Để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khởi sắc

THƯ TÚ| 30/04/2017 06:49

Câu chuyện của các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam là câu chuyện con gà và quả trứng.

Để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khởi sắc

Cuối tháng 3/2017, việc Công ty CP Xe điện Toàn Cầu PEGA (chủ thương hiệu HKBike) công bố 35% linh kiện của chiếc xe điện mang tên HKBike được sản xuất tại Việt Nam bởi hơn 30 doanh nghiệp trong nước đã một lần nữa làm dấy lên mối quan tâm về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Đọc E-paper

Có ý kiến hoan hô nhưng không ít ý kiến "quan ngại sâu sắc" về trình độ và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã ban hành nhiều nhưng để những chính sách này thành hiện thực thì còn quá nhiều rào cản vì thiếu những quy định cụ thể, nhất là về nguồn vốn tín dụng. Do vậy, đến nay mới chỉ có những điểm sáng đơn lẻ.

Theo ông Trần Văn Quang - Phó vụ trưởng Vụ phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ), dù các doanh nghiệp có nhiều cố gắng trong đầu tư vốn và công nghệ nhưng "công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai... nên chưa đáp ứng được nhu cầu của công nghiệp chế tạo, lắp ráp".

"Con gà - quả trứng"

Hơn 10 năm trước, nhiều doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn ở Việt Nam đã nhận thức được 4 giá trị của công nghiệp hỗ trợ. Đó là tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chính trên thị trường toàn cầu; chủ động sản xuất tại chỗ, giảm giá thành; thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, kích thích doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước phát triển; tác động việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhanh hơn và thu hút lao động.

Từ đó đến nay, các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn đang loay hoay nếu không nói là bế tắc để thực hiện 4 giá trị trên. Vì vậy, thay vì sản xuất trong nước bằng việc tìm kiếm các đối tác cung ứng linh kiện, phụ kiện,... nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng đặt gia công ở nước ngoài.

Ông Lê Văn Chính - cố vấn kỹ thuật của Soncamedia nói: "Khi doanh nghiệp trong nước có thiết kế và công nghệ riêng, thay vì sản xuất tại Việt Nam, họ lại đưa qua các nhà máy của Trung Quốc đặt hàng sản xuất là nhanh và rẻ hơn, lại được làm thượng khách của doanh nghiệp Trung Quốc". Các sản phẩm của Soncamedia hiện đang được sản xuất tại nhiều nhà máy của Trung Quốc dưới sự giám sát của đội ngũ chuyên gia Việt Nam.

Giữa năm 2015, theo ông Quang, Bộ Khoa học và Công nghệ có cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp Việt đang sản xuất nhiều mặt hàng như Công ty Ngôi nhà thông minh BKAV, Công ty Điện cơ Hải Phòng, Công ty Chế tạo máy Vinacomin, Công ty Ô tô Chiến Thắng...

>>Hàng đổi hàng: Thêm một "lối ra" cho doanh nghiệp Việt

Tại cuộc gặp mặt này, nhiều doanh nghiệp Việt đã cho biết, họ đầu tư nguồn tiền lớn để nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ, sau đó phải ra nước ngoài để tìm kiếm đối tác gia công thay vì sản xuất trong nước có giá cao, chất lượng linh kiện và phụ kiện lại không cao, dẫn đến sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Chính, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm nhưng giá thành cao vì sản xuất với số lượng ít, chưa có sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng phụ kiện. Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) Lê Hoài Quốc, một mặt xác nhận cách làm hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt khi mang sản phẩm gia công ở Trung Quốc là "cách làm năng động, đúng theo tình hình thực tế của trình độ sản xuất Việt Nam", mặt khác cũng lo ngại cách làm này sẽ có nhiều bất trắc khi các nhà máy của Trung Quốc thường xuyên lâm vào cảnh "hắt hơi sổ mũi".

Ông Quốc nói: "Câu chuyện của các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam là câu chuyện con gà và quả trứng. Nếu không chứng minh được năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm thì sẽ không có khách hàng tìm đến. Nhưng liệu có doanh nghiệp nào dám đầu tư hàng núi tiền rồi mới đi tìm khách hàng không? Chắc chắn là không. Doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ loay hoay giải bài toán này hàng chục năm rồi mà chưa có lời giải thỏa đáng".

Để có những "viên ngọc"

Minh Nguyên là trường hợp điển hình của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay. Với hơn 30 năm làm đối tác cung ứng phụ kiện trong lĩnh vực khuôn mẫu bằng nhựa cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, cuối năm 2016, Minh Nguyên được Samsung xếp vào nhóm "đối tác toàn cầu". Theo ông Châu Bá Long - TGĐ Minh Nguyên, khi nằm trong nhóm đối tác toàn cầu, Minh Nguyên được quyền biết những nhu cầu của Samsung về nhóm sản phẩm hỗ trợ, sau đó tham gia vào chuỗi cung ứng từng loại phụ kiện theo năng lực hiện có.

Muốn chứng minh năng lực của mình, không chỉ với Samsung mà còn nhiều đối tác khác, Minh Nguyên vừa đầu tư 7 dàn máy CNC thế hệ mới nhất với mức đầu tư gần 7 triệu USD, trong đó phần mua máy hơn 6 triệu USD, còn lại là chi phí cho phần lắp đặt, huấn luyện và chuyển giao công nghệ.

>>6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM

Chỉ vào chiếc máy CNC có mã Intergrex i-300ST, ông Long cho biết, đây là dàn CNC hiện đại nhất với 11 trục, có giá trọn gói là 1,4 triệu USD. "Hiện nay, chúng tôi cung ứng các chi tiết bằng nhựa cho tổ hợp Samsung tại khu công nghệ cao TP.HCM. Còn trong tương lai không xa, Minh Nguyên sẽ chuyển sang sản xuất bo mạch", ông Long tiết lộ.

Minh Nguyên vừa hoàn tất giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất tại khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn cam kết là 700 tỷ đồng. Theo lời ông Quốc, Minh Nguyên là trường hợp đặc biệt khi được vay 237 tỷ đồng từ nguồn vốn kích cầu đầu tư của TP.HCM trong khi bình thường chỉ được vay 100 tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của vị trưởng ban này, Minh Nguyên là trường hợp điển hình của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. "Chỉ cần vài chục mô hình như Minh Nguyên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có sắc thái mới", ông Quốc đánh giá.

Nhưng để có những mô hình như Minh Nguyên, rõ ràng không thể thiếu khoản vay từ nguồn vốn kích cầu đầu tư của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO