Đầu tư tại Campuchia: Đều là dự án lớn

MẠNH DƯƠNG| 30/12/2009 08:23

Kim ngạch thương mại 2 tỷ USD sớm đạt được trong năm 2009 và ít nhất có 6 tỷ USD của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được đầu tư vào Campuchia trong 5 năm tới...

Đầu tư tại Campuchia: Đều là dự án lớn

Kim ngạch thương mại 2 tỷ USD sớm đạt được trong năm 2009 và ít nhất có 6 tỷ USD của doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ được đầu tư vào Campuchia trong 5 năm tới, càng thấy sức thu hút của đất nước này đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không còn trở ngại cần giải quyết, đặc biệt là về thương mại.

Ngày 26/12, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Campuchia tại TP.HCM với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, thu hút 600 DN tham dự. Trước đó một ngày, Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia với các thành viên tên tuổi như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)... cũng chính thức
ra mắt.

Những dự án tiên phong

Công ty cổ phần Quốc tế 5 sao ký kết hợp tác đầu tư tại Campuchia

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV kiêm tân Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, dẫn chứng về mức tăng đầu tư quá nhanh vào Campuchia: “Nếu như đến hết năm 2007, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Campuchia mới chỉ đạt 228 triệu USD, đứng thứ 10 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại đây, thì trong hai năm 2008-2009, tổng giá trị đầu tư đã đăng ký và được cấp phép là gần 800 triệu USD, với 64 dự án, một dự án đầu tư trung bình 14,2 triệu USD. Campuchia hiện là một trong ba quốc gia dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Có thể nhận thấy, giai đoạn 2008-2009, các dự án đầu tư vào Campuchia có thành công bước đầu, đa phần là dự án lớn, do các tập đoàn, tổng công ty đầu tư. Chẳng thế mà sau khi đi tiên phong đầu tư mạng viễn thông tại Campuchia, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa quyết định tăng vốn đầu tư từ 27 triệu USD lên 150 triệu USD. Hiện Viettel đã trở thành nhà cung cấp mạng di động hàng đầu tại xứ Chùa Tháp.

Sự thành công của Viettel ở lĩnh vực viễn thông đã trở thành động lực cho không ít DN lớn của Việt Nam. Trong năm 2009, hàng loạt dự án đã được triển khai tại Campuchia với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, như dự án thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Campuchia của BIDV và Công ty Phương Nam trị giá 100 triệu USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký hợp tác khảo sát, thăm dò dầu khí lô 15 tại Biển Hồ, ký dự án thủy điện Stung Treng công suất 980MW giữa Tổng cục Tài nguyên khoáng sản Campuchia với tổ hợp nhà thầu do Idico chủ trì, cấp giấy phép thăm dò mỏ bauxite cho Công ty liên doanh Alimina (Việt Nam - Campuchia) ở tỉnh Moldulkiri...

Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), cho biết, trước mắt Petro Vietnam sẽ chi 100 triệu USD thăm dò lô 15 tại Biển Hồ. Đến khi khai thác sẽ đầu tư tiếp hàng trăm triệu USD. Petro Vietnam cũng sẽ đẩy mạnh phân phối xăng dầu, hiện đạt khoảng 100.000 tấn/năm với doanh thu hơn 50 triệu USD, và đang chuẩn bị phân phối phân đạm Phú Mỹ, phấn đấu đến năm 2015 trở thành đơn vị phân phối phân bón lớn nhất tại Campuchia.

Riêng dự án bauxite được chờ đợi sẽ là cú hích về đầu tư của DN Việt Nam vào Campuchia với vốn đầu tư giai đoạn một khoảng 2,5 tỷ USD và giai đoạn hai khoảng 3,5 tỷ USD.

Tiếp tục những dự án lớn

Là người có kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại thị trường Campuchia, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, Campuchia là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt là dành cho nhà đầu tư dài hạn, có vốn lớn. Tại đây, có ba lĩnh vực mũi nhọn DN có thể đầu tư là khai khoáng, trồng cây công nghiệp lâu năm, đặc biệt là cao su và thủy điện. Kế hoạch của Hoàng Anh Gia Lai là đầu tư trồng 50.000ha cây cao su tại ba nước Đông Dương; trong hai năm tới sẽ triển khai trồng 20.000ha cao su tại Campuchia. Theo ông Đức, đây là giai đoạn rất thuận lợi để đầu tư vào Campuchia vì nước này đang trong giai đoạn phát triển, tính cạnh tranh còn hạn chế. Hơn nữa, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư lại nhanh (khoảng 15 ngày). Với ba lĩnh vực này, Hoàng Anh Gia Lai sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD vào Campuchia. Hầu hết sản phẩm sau khai thác sẽ nhắm vào mục tiêu xuất khẩu.

Đúng là đầu tư vào Campuchia thời điểm này ít có cơ hội cho các DN nhỏ, bởi phần lớn dự án liên quan đến sản xuất. Điều này được chứng minh bằng một loạt dự án vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp phép trong đợt này, trong đó các dự án nông, lâm nghiệp và chế biến chiếm đa số, với mức vốn đầu tư khá lớn.

Điển hình là dự án thành lập Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Campuchia - Việt Nam trị giá 30 triệu USD, chuyên thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Công ty cổ phần Quốc tế 5 sao cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phân bón trị giá 65 triệu USD tại tỉnh Kandal.

Công ty cổ phần Cao nguyên Đông Dương với dự án trồng 17.000ha cao su và cây công nghiệp trị giá 26,2 triệu USD tại tỉnh Moudoulkiri. Công ty cổ phần Đường Bình Định có dự án thành lập Công ty Kamadheru Venture trị giá 75 triệu USD, đầu tư một nông trường trồng mía 10.000ha tại tỉnh Kratie, sản xuất 3.500 tấn đường/ngày, 30.000 lít nguyên liệu Ethanol/ngày, sản xuất điện công suất 20MW...

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quốc tế 5 sao cho rằng: "Từ trước đến nay, ngành nông nghiệp Campuchia sử dụng phân bón của nhiều nước và không có đầu mối nhất định. Đây là cơ hội để chúng tôi khởi công dự án nhà máy phân bón tại Campuchia, với công suất 350.000 tấn/năm".

Ngoài nông, lâm nghiệp, một loạt các dự án thuộc các lĩnh vực khác cũng được cấp phép trong dịp này, như Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái xây dựng nhà máy ván MDF trị giá 9 triệu USD, công suất 50.000m3/năm, dự án bệnh viện Chợ Rấy - Phnom Penh trị giá 27,3 triệu USD...

Theo ông Trần Bắc Hà, cơ hội nhận thêm dự án đầu tư tại Campuchia còn rất lớn. Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ Campuchia giao cho nhà đầu tư Việt Nam khảo sát các dự án thủy điện còn lại tại ba tỉnh Mundulkiri, Ratanakari và Stung Treng mà trước đây đã cấp giấy phép hoặc ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư nước khác, nhưng đã hết thời hiệu hoặc nhà thầu thiếu năng lực. Đề nghị Chính phủ Campuchia giao hoặc hỗ trợ để nhận thêm từ 300.000ha - 500.000ha đất trồng cây cao su cho các DN Việt Nam, đặc biệt là đất trồng rừng tại tuyến biên giới Campuchia - Việt Nam...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc (phải) và Bộ trưởng Cao cấp, Bộ trưởng Thương mại, Phó Chủ tịch thứ hai Hội đồng phát triển Campuchia Cham Prasidh trao văn bản ký kết ghi nhớ về xúc tiến đầu tư

THỦ TƯỚNG CAMPUCHIA, SAMDECH HUN SEN: CAMPUCHIA MỞ CỬA CHO ĐẦU TƯ MỌI LĨNH VỰC

Chính phủ Hoàng gia Campuchia coi lĩnh vực kinh tế tư nhân là đầu tàu để tăng trưởng. Từ năm 1999, Chính phủ đã tổ chức diễn đàn đối thoại với DN tư nhân hai lần trong năm, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, để tìm hiểu và giải quyết mọi vấn đề cụ thể trong sản xuất, kinh doanh của tư nhân. Đến nay, diễn đàn này đã diễn ra 14 lần, trong đó Chính phủ đã giải quyết được nhiều vấn đề còn gây trở ngại cho công việc kinh doanh và đầu tư ở Campuchia. Tôi khuyến khích các nhà DN Việt Nam đang và sẽ đầu tư vào Campuchia tham gia các diễn đàn này.

Campuchia thực hiện chính sách kinh tế mở, không phân biệt là nhà đầu tư Campuchia hay nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi mở cửa trong tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông. Các lĩnh vực này nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 100% vốn.

THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: TẠO MỌI ĐIỀU KIỆN CHO DN VIỆT NAM
ĐẦU TƯ TẠI CAMPUCHIA

Việt Nam hiện có 457 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 7,2 tỷ USD. Nhưng chỉ riêng các dự án sắp ký kết tới đây giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt hơn 6 tỷ USD. DN Việt Nam và Campuchia có nhiều thuận lợi vì hai nước giáp nhau, với trên 70 cửa khẩu, trong đó có 9 cửa khẩu quốc tế. Thời gian tới, hai bên cần hoàn thiện thêm hệ thống pháp lý để tạo điều kiện cho thương mại phát triển, đặc biệt sửa đổi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư. Đồng thời tiến hành ký kết một số văn bản pháp lý mới, như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Hợp tác lao động, Tương trợ tư pháp.

Phía Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sang đầu tư tại Campuchia. Đề nghị Thủ tướng Samdech Hun Sen giao cho Hội đồng Phát triển Campuchia và Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam phối hợp chặt chẽ và thường xuyên làm việc với Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho DN.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư tại Campuchia: Đều là dự án lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO