu tư vào các công ty làm dịch vụ môi trường. Hai là đầu tư vốn cho các KCN xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Một dự án, Dragon đầu tư tối thiểu 1 triệu USD và tối đa là 7 triệu USD.

Một chuyên viên của Dragon cho biết, tại Việt Nam, đến nay Dragon cũng mới chỉ tiến hành ký kết ghi nhớ được với ba công ty, bởi rất khó tìm được công ty trong nước làm trong lĩnh vực xử lý môi trường có công nghệ cao và kinh nghiệm.

Còn với đối tác là KCN, kế hoạch hợp tác tạm hoãn vì phí xử lý nước thải của KCN thu DN còn thấp, không đủ thu hồi vốn. Theo tính toán, để có lời, giá phí xả thải phải tăng thêm 50%. Quy mô trạm xử lý mà Dragon muốn đầu tư ít nhất phải từ 6.000 - 7.000m3, còn nếu chỉ 2.000 - 3.000m3 sẽ khó thu hồi vốn.

Bà Tuyết Minh, Công ty SEEN, cho rằng, việc tăng phí xả thải của KCN theo tính toán của Dragon là rất khó. Đơn giá vận hành mà SEEN tính toán nằm ở mức 2.700 - 3.000 đồng/m3, nhà đầu tư là KCN thu khoảng 5.000 đồng/m3. Như vậy, KCN khó có thể thu cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dịch vụ xử lý nước thải: Trăm ống vươn vòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO