Dệt may vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

MINH HÀO| 03/10/2016 06:52

Dù số lượng dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chững lại nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Dệt may vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Dù số lượng dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chững lại nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn nhà đầu tư.  

Đọc E-paper

Trong 2 năm 2014 - 2015, thị trường chứng kiến sự "đổ bộ” của các doanh nghiệp (DN) FDI vào lĩnh vực dệt may Việt Nam. Riêng năm 2015 đã có 2 tỷ USD vốn FDI đổ vào ngành dệt may và phần lớn trong số này là các cụm liên hoàn, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải và may xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính 3 nhà máy FDI lớn đã có số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Cụ thể là nhà máy của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai chuyên sản xuất và gia công các loại sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ có tổng vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD. Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệt dệt may của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) có vốn đăng ký 274 triệu USD và Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hong Kong) tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất...

Sóng đã qua?

Thế nhưng từ đầu năm đến nay, làn sóng đầu tư của DN FDI dệt may đã chững lại. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong danh sách các dự án FDI lớn đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2016 không có dệt may, và những dự án đăng ký quy mô vài trăm triệu USD đều thuộc về các lĩnh vực sản xuất giấy, bất động sản, linh kiện điện tử, điện gió...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho rằng, 2 năm trước đây, các DN tăng tốc đầu tư vào Việt Nam là nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Tuy nhiên, do những diễn biến hiện nay mà cụ thể là do tác động từ cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ nên các DN nước ngoài đang nghe ngóng tình hình và thận trọng hơn trong quyết định đầu tư.

Đồng tình với nhận định trên, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM nói thêm, có những dự án trên thực tế chỉ mất 3 năm để đi vào hoạt động nhưng vì chờ TPP có hiệu lực nên các DN lùi thời hạn triển khai một vài năm khiến tình hình đầu tư chậm lại. "Các nhà đầu tư đang chậm lại để theo dõi diễn biến của TPP chứ không phải do tình hình kinh tế Việt Nam", ông Hồng nói.

Theo ông Giang, có 3 làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may Việt Nam.

Làn sóng thứ nhất là những DN, tập đoàn lớn (các DN Trung Quốc hoặc DN các nước đang hoạt động tại Trung Quốc) và những DN này đã nhanh chóng đầu tư phát triển dự án mới ở Việt Nam trong năm qua nhằm đón đầu cơ hội TPP.

Làn sóng thứ hai là những DN cũng có quy mô vốn khá lớn nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài hoặc còn thận trọng khi đầu tư sang một nước khác. Các DN này đang chờ đợi thông tin bầu cử ở Mỹ cũng như xem có DN Trung Quốc đi trước đầu tư thành công rồi mới theo.

Làn sóng thứ 3 thuộc nhóm những DN nhỏ hơn (và cũng sẽ đi sau làn sóng đầu tư thứ hai).

Việt Nam vẫn rất hấp dẫn

Mặc dù tình hình đầu tư đã lắng xuống nhưng theo ông Giang, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Dẫn nguồn khảo sát mới đây của Hiệp hội Dệt may thời trang Hoa Kỳ, ông Giang cho biết, có đến 68,8% các nhà bán lẻ, thương hiệu ngoại chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên nếu phải dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc. Trước đây, Banglades là quốc gia đầu tiên được ưu tiên nhưng hiện nay, với tình hình chính trị phức tạp, an toàn lao động không đảm bảo... khiến nước này không còn hấp dẫn nữa.

Việt Nam được ưu tiên lựa chọn nhờ có lực kéo hấp dẫn về chi phí sản xuất và ưu đãi thuế quan. Cụ thể, về chi phí sản xuất (chi phí đất đai, năng lượng, lao động...) ở Việt Nam đều thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Hơn nữa, Việt Nam còn có ưu đãi về thuế quan nhờ vào các FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Các nước này cũng là những thị trường rất lớn của các nhà đầu tư dệt may.

Do đó, thời gian tới sẽ tiếp tục có làn sóng đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam. Và thông tin về kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ sẽ là một yếu tố thúc đẩy làn sóng thứ 2 của các DN đến từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Với những khó khăn trong hiện tại như xuất khẩu tăng trưởng không bằng những năm trước (giá trị xuất khẩu hàng dệt may trong 8 tháng đầu năm 2016 đạt 15,64 tỷ USD, chỉ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015) mà nguyên nhân được cho là đơn hàng đang chạy sang các nước khác, tuy nhiên, ông Giang lại cho rằng, cầu về ngành may trên thế giới đang có vấn đề.

Một số DN cho biết, đơn hàng đang chạy sang Campuchia, Myanmar... nhưng thực sự là DN Campuchia hiện cũng đang rất thiếu đơn hàng. Theo thống kê của một công ty tư vấn ngân hàng, năm nay, đơn hàng của ngành may Campuchia giảm đến 30%.

Đó là chưa kể công nhân Campuchia có trình độ tay nghề thua xa Việt Nam. Cơ sở hạ tầng của họ cũng không tốt bằng Việt Nam trong khi lương đang được điều chỉnh tăng, nên lợi thế cạnh tranh của Campuchia sẽ không đáng ngại đối với ngành dệt may Việt Nam.

>Dệt may thay mô hình đón chào TPP

>Công nghiệp dệt may: Leo bậc thang TPP

>Dệt may bứt phá nhờ chọn thị trường ngách

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dệt may vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO