Để ngành du lịch Việt "cất cánh": Bài học từ Cồn Sơn

TRẦN KÙ - SONG NAM| 06/08/2017 01:01

Từ một làng quê thuần nông với sông nước mênh mông, nhờ biết tận dụng lợi thế làm du lịch, Cồn Sơn trở thành một điển hình cho 23 tỉnh thành học tập mô hình du lịch cộng đồng.

Để ngành du lịch Việt

Từ một làng quê thuần nông với sông nước mênh mông, nhờ biết tận dụng lợi thế làm du lịch, Cồn Sơn trở thành một điển hình cho 23 tỉnh thành học tập mô hình du lịch cộng đồng.

Đọc E-paper

Làng du lịch Cồn Sơn ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ chỉ mới hơn 2 năm hình thành đã tạo tiếng vang trong giới làm du lịch.

Tận dụng địa hình sẵn có

Cồn Sơn lọt thỏm trong lòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng, với diện tích đất khoảng 218 ha, có ưu thế về cảnh quan, không khí mát mẻ và sản vật sông nước. Cồn Sơn vẫn giữ được hầu hết nét đặc trưng cơ bản cùa vùng Đồng bằng sông Cửa Long với sự êm ả của làng quê trong cảnh nhà tranh vách lá, ao cá, làng bè, không có động cơ xe máy mà chỉ đi bộ và di chuyển bằng xuồng.

Một thuận lợi nữa là Cồn Sơn có vườn cây ăn trái bốn mùa, cùng những món ăn dân dã miệt đồng bằng và sự chân chất của con người nơi đây đã tạo nên sự hấp dẫn để làm du lịch.

Ý tưởng hình thành mô hình du lịch cộng đồng từ sự khởi xướng của Phòng Văn hóa thông tin quận Bình Thủy khi ban đầu nơi đây được nhóm bạn đoàn thanh niên tổ chức cho bạn bè đến ăn uống tại vườn chôm chôm. Chị Lê Thị Bé Bảy - Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin quận Bình Thủy cho biết: "Sau buổi vui chơi đó, chúng tôi có gợi ý với các bạn đoàn thành niên làm du lịch sinh thái. Từ hàng chục năm qua, các hộ dân nơi đây quanh năm chỉ biết làm ruộng vườn, câu cá, thu nhập bấp bênh không đủ sống, nay nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng này họ đã có thu nhập khá hơn, cuộc sống ổn định hơn".

Toàn bộ Cồn Sơn chỉ có 79 hộ dân đang sinh sống. Ban đầu khi được vận động làm du lịch, nhiều hộ không quen nên từ chối. Tuy nhiên sau khi được thuyết phục, hướng dẫn kỹ năng, đồng thời nhìn thấy hiệu quả từ cách làm này, nên từ 5 hộ ban đầu hiện đã có 20 hộ tham gia làm du lịch.

Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn

Nếu chỉ đơn thuần làm nông thì mỗi tháng thu nhập trung bình mỗi hộ dân chỉ 2, 3 triệu đồng, nay nhờ làm du lịch, con số này lên đến 17 triệu. Chị Lê Thị Bé Bảy cho biết, cách làm du lịch ở Cồn Sơn theo kiểu "nhà nghèo" nhưng khá độc và lạ, có sự kiểm soát chất lượng. Các hộ dân chỉ cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, giữ lại những nét sinh hoạt vốn có, đặc biệt là các nghề truyền thống như nấu nước mắm, làm bánh trái...

Trong "cộng đồng du lịch" ở Cồn Sơn đều có vườn cây ăn trái, ao cá với nhiều chủng loại khác nhau, mỗi nhà đều "độc quyền" chế biến một loại món ăn dân dã đồng quê khác nhau để phục vụ du khách khi đến thăm nhà của mình. Cụ thể, nhà vườn Song Khánh chuyên nấu rượu, làm bánh ướt ngọt, bánh in; nhà vườn Công Minh nấu nước mắm, làm bánh kẹp cuốn...

>>Phát triển ngành du lịch: Cần xác định thế mạnh đặc trưng

Hoạt động ăn uống trên cồn là nét đặc trưng thú vị. Du khách chọn ăn ngay tại nhà vườn để được tự tay đổ bánh xèo, bánh khọt ăn kèm các loại rau hái trực tiếp từ vườn. Ngoài ra, khách du lịch có thể tham gia tát mương bắt cá. Cá bắt được sẽ chế biến ngay tại chỗ thành các món như nướng trui, chiên xù, nấu canh chua quả bần... Nét đẹp nữa là ở đây không có sự chèo kéo giành giật khách. Các hộ dân sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi đông khách.

Theo thống kê từ con số 2.400 khách năm 2016, đến nay lượng khách đã lên hơn 13.000 khách. Chị Lê Thị Bé Bảy cho biết, nơi đây có hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh để phục vụ khách quốc tế. Có trên 15 công ty lữ hành đã liên kết và đưa khách du lịch đến. Người làm du lịch Cồn Sơn đang triển khai thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng như: tham quan và cùng tham gia chế biển chả cá thác lác; dịch vụ may áo bà ba...

Sự thay đổi trong nhận thức và cách làm của người dân nơi đây đã đưa Cồn Sơn trở thành điểm sáng du lịch. Tuy nhiên, có thông tin Sở Du lịch Cần Thơ đang có ý định thu hồi Cồn Sơn để phát triển khu resort. Thiết nghĩ, cần cân nhắc lợi ích của cộng đồng dựa trên quy hoạch chung về du lịch.

Quản lý phải cụ thể

Ngày 21/7 vừa rồi, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý điểm đến, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch tại TP.HCM. Tài liệu gửi cho đại biểu gồm có Đề án Xây dựng tiêu chí đánh giá xếp hạng và công bố chỉ số phát triển các điểm đến du lịch (37 trang), Kế hoạch Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch (5 trang), Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch (15 trang), Tiêu chí Đánh giá điểm đến du lịch (5 trang), tổng cộng là 62 trang. Nhưng đọc qua, thấy các văn bản có nhiều ý trùng lặp, thậm chí là "chỏi" nhau.

Đã gọi là quy tắc thì phải ngắn gọn, dễ nhớ nhưng Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch thì ngay cả những người soạn thảo cũng không nhớ hết các chi tiết trong 15 trang đó. Bộ quy tắc này còn quy định cả những khẩu hiệu tuyên truyền cho các địa phương - một biểu hiện của "bao cấp tư duy". Đã gọi là "tập huấn" mà chỉ làm qua loa vài tiếng đồng hồ, chủ yếu là báo cáo tình hình quản lý, xử lý một số vi phạm - những công việc bình thường mà chỉ cần gởi email là nắm được!

Phải công nhận, gần đây du lịch được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt khi năm 2016, lượng du khách tăng cao ngoài dự kiến (hơn 26%). Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều lĩnh vực, không nên gọi là "mũi nhọn" mà nên thay bằng từ "quan trọng".

Các tỉnh - thành ban hành quy tắc ứng xử đối với khách du lịch, nhưng dư luận cho rằng ứng xử văn minh thì không chỉ riêng với du khách, do đó nên ban hành quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng như Đồng Tháp đang làm. Người dân tại chỗ ứng xử văn minh với nhau thì ắt hẳn du khách sẽ được đón tiếp một cách văn minh, lịch sự.

Muốn quản lý du lịch hiệu quả, phải thay đổi cách nghĩ. Không thể tăng cường quản lý bằng kế hoạch, nghị quyết, khẩu hiệu hay những văn bản dài dòng, chung chung. Nếu cứ tư duy quản lý như hiện nay, du lịch Việt Nam sẽ không phát triển bền vững.

Ra nước ngoài, chỉ cần tuân thủ luật pháp nước sở tại và quy định của những điểm đến, không làm tổn hại đến uy tín và danh dự quốc gia là đủ. Vấn đề là cách chế tài các cá nhân và đơn vị người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài, chế tài phải đủ sức răn đe.

Ở trong nước cũng vậy, xử phạt các trường hợp vi phạm như tiếp tay cho tour 0 đồng, để đầu nậu du lịch Trung Quốc lộng hành, hạ chuẩn sao khách sạn, rút giấy phép tạm thời, phạt hướng dẫn viên (HDV) chui và các công ty ma vẫn chưa đủ mạnh. Bằng chứng là các tệ nạn chặt chém, trấn lột, lừa khách, không thực hiện đúng hợp đồng chẳng những không giảm bớt mà còn gia tăng.

Trong du lịch, HDV được xem là thành tố rất quan trọng, là người thổi hồn vào các danh thắng, các điểm đến. Du khách đánh giá đất nước và ngành du lịch thông qua HDV, nhưng đội ngũ này ở nước ta không chỉ yếu mà còn thiếu trầm trọng. Tính đến cuối tháng 7/2017, cả nước có 19.420 HDV quốc tế và 7.848 HDV nội địa nhưng còn nhiều bất cập về tỷ lệ phân bổ giữa các địa phương, giữa các ngoại ngữ với số lượng khách.

Với lượng khách nước ngoài hơn 10 triệu, khách nội địa hơn 60 triệu và người Việt du lịch nước ngoài 7 triệu (năm 2016) thì tối thiểu phải có gấp đôi số HDV quốc tế và gấp ba lần HDV nội địa mới đáp ứng nổi. Việc cần làm ngay nữa là đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp thẻ tạm cho các HDV người Hoa, người Khmer và người Việt lao động ở nước ngoài về thông thạo ngoại ngữ.

Trước đây chuẩn học vấn của HDV nội địa là tốt nghiệp phổ thông, còn chuẩn HDV quốc tế phải tốt nghiệp đại học. Chẳng nước nào lại phân biệt như vậy. Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi thống nhất chuẩn học vấn của HDV quốc tế bằng nội địa nhưng khi ban hành lại nâng chuẩn học vấn HDV quốc tế lên cao đẳng. Đó là tư duy xem thường khách nội địa! Rồi những vấn đề nhưc nhối như cướp giật, chặt chém, thực phẩm bẩn, đến thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh liên quan tới các ngành, sao không thấy đề cập cụ thể?

Nhiều việc ngành du lịch đang tự làm khó mình mà HDV là điển hình. Có việc không cần tiền có thể làm ngay là thái độ và tinh thần phục vụ. Tiếc gì một nụ cười hiếu khách và lời cám ơn khi khách vào nhà chơi. Việc này không tốn tiền và ai cũng làm được. Bắt đầu từ các cửa khẩu, nhà hàng, khách sạn, các điểm dịch vụ cho đến từng người dân. Ngành du lịch và biên phòng, hải quan cửa khẩu hãy tiên phong "làm cuộc cách mạng" về nụ cười đón khách và thái độ phục vụ.

>> Đổi mới ngành du lịch từ những việc nhỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để ngành du lịch Việt "cất cánh": Bài học từ Cồn Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO