Để thị trường bán lẻ sớm phục hồi

NGUYỄN NAM| 02/07/2012 03:37

Những ai lăn lộn trong thị trường bán lẻ đều không mấy ngạc nhiên khi biết tin Việt Nam rơi khỏi Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới.

Để thị trường bán lẻ sớm phục hồi

Những ai lăn lộn trong thị trường bán lẻ đều không mấy ngạc nhiên khi biết tin Việt Nam rơi khỏi Top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới, theo công bố hôm 12/6 của Hãng tư vấn danh tiếng Hoa Kỳ A.T. Kearney về "Chỉ số thường niên thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012".

Trên thực tế, thị trường bán lẻ trong nước đã xấu đi từ vài năm nay. Khủng hoảng kinh tế vĩ mô khiến sức mua của người dân giảm sút, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa là minh chứng cho sự đi xuống của thị trường này.

Biểu hiện rõ nét về tình hình nói trên là trong số 17.735 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động bốn tháng đầu năm 2012 thì ngành bán lẻ chiếm nhiều nhất với 5.297 doanh nghiệp.

Hồi năm 2008, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu.

Tuy nhiên, đến năm 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đứng thứ 6 vềmức độ hấp dẫn và rơi xuống thứ 23 năm 2011. Thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ tăng trưởng 5% trong năm 2011, con số rất nhỏ nhoi so với hơn 20% của mấy năm trước.

Nhận định về môi trường đầu tư cũng như cạnh tranh của Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn vốn có, những người trong cuộc cho rằng cùng với ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế vĩ mô trong bối cảnh lạm phát tăng, sức mua trên thị trường giảm thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như ngoài nước còn gặp khó trong tiếp cận đất đai cùng sự không ổn định về chính sách.

Ngoài ra, những yếu tố khách quan như nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ. Một số nhà bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam nhiều năm qua cho biết giá bất động sản cao so với khu vực khiến mặt bằng cho thuê ngày càng vượt quá khả năng chịu đựng của nhà đầu tư, cùng với lãi suất tín dụng cao đang là rào cản lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thì cho rằng, họ yếu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài vì đa số đều có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về đồng vốn, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thì cho rằng, nguyên nhân lớn nhất tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay là do chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhiên liệu, phí vận chuyển hàng hóa... tăng cao, trong khi sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ. Năng lực tài chính yếu kém là lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khó phát triển.

Một số doanh nghiệp bán lẻ cho biết vì không nhiều vốn nên họ không thể nào hợp tác với các doanh nghiệp khác hay các địa phương nhằm phát triển các sản phẩm đưa vào bán trong hệ thống siêu thị để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong cùng lĩnh vực. Một thống kê cho thấy, doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng tổng doanh số của 20 siêu thị trong nước. Riêng Big CThăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, trong khi đó hệ thống siêu thị của doanh nghiệp trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng 5-7 triệu USD/năm.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, do các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ còn sâu rộng hơn trong cam kết WTO nên các doanh nghiệp bán lẻ phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Diễn biến thị trường bán lẻ thời gian qua cũng cho thấy doanh nghiệp bán lẻ đã đạt được thành tựu lớn nhưng vẫn còn tồn tại đe dọa sự phát triển như quy mô thị trường nhỏ, manh mún, bán lẻ truyền thống chiếm phần lớn.

Nhìn một cách khái quát, sự phát triển này thiếu hẳn một nền tảng vững chắc, vì vậy dẫn đến bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam. Ngoài 5.297 doanh nghiệp bán lẻ ngừng hoạt động, giải thể trong bốn tháng đầu năm, hiện còn nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng trong tình trạng “cầm hơi” với hàng tồn kho đang chất đống.

Và thời gian tới danh sách các doanh nghiệp phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài. Xác định hệ thống phân phối bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Công thương khẳng định sẽ nghiên cứu, đề xuất sự hỗ trợ từ Chính phủ mà không vi phạm các cam kết gia nhập WTO.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối vốn trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, với gần 90 triệu dân và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả xếp hạng của A.T. Kearney chỉ có thể đánh giá về độ hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với độ hấp dẫn và tiềm năng thực tế của thị trường, nó cũng chỉ có giá trị tham khảo đối với những ai có ý định đầu tư vào Việt Nam chứ không ảnh hưởng đến kế hoạch của những nhà đầu tư đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về thị trường bán lẻ Việt Nam.

Trên thực tế, các tập đoàn bán lẻ lớn đang có mặt tại Việt Nam vẫn đang chạy đua mở rộng hệ thống phân phối. Với việc mở cửa thị trường, các tập đoàn lớn trên thế giới như Metro, trung tâmmua sắm Parkson (Malaysia), Lotte (Hàn Quốc)… đã và đang tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động. Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 638 siêu thị và 117 trung tâm thương mại.

Sau năm năm Việt Nam gia nhập WTO, số lượng siêu thị mới thành lập đã tăng hơn 20%, trong khi số trung tâm thương mại thành lập mới tăng hơn 72%, ngoài ra, còn có hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi. Cơ sở vật chất và sự có mặt của những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thế giới là một điều kiện thuận lợi, thế nhưng để lấy lại sức hấp dẫn, cần có sự minh bạch hơn nữa trong chính sách và điều quan trọng là chính sách phải ổn định.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện về vốn, đất đai cho các doanh nghiệp, đồng thời, hệ thống phân phối cũng cần phải được quy hoạch dài hơi hơn. Giới kinh doanh hy vọng các biện pháp về lãi suất giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn cùng các chính sách thuế vừa được Quốc hội thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bán lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để thị trường bán lẻ sớm phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO