Để thành công theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn

PGS-TS. VŨ TRỌNG KHẢI| 17/03/2018 06:50

Nhiều mô hình “sạch từ trang trại đến bàn ăn” đã mang lại những kết quả nhất định, nhưng cũng có nhiều vấn đề mà từng trang trại không tự giải quyết được.

Để thành công theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn

Nông sản không an toàn đang gây tổn thất rất lớn cho nông dân, ngành nông nghiệp và nền kinh tế. Nhiều mô hình “sạch từ trang trại đến bàn ăn” đã mang lại những kết quả nhất định, nhưng cũng đứng trước 3 vấn đề mà từng trang trại không tự giải quyết được, đó là thị trường và thương hiệu, vốn sản xuất và áp dụng công nghệ cao.

Việc không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái đang là một thách thức rất lớn, một trở ngại chính cho nông nghiệp Việt Nam hội nhập thế giới. Những nông sản chủ lực có khối lượng và giá trị cao hiện nay ở từng vùng nông nghiệp dường như là kết quả của quá trình tự phát.

Ví dụ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam bộ, vốn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của nghề trồng lúa nước, hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng hằng năm. Khối lượng lúa được sản xuất và xuất cảng ngày càng tăng tỷ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường. Đó là kết quả của sự phát triển thiếu chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng công nghiệp sinh thái.

Link bài viết

Một sai lầm quan trọng nữa, nước ta chủ trương thực hiện đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao. Vô hình trung đã thừa nhận một cách vô thức sự tồn tại hợp pháp một ngành nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các nước phát triển hiện nay đều là những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm vài phần trong GDP của cả nước. Họ không tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao để “làm mẫu”, lấy thành tích. Việt Nam chưa có chiến lược nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp.

Hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với thách thức của hội nhập. Muốn vậy, việc cần làm trước tiên là làm lành mạnh hóa thị trường cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y.  Kế đến là xây dựng chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia ở mỗi một vùng nông nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho mục tiêu chiến lược sản phẩm.

Theo đó, phải xác định rõ khách hàng mục tiêu, định hướng thị phần trong nước và quốc tế cho mỗi một mặt hàng nông sản, dựa trên tiêu chí hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhiệm vụ sản xuất mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của mỗi vùng thành một bộ phận của kinh tế mỗi tỉnh. Hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản và cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng vai trò “nhạc trưởng”, lãnh đạo toàn chuỗi giá trị của từng mặt hàng nông sản, biến các trang trại trở thành các khâu trong chuỗi giá trị.

Thêm nữa, Nhà nước cần có chính sách tài chính, tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao và đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm đầu, cho vay vốn với lãi suất thấp từ ngành ngân hàng phát triển, hay tài trợ 50% lãi suất tín dụng đầu tư vay của các ngân hàng thương mại, tài trợ kinh phí khuyến nông, chứng nhận Global GAP...

Link bài viết

Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là, mỗi mặt hàng nông sản ở mỗi vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố đều phải được kinh doanh theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn và do các doanh nghiệp làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản thực hiện. Các doanh nghiệp này phải đủ năng lực cung ứng giống, khuyến nông, ứng trước vật tư nông nghiệp cho nông dân, chế biến và tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản có thể mua hoặc thuê đất nông nghiệp trong thời gian dài của nông dân, sau đó khoán lại cho nông dân dưới dạng công ty dự phần, để tạo lập chuỗi giá trị ngành hàng, giải quyết được 3 vấn đề mà từng trang trại không tự giải quyết được.

Muốn vậy, Chính phủ phải có chiến lược đầu tư nghiên cứu và triển khai (R&D) công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chiến lược ở cấp quốc gia, tạo nền nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt lưu ý thực hiện nền nông nghiệp hữu cơ với những giống cây có gene bản địa cũng như phát triển mạnh công nghiệp dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Các giải pháp này cần được tiến hành đồng bộ, với kế hoạch, lộ trình hợp lý để đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập, trước hết là trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế và các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để thành công theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO