Đầu tư lĩnh vực hạ tầng: Cơ hội cho khu vực tư nhân

HẢI ÂU - NGUYÊN BẢO| 16/07/2015 03:21

Đây được xem là lĩnh vực màu mỡ nhưng không dành cho những doanh nghiệp thiếu tiền và yếu kinh nghiệm.

Đầu tư lĩnh vực hạ tầng: Cơ hội cho khu vực tư nhân

Nửa đầu năm 2015, hàng loạt doanh nghiệp (DN) tư nhân đã công bố hoặc có đề xuất cụ thể về việc tham gia đầu tư, chuyển nhượng quyền khai thác đối với những công trình hạ tầng, cụ thể là hạng mục đường sắt, ga hàng không, cảng, đường cao tốc... Đây được xem là lĩnh vực màu mỡ nhưng không dành cho DN thiếu tiền, yếu kinh nghiệm.

Đọc E-paper

Nếu xét về mức độ quan tâm, có thể xem những diễn biến gần đây đã tạo nên làn sóng thứ hai DN tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.

Trước đó, cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) giai đoạn 2006 - 2007, một số DN đã bước chân vào lĩnh vực này dù không ít DN đã phải nói lời chia tay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần từ 16 - 17 tỷ USD/năm cho phát triển hạ tầng, trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% và đây là cơ hội cho khu vực tư nhân.

Thống kê sơ bộ từ đầu năm 2015 đến nay, đã có hàng chục đề xuất của khu vực DN tư nhân thể hiện ý định đầu tư, khai thác các dự án hạ tầng, thuộc nhiều phân khúc khác nhau, từ cảng hàng không, nhà ga hành khách, đường sắt cho đến đầu tư đường cao tốc.

Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), vào ngày 29/4, thông qua đơn vị thành viên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch, Vingroup đã khởi công Cảng Hành khách Quốc tế Phú Quốc (quy mô 179,3ha tại thị trấn Dương Đông).

>>Tư nhân đầu tư hạ tầng: Sân chơi rộng, người chơi phải mạnh

Theo đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện và trực tiếp quản lý điều hành dự án phần vốn BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), với giá trị là 493 tỷ đồng, tương đương với 30% tổng vốn đầu tư (gồm bến tàu, cầu dẫn, các hạng mục phụ trợ...).

Một trong những mục đích của công trình là tiếp nhận tàu khách quốc tế trọng tải đến 225.000GT, sức chở 5.000 - 6.000 hành khách, nhằm kích thích kinh tế, du lịch của Phú Quốc phát triển.

Song song với việc đầu tư Cảng Hành khách ở Phú Quốc (Kiên Giang), cũng trong tháng 4 vừa qua, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) mong muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng.

Trên thực tế, đây là 3 ga có lưu lượng hành khách lớn nhất, án ngữ tại 3 đầu tàu kinh tế của khu vực Bắc - Trung - Nam. Phía Vingroup chưa đưa ra bình luận cụ thể về những khoản đầu tư này.

Trong khi Vingroup nhắm đến nhà ga thì ngay trong cuộc họp về vấn đề xã hội hóa đường sắt vào tháng 4, tập đoàn Sun Group đã đề xuất với Bộ GTVT về việc đầu tư mua mới 20 toa xe, trang bị nội thất hiện đại và tối ưu hóa dịch vụ cho các đoàn tàu chạy trên các tuyến du lịch Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng và Hà Nội - Lào Cai.

Đây là những tuyến có lưu lượng khách du lịch lớn, hơn nữa, Sun Group cũng đang sở hữu nhiều dự án về du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực miền Trung, điển hình là Đà Nẵng. Cho nên, việc đầu tư những tuyến trên sẽ mang đến thành phố này lượng khách không nhỏ.

>>CII có kế hoạch mua thêm dự án hạ tầng giao thông

Không chỉ lĩnh vực đường sắt, nhiều tên tuổi lớn đã "lộ diện" khi lĩnh vực hàng không khởi xướng tiến trình xã hội hóa, huy động nguồn lực tư nhân để khai thác hiệu quả các công trình hiện hữu, cũng như mở rộng, xây mới các hạng mục cảng, nhà ga hành khách.

Đáng chú ý như trường hợp Tập đoàn Rạng Đông (DN địa phương tại Bình Thuận) đã tham gia đầu tư sân bay Phan Thiết (trong đó có nhà ga hành khách, công suất tối đa 300 hành khách vào giờ cao điểm, đường cất hạ cánh...).

Tổng vốn đầu tư của dự án này ở vào khoảng 1.600 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT và dự kiến sẽ đưa vào khai thác năm 2018.

Xét về tiềm lực, Rạng Đông là DN tư nhân xây lắp hạ tầng lớn nhất tại Bình Thuận, ngoài lĩnh vực khai khoáng, trồng rừng, hạ tầng giao thông, công ty này còn là chủ đầu tư của nhiều dự án BĐS lớn như: khu nghỉ dưỡng phức hợp Sea Link City 154ha, khu đô thị du lịch biển Phan Thiết 62ha...

Việc đầu tư sân bay không chỉ tăng lợi thế cạnh tranh cho du lịch Bình Thuận mà theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Rạng Đông, sẽ tạo ra giá trị cộng thêm, tạo sức lan tỏa cho các dự án mà DN này đầu tư.

Hay vào cuối quý I/2015, tập đoàn Sun Group đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chọn làm nhà đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không Quảng Ninh (quy mô một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách có công suất 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm) theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư gần 7.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng hai năm và lợi nhuận của nhà đầu tư).

Trước khi Sun Group trở thành "chủ nhân" của dự án, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước theo đuổi dự án, trong đó có Joinus Việt Nam, Posco E&C và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC).

Được biết, Sun Group cũng là chủ đầu tư nhiều dự án du lịch lớn ở Quảng Ninh, cụ thể là tổ hợp dự án Công viên Đại Dương (TP.Hạ Long) với quy mô vốn 6.000 tỷ đồng và Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp 730ha tại TP. Cẩm Phả, với tổng vốn 3.500 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đầu tư xây mới, hình thức nhượng quyền khai thác các cảng hàng không, nhà ga hành khách cũng là "miếng bánh" ngon thu hút nhiều DN.

>>Việt Nam tăng 16 bậc xếp hạng về hạ tầng giao thông

Theo đó, vào quý I/2015, "bầu Hiển" (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T) đã đề xuất với Bộ GTVT nhượng quyền khai thác Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc.

Với công trình này, còn chứng kiến sự xuất hiện của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) trong vai trò nhà đầu tư đề xuất được khai thác như T&T.

Riêng trong tháng 6 vừa rồi, đã có hai liên danh nhà đầu tư bày tỏ ý định đầu tư mở rộng nhà ga hành khách tại các cảng hàng không.

Chẳng hạn, Liên danh nhà đầu tư gồm Công ty CP Việt Xuân Mới và Công ty CP Tập đoàn Đức Bình đã đề xuất lên Bộ GTVT phương án đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư khái toán 1.980 tỷ đồng (chưa tính lãi vay).

Liên danh này cũng đã đưa ra 2 phương án gồm: huy động nguồn vốn khu vực tư nhân trong nước theo hình thức BOT và thành lập DN dự án. Hoặc thành lập công ty CP, trong đó có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Ngoài ra, ACV cũng đang là nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ga hành khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cùng các nhà đầu tư khác là Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) nghiên cứu triển khai dự án.

Khác với lĩnh vực hàng không chỉ mới nhen nhóm chưa đầy một năm trở lại đây, hạng mục hạ tầng giao thông đường bộ từ lâu đã thu hút nhiều DN tư nhân bỏ vốn vào.

Ngay như TP.HCM, tháng 9/2002, UBND TP đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII).

Nếu Rạng Đông là "cánh chim đầu đàn" của tỉnh Bình Thuận về đầu tư hạ tầng giao thông thì CII là DN chủ lực của TP để thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng tại TP.HCM (hiện, trong cơ cấu cổ đông của CII, đại diện phần vốn nhà nước là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước - HFIC đang nắm 11,1% vốn điều lệ).

Tính đến nay, chỉ riêng TP.HCM, công ty này đã và đang thực hiện khoảng 8 dự án hạ tầng giao thông theo nhiều hình thức, từ BOT đến BT (xây dựng - chuyển giao).

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông, vài năm trở lại đây, CII đã mở rộng địa bàn đầu tư ra các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và mới đây là tham gia vào liên danh đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (là một phần của tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, nay chỉ mới đưa vào sử dụng phân đoạn TP.HCM - Trung Lương), với tổng mức đầu tư lên đến gần 15.000 tỷ đồng (dự kiến hoàn thành năm 2018 và thời gian thu phí hoàn vốn trong vòng 20 năm).

>>Việt Nam nên đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư lĩnh vực hạ tầng: Cơ hội cho khu vực tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO