Để hàng không Việt Nam cất cánh bay xa

09/05/2019 06:53

Được xếp thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với mức tăng hai con số trong 5 năm liên tiếp, hàng không Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch, thương mại và đầu tư. Thế nhưng, để ngành hàng không Việt Nam thật sự cất cánh vẫn còn nhiều điều để làm. Báo Doanh Nhân Sài Gòn sẽ đưa loạt bài về các vấn đề của ngành hàng không Việt Nam

Để hàng không Việt Nam cất cánh bay xa

Bài 1: TĂNG TRƯỞNG NÓNG

Ngành hàng không Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến các cuộc đua đầu tư máy bay, mở tuyến bay mới...

Mua nhiều máy bay

Sự tăng trưởng của ngành hàng không những năm qua cùng với nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận chuyển này đang tăng mạnh. Đó là lý do khiến các hãng đầu tư hàng tỷ đô la để mua máy bay mới. Đến thời điểm này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sở hữu hơn 100 máy bay và dự kiến trong năm nay, hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam này có thể nhận thêm 17 chiếc Airbus A321 Neo cùng ba chiếc B787. 

Cuối tháng 2 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hãng Hàng không Vietjet Air đã ký với Boeing mua 100 máy bay với tổng giá trị 12,7 tỷ USD. Những chiếc máy bay đầu tiên của đơn hàng này sẽ được giao vào quý IV/2019. Trước đó, hãng này cũng đã ký một hợp đồng mua 100 máy bay. Hiện tại, VietJet Air đang vận hành 64 máy bay. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietJet Air, các đơn hàng mua máy bay nằm trong chiến lược mở rộng mạng lưới bay quốc tế và nội địa của Hãng. Mặc khác, VietJet chủ trương đầu tư đội máy bay mới, hiện đại, đồng bộ và coi đây là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển lâu dài. 

Không nằm ngoài cuộc đua mở rộng đội tàu bay, Bamboo Airways - hãng hàng không mới nhất của Việt Nam - cũng vừa ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị gần 3 tỷ USD. Trước đó không lâu, Bamboo Airways đã mua 20 chiếc máy bay cùng loại trị giá 5,6 tỷ USD. Với đơn hàng mới, Bamboo Airways dự kiến sẽ sở hữu 30 máy bay thân rộng, và những máy bay đầu tiên sẽ được Boeing bàn giao từ quý II/2020. Theo ông Trịnh Văn Quyết - Tổng giám đốc Bamboo Airways, việc gia tăng đội bay đến từ việc nghiên cứu rất kỹ khi nhìn thấy số lượng máy bay chưa đủ đáp ứng thị trường hàng không Việt Nam. Và Công ty tham vọng đưa Bamboo Airways trở thành hãng hàng không năm sao của thế giới với tầm nhìn vượt khỏi khu vực. 

Chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không Việt tăng trưởng bền vững hồi giữa tháng 4/2019, ông Phạm Văn Hảo - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ngành hàng không đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đều đạt hai con số. Năm 2012, số lượng khách đi máy bay đạt hơn 37 triệu lượt, năm 2017 đã tăng 94 triệu lượt, đến năm 2019, dự báo lượng khách sẽ đạt hơn 112 triệu lượt. Về lượng tàu bay, năm 2008 tổng số có 60 chiếc, hiện tại đã tăng gấp ba lần, lên 192 chiếc. 

Số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2017, hàng không Việt Nam xếp thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn 2016 - 2021, hàng không Việt Nam tăng trưởng kép ở mức 17,4 - 20%, trong khi trung bình ở ASEAN là 6,1%. Dự báo đến năm 2035 hàng không Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 5 và sự phát triển nhanh của thị trường hàng không đã thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, thương mại và đầu tư. 

Thêm đường bay mới

Theo Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu năm, Việt Nam sẽ mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm trên thế giới gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc, Ấn Độ. 

Cùng với việc dành một nguồn tiền lớn đầu tư cho phương tiện vận chuyển, các hãng hàng không đã liên tục mở đường bay mới song song với các dịch vụ mặt đất. Việc mua những chiếc máy bay tầm xa Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways là nhằm thực hiện các chuyến bay quốc tế đường dài, trong đó hãng này đã có kế hoạch khai trương đường bay thẳng Việt - Mỹ trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Chuẩn bị cho kế hoạch này, năm 2018, Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways) đã lập văn phòng đại diện tại Mỹ để chuẩn bị nhân sự, pháp lý và các yếu tố hỗ trợ khác. Mới đây, hãng này cũng đã ký ghi nhớ với Sân bay Quốc tế Praha để mở đường bay thẳng đến Czech. Bà Dương Thị Mai Hoa - Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng, việc mở đường bay thẳng nối Việt Nam với Czech sẽ là tiền đề cho kế hoạch mở rộng tuyến bay tới thị trường châu Âu của Bamboo Airways trong tương lai gần. Trong tháng 4, Hãng cũng đã mở đường bay thẳng đến Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Chuẩn bị cho chiến lược phát triển, từ nay đến cuối năm, Bamboo Airways sẽ đưa đội tàu bay thân hẹp Airbus A321 Neo lên 40 chiếc và tàu thân rộng Boeing 787 Dreamliner. Tính đến tháng 4/3019, Bamboo Airways đã thực hiện gần 4.000 chuyến bay. Trong năm 2019, hãng đặt mục tiêu tăng tần suất khai thác lên 100 chuyến bay/ngày, phục vụ 5 triệu lượt hành khách. 

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, lượng hành khách hàng không sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trường bình quân 14% trong giai đoạn 2017 - 2020. Hiện Việt Nam có 80 đường bay quốc tế và gần 50 hãng bay của nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Các điểm kết nối liên tục được mở rộng là cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng đường hàng không. 

Tuy nhiên, theo tính toán, công suất khai thác vận tải hàng không của Việt Nam vẫn còn khá thấp nếu tính trên quy mô dân số. Hiện tại, tổng công suất khai thác của cả 21 sân bay của Việt Nam chỉ khoảng 71,5 triệu khách/năm, chưa bằng công suất của một sân bay chính ở Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur (100 triệu khách/năm). Việt Nam với thị trường hơn 90 triệu dân nhưng chỉ có 5 hãng hàng không, trong khi đó các nước phát triển về du lịch như Thái Lan chỉ có 70 triệu dân nhưng có hơn 10 hãng hàng không và 38 sân bay. Nếu so với Dubai - một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) càng thấy sự chênh lệch của hàng không Việt Nam. Với dân số chỉ chưa đến 10 triệu người nhưng hãng máy bay duy nhất của Dubai là Emirates đang vận hành đến 271 máy bay hế giới. Đây cũng là hãng hàng không duy nhất trên thế giới sở hữu toàn máy bay thân rộng - loại máy bay dành cho các tuyến bay dài. Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Emirates Việt Nam Haitham Al Battawy, tại Việt Nam, Hãng đạt được sự tăng trưởng ổn định hằng năm và trở thành lựa chọn ưa thích của du khách Việt, với các chuyến bay hằng ngày từ TP.HCM và Hà Nội. 

Còn nhiều việc phải làm

Một trong những hạn chế của ngành hàng không Việt Nam là cơ sở hạ tầng vẫn còn trong quá trình hoàn thiện. Ông Đỗ Đức Tú - Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc tăng trưởng nóng của ngành hàng không bên cạnh mặt tích cực là các yếu tố tiêu cực. Sân bay Tân Sơn Nhất chính là biểu hiện rõ ràng nhất của sự phát triển nóng ngành hàng không. Điều này không chỉ thể hiện của sự quá tải về nhà ga, sân đỗ mà còn ở đường cất cánh, hạ cánh. 

Theo Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch, đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay của Việt Nam và các đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch trọng điểm. Sau năm 2025, ngành hàng không sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không tại các vùng du lịch nội địa trọng điểm. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, cần có định hướng về chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tầng suất bay giữa Việt Nam và các thị trường nguồn khách du lịch. 

Đánh giá về thị trường hàng không Việt Nam, ôngHaitham Al Battawy - Tổng giám đốc Emirates Việt Nam cho rằng, Việt Nam có khả năng trở thành thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Việt Nam có được lợi thế đáng kể so với các thị trường khác trong khu vực khi có chính trị ổn định, là điểm đến an toàn cho khách du lịch. "Theo tôi, thách thức chính là làm thế nào Việt Nam cải thiện được cơ sở hạ tầng đầy đủ nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không của cả hành khách trong lẫn ngoài nước ngày càng tăng" - ông Haitham Al Battawy chia sẻ.

Ở góc độ của một nhà quản lý du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, hàng không và du lịch có mối quan hệ mật thiết, và đây là thị trường lớn mà các hãng hàng không cần khai thác. Hiện nay, có khoảng 80% khách nước ngoài tới Việt Nam đi máy bay với mục đích du lịch. Tính riêng trong ba tháng đầu năm 2019, có 3,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách trong nước cũng tăng đáng kể khi đạt 80 triệu lượt trong năm 2018. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngành hàng không vẫn chưa khai thác hết nguồn lực từ du lịch, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến các địa danh du lịch chưa nhiều.

Kỳ sau: Hạ tầng cơ sở sân bay: Nỗi ám ảnh tăng trưởng vận tải hàng không

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để hàng không Việt Nam cất cánh bay xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO