Đầu tư vào Myanmar không đơn giản

GIA MINH/DNSGCT| 30/11/2012 05:09

Đầu tháng 11 vừa qua, Luật đầu tư mới của Myanmar được ban hành đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh quốc tế trong đó có doanh nhân nước ta vốn đã nhanh chân tìm cơ hội làm ăn ở một thị trường mà họ cho là nhiều triển vọng.

Đầu tư vào Myanmar không đơn giản

Đầu tháng 11 vừa qua, Luật đầu tư mới của Myanmar được ban hành đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh quốc tế trong đó có doanh nhân nước ta vốn đã nhanh chân tìm cơ hội làm ăn ở một thị trường mà họ cho là nhiều triển vọng.

Đọc E-paper

Hai năm trước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đặt chân vào thị trường này, thế nhưng theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar thì đến nay mới chỉ hai dự án của nhà đầu tư Việt Nam được cấp phép, đó là dự án khai thác đá hoa cương của Tổng công ty Sông Đà và dự án xây dựng nhà máy dược phẩm của SPM liên doanh với Myanmar.

Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với vốn đăng ký 300 triệu USD đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để được cấp phép chính thức.

Một đường phố nhộn nhịp ở Yangon

Hiện nay, hàng tuần đều có những đoàn doanh nhân từ Việt Nam sang thăm dò thị trường, nhất là sau khi Myanmar có luật đầu tư mới, không chỉ cởi mở hơn luật cũ mà còn thông thoáng hơn cả dự thảo của chính luật này được Quốc hội thông qua nhưng bị phía hành pháp, mà cụ thể là Tổng thống Thein Sein, giữ lại một thời gian để bổ sung các điều khoản phù hợp hơn nữa với xu thế toàn cầu, trước khi được ban hành như chúng ta đã biết.

Đây chính là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đi tìm cơ hội làm ăn ở Myanmar cần nắm bắt.

Luật đầu tư của Myanmar ban hành ngày 2/11 nhận được phản hồi rất thuận lợi từ giới kinh doanh khắp nơi, đặc biệt là ở phương Tây nơi một thời gian dài đã duy trì lệnh cấm vận đối với đất nước Chùa vàng.

Luật gồm 20 chương, mà ngay trong Chương 4 đề cập đến những nguyên tắc cơ bản đã cho thấy rõ mục tiêu thu hút đầu tư và đường hướng phát triển mang tính thời đại của Myanmar, sau một thời gian dài thụt lùi so với thế giới do bị một chế độ độc tài quân sự kiềm chế.

Chương 4 Luật đầu tư của Myanmar nói rõ các nguyên tác cơ bản sau đây:

- Phục vụ mục đích phát triển kinh tế quốc gia.

- Kích thích, tăng cường sử dụng lao động.

- Phát triển xuất khẩu.

- Sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.

- Sản xuất hàng hóa đòi hỏi đầu tư vốn lớn.

- Thu hút công nghệ cao, kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng.

- Phát triển kinh doanh sử dụng tiết kiệm năng lượng.

- Phát triển kinh tế khu vực.

- Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái sinh.

- Phát triển công nghiệp hiện đại.

- Bảo vệ môi trường.

- Hỗ trợ du nhập trao đổi thông tin và công nghệ.

- Không ảnh hưởng đến chủ quyền đất nước và an ninh của người dân.

- Phát triển kiến thức và kỹ năng của người dân.

- Phát triển ngân hàng và tổ chức tài chính theo đúng chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.

- Hiện đại hóa các công ty dịch vụ có lợi cho nhà nước và người dân.

- Phát huy tối đa nguồn tài nguyên quốc gia trong ngắn hạn và lâu dài. 

Các nhà đầu tư phương Tây tỏ ra bén nhạy trong việc nắm bắt thông tin mà biểu hiện rõ nhất là các công ty lớn như Coca-Cola, Pepsi Cola, Master Card, Visa, Western Union, PWC, cũng như các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của châu Âu cũng đã đặt chân vào thị trường này và đang chuẩn bị tung ra hàng loạt sản phẩm và dịch vụ.

Còn các doanh nghiệp Việt Nam liệu sẽ tìm thấy được bao nhiêu lợi thế và cơ hội khi nhìn vào các mục tiêu trên đây qua Luật đầu tư của Myanmar?

Thông tin chưa đầy đủ cho thấy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Vietnam Airlines, BIDV cũng đã nhanh chân vào Myanmar nhưng đến nay vẫn còn chạy đua với thủ tục và những tập quán làm ăn khá phức tạp tại đất nước này.

Có thể nói trong khi các nước có ưu thế về đồng vốn, công nghệ và kỹ thuật cao, nghiên cứu thị trường chu đáo, đang tin tưởng vào một làn sóng cởi trói cho các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng đất hứa, thì đối với doanh nghiệp nước ta, một cái nhìn lạc quan về tình hình làm ăn tại Myanmar là còn quá sớm vào thời điểm này.

Đành rằng đầu tư vào Myanmar, chúng ta đang có lợi thế về một sự thỏa thuận của chính phủ nước này dành 12 lĩnh vực ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, điều kiện địa lý thuận tiện và là người có mặt sớm khi đất nước này tự cởi trói. 

Có người cho rằng chúng ta còn có thêm yếu tố thuận lợi khác là những bài học của thời kỳ đầu mở cửa ở Việt Nam đã giúp Myanmar rút được kinh nghiệm để hoàn chỉnh hoạt động đầu tư phù hợp với đòi hỏi của các nhà đầu tư phương Tây mà họ đang hướng đến, thay cho tập quán làm ăn “nhất thân nhì thế” tồn tại lâu nay.

Không ít doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, của đại sứ quán như lâu nay. Điều này cần nhưng chưa đủ, do những hạn chế của tập quán ngoại giao và mức độ thâm nhập thị trường còn hạn hẹp.

Đó là chưa kể nhiều quốc gia đang có lợi thế hơn chúng ta trong việc nắm bắt tình hình đầu tư qua con đường ngoại giao với những khoản viện trợ lớn để mở đường cho ưu thế trong điều kiện cạnh tranh được xem là gay gắt sau khi Luật đầu tư của Myanmar được triển khai. 

Đầu tư ngành nghề nào vào Myanmar chắc hẳn là câu hỏi không ít doanh nghiệp trong nước đưa ra sau khi cỡi ngựa xem hoa mấy ngày ở đất nước bạn. Cho đến nay, phần lớn các chuyến đi khảo sát của doanh nghiệp chúng ta chủ yếu mang tính tham quan tìm hiểu.

Các doanh nghiệp đang cần những cuộc nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc và khoa học, qua đó tìm hiểu khả năng đầu tư của mình nằm ở phân khúc nào trong toàn bộ kế hoạch của nước bạn? Đối thủ cạnh tranh hiện nay trên thị trường này là những ai? Tình trạng “luật vua, lệ làng” ở các địa phương Myanmar diễn ra như thế nào, có giống ở nước ta không?

Luật đầu tư của Myanmar chưa cho người nước ngoài thành lập doanh nghiệp xuất nhập khẩu và bán lẻ thì làm cách nào để lách luật mà vẫn bảo đảm an toàn?

Luật đầu tư mới của Myanmar ra đời nhằm tìm đáp số cho bài toán kinh tế xã hội thời mở cửa hội nhập, khác với luật cũ là bảo vệ thể chế. Chúng ta đã có kinh nghiệm về điều này, vậy thì đâu là những bài học thực tế mà doanh nghiệp Việt Nam có thể vận dụng tại thị trường mới?

Lĩnh vực và ngành nghề nào thuộc thế mạnh mà chúng ta có thể hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp Myanmar?

Thời gian qua, hệ thống đại học ở Myanmar bị tê liệt do chính sách không phù hợp và chính quyền quân sự lo ngại các cuộc đấu tranh đòi dân chủ của sinh viên. Ngay cả hàng ngàn sinh viên Myanmar tốt nghiệp tại Singapore đã được nhà nước vận động cũng vẫn không sẵn lòng quay về quê hương.

Chính vì vậy nhân lực cho thời mở cửa đang là bài toán khó cho đất nước này. Doanh nghiệp của chúng ta sẽ giải quyết bài toán ấy như thế nào khi Luật đầu tư của Myanmar không cho người nước ngoài mở trường đào tạo?

Luật đầu tư đã được ban hành nhưng văn bản dưới luật thì sao đây, liệu có giống như một số trường hợp bất nhất đã từng xảy ra ở nước ta?

Tư duy làm ăn của người Myanmar ra sao ở một đất nước hơn 90% người theo đạo Phật lấy sự ngay thẳng và thành tín làm kim chỉ nam trong cuộc sống, trong một môi trường kinh doanh bị cạnh tranh bởi các thế lực quân đội làm kinh tế.

Tất nhiên còn biết bao nhiêu điều đặt ra cho cơ hội làm ăn ở một thị trường vừa mới khai hoang, nhưng chỉ chừng ấy vấn đề thôi cũng đã thấy doanh nghiệp tự mình đi tìm câu trả lời là rất khó khăn. Chính vì vậy mà trong nước cần thiết phải thành lập các nhóm nghiên cứu nghiêm túc, tổ chức nhiều hội thảo về tình hình đầu tư vào Myanmar.

Vấn đề cơ bản trong kinh doanh là phải tìm được không chỉ cái gì người ta cần mà còn là cái gì mình có thể làm tốt hơn người khác, tìm được cái mình có lợi thế cạnh tranh.

Vì thế phải nghiên cứu sâu thị trường để thật sự biết người và biết ta. Ngoài ra thì cần thiết dựa vào các công ty làm dịch vụ tư vấn đầu tư của doanh nghiệp hoặc cá nhân đang hoạt động ở nước sở tại.

Xưa nay người làm ăn vẫn bị hấp dẫn bởi miền đất mới, nơi luôn có nhiều cơ hội vì cái gì cũng còn thiếu, trong đó có một cái thiếu nhưng chỉ đem cơ hội đến cho những người dũng cảm, dài hơi và một chút may mắn. Đó là thiếu luật chơi rõ ràng.

Dĩ nhiên nước nào cũng có luật, nhưng vấn đề là chất lượng của luật tức mức độ công bằng, minh bạch và đặc biệt là sự kết nối giữa các luật như thế nào để tránh chồng chéo gây khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp cũng như hiệu quả triển khai của chính phủ.

Cho nên bước đầu doanh nghiệp nước ngoài cần đến tư vấn chuyên nghiệp trong nước dẫn đường cũng như giúp tìm được một đối tác có uy tín ở nước sở tại để hợp tác.

Myanmar đang chuyển mình, luật pháp với nhiều điều mới mẻ có thể khiến bộ máy quản lý chưa thể một sớm một chiều tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế. Trong điều kiện như vậy, vai trò của tư vấn là giúp doanh nghiệp áp dụng luật lệ có hiệu quả để khai thông các lộ trình đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vào Myanmar không đơn giản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO