Đầu tư trường mầm non: So kè "lượng" và "chất"

PHƯƠNG QUYÊN - Ý NHI| 27/08/2015 08:36

Đầu tư trường mầm non đang trở thành điểm đến cho những nhà đầu tư nặng lòng với giáo dục...

Đầu tư trường mầm non: So kè

Hệ thống trường mẫu giáo công lập luôn ở tình trạng quá tải trong khi nhu cầu về môi trường chăm sóc và giáo dục trẻ chất lượng cao lại ngày càng tăng. Vì thế, đầu tư trường mầm non trở thành điểm đến cho những nhà đầu tư nặng lòng với giáo dục. Tuy nhiên, tồn tại và gây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực này không phải chuyện dễ dàng với 3 thách thức thường trực: mặt bằng, con người và niềm tin.

Đọc E-paper

Mạnh tay đầu tư cơ sở vật chất lẫn nhân lực, các trường mầm non tư thục chất lượng cao đang ở trong tình trạng kín chỗ. Nhu cầu gửi trẻ đến nay vẫn vượt so với khả năng phục vụ của cả hệ thống trường mẫu giáo công cũng như tư.

Tăng lượng

Trung tuần tháng 8, còn đến 3 tuần nữa mới đến thời điểm khai giảng năm học 2015 - 2016, nhưng hầu hết việc tuyển sinh vào các trường mẫu giáo đã hoàn tất từ cuối tháng 7/2015.

"Liên tục trong vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh của trường đã gắn liền với danh sách chờ", bà Đỗ Quỳnh Châu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, chia sẻ.

Hoạt động từ năm 2007, Trường Mầm non Ánh Dương là một trong những cái tên tạo được uy tín với phụ huynh khu vực TP.HCM.

Cả hai cơ sở, một ở đường Trương Định và một ở đường Nguyễn Thông, trường có hơn 400 học viên với 22 lớp, nhưng lượng nhân viên của trường đã lên đến hơn 140 người.

Bình quân, một nhân lực của trường phục vụ 3 bé. Chỉ riêng bộ phận y tế, số nhân lực đã là 5 người. Bà Châu tiết lộ: "Đòi hỏi của phụ huynh hiện nay rất cao.

>>Trung Quốc: chạy đua vào mầm non

Đầu tư nhân lực như thế mới có thể đảm bảo môi trường an toàn, yếu tố cốt lõi để tạo niềm tin cho phụ huynh - khách hàng của trường". Theo vị hiệu trưởng này, nhân lực là yếu tố cốt lõi và cũng đang là thử thách lớn trong vận hành trường mầm non.

Khác với hệ thống trường công, nhân sự ở các trường mẫu giáo tư thục không ổn định. Nguyên nhân một phần vì những người xin vào các trường tư thường là ngoại tỉnh, không ổn định chỗ ở.

Phần khác thì muốn thử thách ở nhiều môi trường khác nhau. "Đặc thù ngành nghề này áp lực làm việc rất cao, tuyển vào đã khó, mất thời gian lẫn chi phí huấn luyện nhưng giữ chân nhân lực vẫn rất khó khăn", bà Châu chia sẻ.

Bù chất

Trung bình, học phí của Trường Ánh Dương dao động từ 7 đến hơn 9 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào độ tuổi và bé có dùng suất ăn chiều hay không.

Đây được xem là mức học phí "chuẩn" trong phân khúc các trường tư thục chất lượng cao. Ở các trường như Bé Ong Sài Gòn, Hạt Đậu Nhỏ hay KidCity... mức học phí còn nhỉn hơn, trung bình lên đến 12 triệu đồng/tháng.

Có trường học phí phải đóng theo 3 tháng/ lần. Dù vậy, số lượng học sinh ở các trường đều đã đạt mức cao nhất. Hai năm sau ngày khai trương, Bé Ong Sài Gòn cũng như KidCity... đã có chi nhánh thứ hai.

Điều đặc biệt là các trường vẫn đang trong hành trình tìm mặt bằng để mở rộng thêm chi nhánh. Điều này cho thấy, nhu cầu thị trường hiện đang cực lớn.

>>Thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non

Đại diện Công ty CP Giáo dục Liên Minh Bách Khoa, đơn vị hiện đang kinh doanh 6 trường mầm non trên địa bàn TP.HCM, trong đó có một trường quốc tế cho biết, chỉ cần trường đảm bảo được chất lượng, tạo được niềm tin từ phía phụ huynh thì việc quy tụ 200 đến 300 học sinh trong năm đầu tiên là có khả năng.

"Dù mức thu học phí khá cao so với mặt bằng chung nhưng nếu đầu tư đúng chuẩn về cơ sở vật chất với học cụ, vườn cây, sân chơi, phòng học theo phương pháp Montessori thì tính ra, nhà trường thu vẫn chưa đủ bù chi", bà Đỗ Quỳnh Châu khẳng định.

Thách thức lớn nhất là vấn đề mặt bằng. Phần lớn phụ huynh có nhu cầu gửi con ở các trường ở các quận trung tâm để tiện việc đưa đón. Tuy nhiên, cũng như giá đất và giá thuê đất ở những khu vực này, tìm được một mặt bằng đủ rộng để xây trường là không đơn giản.

Trường Ánh Dương tìm được địa điểm thuận lợi để mở cơ sở 2 tại góc đường Nguyễn Thông, Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM nhưng chủ đất chỉ đồng ý cho thuê trong vòng 10 năm.

Kinh phí xây dựng trường lớn, ngần ấy thời gian rõ ràng chưa đảm bảo được cho trường an toàn trong hoàn vốn.

Bà Trần Thị Kiều Ánh - Phó hiệu trưởng Trường Ánh Dương bộc bạch: "Chúng tôi đầu tư vào giáo dục, rất mong tìm được quỹ đất của thành phố để có thể đầu tư lâu dài, nhưng đã bỏ rất nhiều thời gian tìm mà vẫn chưa được".

Tham khảo chương trình đào tạo của các trường tư thục chất lượng cao, có thể nhận thấy sự khác biệt trong phương pháp đào tạo.

>>VBL tài trợ xây dựng trường mầm non trị giá 11 tỷ đồng

Dù ở lứa tuổi mẫu giáo nhưng giáo trình của các trường đều có rèn luyện kỹ năng sống, âm nhạc, tìm hiểu thiên nhiên và các chương trình sinh hoạt dã ngoại...

Bà Lê Thị Phương Thảo - Giám đốc Điều hành, Trường Mầm non Hạt Đậu Nhỏ, cho biết, vì là lứa tuổi mẫu giáo nên việc đầu tư, tổ chức các hoạt động ngoại khóa đòi hỏi sự chỉn chu từ phía nhà trường lớn hơn nhiều lần so với các khối lớp lớn.

Tuy nhiên, đây chính là phương pháp giáo dục trực quan tốt cho sự phát triển cho trẻ và cũng là lợi thế cạnh tranh của Trường.

14.000 trường

Báo cáo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho thấy, mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng, phát triển nhanh trong những năm gần đây.

Năm học 2013 - 2014, cả nước đã có trên 14.000 trường mầm non, tăng gần 400 trường so với năm học 2012 - 2013, tăng trên 1.200 trường so với năm học 2009 - 2010.

Trong đó, số trường mầm non công lập hiện có là 12.400 trường, chiếm đến 87,8% tổng số trường.

Loại hình dân lập và tư thục là trên 1.700 trường, chiếm tỷ lệ 12,2%.

Riêng ở TP.HCM, tỷ lệ khối mầm non tư thục lại chiếm trên 54%.

Sự đóng góp của tư nhân đã khiến bức tranh giáo dục mầm non ở địa bàn này nổi trội hơn cả.

>>Trường tư giải cứu nền giáo dục các nước nghèo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư trường mầm non: So kè "lượng" và "chất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO