Đầu tư trường mầm non: Ba thách thức, một giấc mơ

PHƯƠNG QUYÊN - Ý NHI| 30/08/2015 06:21

Ba sai lầm lớn nhất khiến NĐT trường mầm non lỗ nặng là chọn sai địa điểm, cơ sở vật chất thiếu thốn, độ chêch lệch lứa tuổi giữa các bé khác nhau...

Đầu tư trường mầm non: Ba thách thức, một giấc mơ

Do nhu cầu lớn nên các trường mầm non tư thục được mở ra ngày càng nhiều. Song, không phải nhà đầu tư nào cũng có lời giải cho bài toán "lợi nhuận".

Đọc E-paper

Lợi nhuận tốt

Một chuyên gia ngành giáo dục tính toán, với quy mô một trường mầm non quy mô nhỏ, khoảng dưới 20 học sinh, mức chi phí cơ sở vật chất ban đầu khoảng 200 triệu đồng, các bé ăn ba bữa, nếu mức học phí khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng một tháng, lương giáo viên tối đa 5 triệu đồng/ tháng thì chỉ sau một năm nhà đầu tư sẽ thu lại vốn.

Đơn cử, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giáo dục, chị Nguyễn Lê Ái Vị đã vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM để thuê nhà, mua sắm thiết bị, học cụ mở Trường Mầm non Cầu Vồng.

Mới đầu Trường chỉ có dăm cháu, đến nay với số vốn đầu tư đã tăng lên 450 triệu đồng, đã có 100 bé đang theo và với số lượng học sinh này, trường đã bắt đầu có lãi.

Hoặc như Trường Mầm non Khánh Hội tại cao ốc 360 Bến Vân Đồn đi vào hoạt động 6 năm, nhưng theo bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Mầm non Khánh Hội (Trường Mầm non Khánh Hội), trường chỉ lỗ năm đầu, năm thứ hai hòa vốn và bắt đầu có lãi từ năm thứ ba.

>>Trường tư giải cứu nền giáo dục các nước nghèo

Với sĩ số khoảng 300 trẻ, Trường đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra (công suất tối đa khoảng 380 trẻ). Doanh thu của Trường năm 2013 đạt hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 3 tỷ đồng, trong đó 50% lợi nhuận được trích cho quỹ phúc lợi của nhà trường.

Đại diện Trường Kidzone cho biết, chi phí đầu tư về vật chất, tiền cọc nhà khoảng 4,5 tỷ đồng, nếu có khoảng 130 học sinh là có lãi. Và khoảng hai năm rưỡi là Kidzone đã thu vốn, dù ở khu vực Q.2 có mấy chục trường mầm non.

Một nhà đầu tư của Trường Mầm non Bầu trời Xanh cũng cho biết, sau khi đưa vào kinh doanh hai trường mầm non ở các khu căn hộ cao cấp, hiệu quả tốt. Bầu Trời Xanh đang muốn mở thêm 4 - 5 trường nữa ở các khu căn hộ mới, cao cấp hơn hệ thống trường cũ.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, lợi nhuận từ kinh doanh giáo dục chỉ nằm ở mức trung bình và chấp nhận được đối với một nhà đầu tư. Bởi để đạt lợi nhuận cao thì phải nâng doanh thu hoặc tiết giảm chi phí.

Nhưng muốn nâng doanh thu thì trường phải đủ chuẩn để nâng giá học phí. Rồi giảm chi phí là giảm đầu tư cơ sở vật chất, giảm lượng giáo viên... Như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của trường.

>>Học sinh châu Á: Khôn và lanh

Rủi ro cao

Mặc dù đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng đầu tư vào trường mầm non cũng không ít rủi ro. Qua tìm hiểu đã có nhiều trường mầm non đầu tư rất lớn nhưng do số lượng học sinh không đủ khiến chi phí vận hành bị đội lên nên đã bị thua lỗ nhiều năm.

Đơn cử một trường mầm non ở quận Tân Bình, dù rất lớn, nhưng sau 2 năm hoạt động vẫn chỉ có 45 cháu, học phí 2,8 triệu đồng/cháu không đủ chi nên hiện vẫn lỗ.

Hay như Trường Mầm non KinderStar nằm tại Phú Mỹ Hưng dự kiến sẽ nhận khoảng 600 học sinh nhưng hiện vẫn chưa đủ số lượng. Với phí thuê đất lớn, Trường Mầm non quốc tế Ivy Kids ở Tân Bình cũng trong tình trạng tương tự.

Bên cạnh đó, một cạnh tranh không lành mạnh là việc giành giật giáo viên đến bảo vệ, lao công... Thậm chí, có trường công bố có bao nhiêu giáo viên trường khác qua đều nhận hết.

>>Thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non

Việc cạnh tranh càng căng thì giáo viên càng đòi hỏi nhiều hơn, như lương cao, nhảy việc dễ. Bên cạnh đó, để thu hút học sinh thì các trường phải liên tục đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi để tránh sự xuống cấp.

Từng thất bại về mô hình này, một nhà đầu tư cho biết: "Ba sai lầm lớn nhất khiến tôi lỗ nặng là chọn sai địa điểm, cơ sở vật chất thiếu thốn, độ chêch lệch lứa tuổi giữa các bé khác nhau dẫn đến việc thu hút trẻ cũng như nhân sự chăm sóc thiếu đồng đều. Muốn đầu tư vào giáo dục mầm non hiệu quả thì phải là người trong nghề.

Một số nhà đầu tư thất bại vì không quản lý được bếp ăn trong trường mầm non, đây là vấn đề nhiêu kê vì bếp luôn có tình trạng ăn bớt, từng khâu phải giám sát rất kỹ, ví dụ như khâu bảo quản thực phẩm, rửa thực phẩm, chén bát nếu không sạch trẻ ăn sẽ bị đau bụng. Đó cũng là lý do hiện nay việc mở chuỗi hệ thống trường mầm non rất khó.

Bà Hạnh cũng cho rằng, kinh doanh trường mầm non tại TP.HCM cũng chỉ có vài khu vực là thành công. Bởi chỉ cần chọn sai địa điểm, bài toán lợi nhuận sẽ khó đạt.

Bà Hạnh khẳng định, khi quyết định đầu tư vào giáo dục thì quan trọng nhất là vị trí định đầu tư.Thứ hai là khâu vận hành, quản lý, người điều hành phải giỏi cả chuyên môn, quản lý, đào tạo, giám sát.

>>Đầu tư trường mầm non: So kè "lượng" và "chất"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư trường mầm non: Ba thách thức, một giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO