Để mắc ca đi sau, về trước

Ý Nhi| 30/09/2020 00:45

Trồng trọt manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, quản lý giống, các quy trình không phù hợp với thực tiễn sản xuất từng vùng, từng loại hình canh tác, chế độ chăm sóc, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn hạn chế...là những rào cản cần tháo gỡ để mắc ca trở thành cây đi sau nhưng lại về trước, đạt mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030.

Để mắc ca đi sau, về trước

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: "Mắc ca là cây cho loại hạt rất tốt với 70% là dầu béo không no. Đó là lý do Úc coi hạt mắc ca là một loại thuốc bổ, giá trị dinh dưỡng cao. Nếu nâng tầm, mắc ca không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần mà còn là một loại thực phẩm chức năng. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp trong 10 năm tới, Việt Nam phải đứng trong top 10 nước có sức sản xuất lớn về nông nghiệp. Muốn vậy, phải lựa chọn cây-con giống có lợi thế, hướng vào thị trường quốc tế, đảm bảo ba mục tiêu kép: Kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Và mắc ca là một trong những loại cây có nhiều lợi thế.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng. Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm.

Bộ trưởng cũng khẳng định, dư địa để phát triển mắc ca là rất lớn, nếu làm tốt sẽ giúp hệ số che phủ rừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.

Tuy nhiên, để phát triển cây mắc ca hiệu quả, là "cây đi sau về trước" và vươn tới con số 1 tỷ USD doanh thu mắc ca trong năm 2030 như mục tiêu đề ra, cần phải có chính sách phát triển đồng bộ, mạnh mẽ và cụ thể của các bộ, ngành lãnh đạo các địa phương.

Tại Hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, định hướng và giải pháp trong thời gian tới” được tổ chức vào sáng  29/9, tại TP Buôn Ma Thuột do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UNND tỉnh Dăk Lăk, Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức, các đại biểu, doanh nghiệp cũng đã đề xuất các chính sách hỗ trợ  cho doanh nghiệp trồng và chế biến. Ông Nguyễn Văn Phúc –một nông dân tại Lâm Đồng kiến nghị: “Với các doanh nghiệp chế biến sâu, Chính phủ cần có chính sách vay vốn ưu đãi để, mua nguyên liệu, máy móc thiết bị và được thế chấp bằng sản phẩm hạt măc ca tươi”. 

Ông Đỗ Đình Dũng- Giám đốc Công ty CP Việt Xanh Maca cũng đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn vốn, chính sách ưu đãi bằng hình thức tín chấp để nâng cao công nghệ máy móc, nhà xưởng, dự trữ nguyên liệu. Đặc biệt là chính sách kết nối các thị trường tiêu thụ giúp doanh nghiệp tìm đầu ra, có chính sách miễn giảm thuế VAT cho doanh nghiệp chế biến măc ca và sản phẩm nông nghiệp nói chung.

Kiến nghị về quy hoạch, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Dắk Lắk đề xuất, Bộ NN&PTNT cần sớm thực hiện triển khai quy hoạch cấp vùng, cấp quốc gia để địa phương có cơ sở triển khai  thực hiện; ban hành Nghị định về quản lý giống, cây giống, xây dựng chính sách đặc thù vùng Tây nguyên để triển khai các dự án ưu tiên giai đoạn 2021-2030

Ông Huỳnh Ngọc Huy- Tổng thư ký Hiệp hội mắc ca cũng đưa ra các kiến nghị với Chính phủ tiếp tục mở rộng vùng trồng mắc ca đến năm 2025 là 50.000 tấn và đến năm 2030 khoảng 100.000 ha; Lựa chọn thêm những vùng có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca để phát triển mở rộng; Đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng măc ca phù hợp khí hậu, đát đai, địa hình, tập quán và nguồn lực của Việt Nam theo hướng doanh nghiệp phải đi vào sản xuất hữu cơ, nông dân trồng phải đạt tiêu chuẩn Global GAP; 

Theo ông Huy, cần thực hiện tốt sợi dây liên kết giữa bốn nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà khoa học” theo hướng Nhà nước tạo cơ chế chính sách về đất đai, lao động, hạ tầng, tín dụng; Nhà đầu tư cung cấp vốn, công nghệ, thu mua và kết nối thị trường...Trong đó, Hiệp hội mắc ca Việt Nam sẽ nỗ lực trong vai trò sợi dây liên kết các nhà.  “Song song đó cũng cần nghiên cứu thành lập Vịện khoa học nghiên cứu về mắc ca”, ông Huy nói thêm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng sau hội nghị này, một phong trào trồng mắc ca có thể sẽ rộ lên, đặt ra việc cung ứng vốn, những ngân hàng có uy tín, đảm bảo vốn ưu đãi để người dân có thể phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cùng các địa phương sẽ tiếp tục phối hợp để thúc đẩy phát triển bền vững mắc ca tại Việt Nam. 

Về phía ngành Ngân hàng, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng sẽ vẫn cho vay vốn trong vòng 15 năm và chỉ thu hồi vốn khi cây mắc ca được 5 tuổi, tức là khi có thu hoạch, tiếp tục hỗ trợ và hoàn thiện cơ chế cho vay theo chuỗi sản phẩm tín dụng mắc ca đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng, góp phần phát triển ngành hàng mắc ca ở Việt Nam.

Khẳng định giá trị của cây mắc ca, Thủ tướng nhấn mạnh: “Lợi thế của mắc ca của Việt Nam đã rõ. Vấn đề là phải có lời giải cho câu hỏi: "Làm sao để mắc ca phát triển xứng tầm với lợi thế mà Việt Nam đang có. Hơn nữa, mắc ca là cây sinh thái, môi trường, cây xóa đói giảm nghèo, là loại cây có nguồn dinh dưỡng cao, có thể trồng ở vùng sâu, vùng xa nên không đơn thuần là cây phát triển kinh tế mà còn phát triển xã hội. Đó cũng là logic của thị trường và kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cần phải  ứng dụng công nghệ, liên kết chuỗi, tăng gía trị chế biến sâu để đưa mắc ca thành “cây đi sau về trước”. 

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các ngân hàng dành nguồn vốn cho mắc ca với lãi suất cụ thể, phải có quản lý đồng bộ để phát triển cây mắc ca và ngành sản xuất mắc ca. “Không để một ngành mới mẻ này mà người trồng và sản xuất phải đơn phương độc mã đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để mắc ca đi sau, về trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO