Đầu tư hạ tầng cho 4G: Không lãng phí

PHƯƠNG QUYÊN - ĐẶNG QUÝ YÊN| 17/08/2016 08:31

5G là công nghệ giúp con người kết nối với vạn vật, trong đó, 4G là nền tảng. Như vậy, khoản đầu tư hạ tầng cho 4G sẽ không lãng phí.

Đầu tư hạ tầng cho 4G: Không lãng phí

Sau thời gian thử nghiệm, các nhà mạng tại Việt Nam dường như đã sẵn sàng để thi triển công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ tư (4G) vào thực tế. Lợi thế đi sau thế giới đã giúp họ có những chuẩn bị tốt hơn về mặt công nghệ lẫn kinh nghiệm. Đây là bước cần thiết để tiến lên 5G, đáp ứng xu hướng Internet of Things (Internet kết nối vạn vật, hay Internet kết nối mọi thứ) đang đến gần. 

Đọc E-paper

Ngay khi các nhà mạng thế giới thử nghiệm 4G, việc quy hoạch băng tần cho dịch vụ này đã được Nhà nước thực hiện. Tính đến cuối tháng 7/2016, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone đã thử nghiệm có kết quả tốt dịch vụ 4G. Riêng khoản thiết bị trang bị công nghệ này thì cũng đã có mặt gần như đầy đủ và giá thành tương đối rẻ.

Tất cả đã sẵn sàng cho 4G. Vậy mà đã bước qua quý III nhưng việc đưa 4G vào đời sống vẫn chưa thành hiện thực.

Thời điểm chín muồi

Tháng 7/2016, Tổng công ty Viễn thông Mobifone chính thức ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc - Nam. Mạng truyền dẫn mới này được trang bị công nghệ tiên tiến, tốc độ lên đến 300 Gbps và có tính bảo mật cao.

Đây được xem là bước chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai 4G trong thời gian tới. Bởi việc làm chủ đường trục truyền dẫn giúp MobiFone cung cấp các dịch vụ băng thông rộng trên nền di động tốc độ cao tới hơn 25 tỉnh thành khắp cả nước.

Theo ông Anthony McLachlan - TGĐ Ciena châu Á Thái Bình Dương, với mạng truyền dẫn này, Mobifone có thể cung cấp dịch vụ linh hoạt theo yêu cầu khi nhu cầu băng thông tiếp tục gia tăng ở Việt Nam, cả ở trong các dịch vụ dữ liệu, thoại, video và dịch vụ truyền hình cáp...

"Chúng tôi đầu tư mạng truyền dẫn này để có thể nắm quyền chủ động trong việc xây dựng, phát triển những sản phẩm dịch vụ mới", ông Lê Nam Trà - Chủ tịch Tập đoàn Mobifone cho biết.

Rõ ràng, với khoản đầu tư này, Mobifone đã cho thấy quyết tâm trong cạnh tranh dịch vụ 4G sắp tới, dù là nhà mạng sau cùng triển khai thử nghiệm.

Trước đó, Viettel và Vinaphone đã nhanh chân hơn. Hai nhà mạng này đã thử nghiệm 4G từ đầu năm 2016. Tại lễ khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G, đánh giá về tiềm năng của dịch vụ 4G, ông Lương Mạnh Hoàng - Chủ tịch Tổng công ty VNPT Vinaphone cho biết: "4G là công nghệ hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới về dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.

Bên cạnh những trải nghiệm khác biệt đối với người sử dụng, 4G còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho doanh nghiệp..." Theo vị này, Vinaphone đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ để đưa 4G đến với người dùng.

Chia sẻ kết quả về việc thử nghiệm 4G đồng loạt tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trong tháng 5 và tháng 6/2016, đại diện Mobifone cho biết, hiện kết quả thử nghiệm khá tốt, tốc độ truyền dẫn lên đến 225 Mbps/75Mbps. Kết quả cũng tương tự với 2 nhà mạng còn lại.

"Trong năm qua, băng tần đã được Nhà nước quy hoạch xong, các nhà mạng cũng đã thử nghiệm và có kết quả tốt đối với dịch vụ 4G, thiết bị trang bị công nghệ này cũng đã có mặt gần như đầy đủ. 2016 là thời điểm chín muồi cho việc triển khai 4G tại Việt Nam. Tất cả đang đợi quyết định triển khai từ phía Nhà nước", Tiến sĩ Thiều Phương Nam - TGĐ Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia nhận định.

Bước đệm qua 5G

Công nghệ 4G mang lại khả năng truyền dẫn dữ liệu cao. Tốc độ load dữ liệu của 4G có thể cao hơn 10 - 20 lần so với 3G. Điều này mở ra cơ hội trải nghiệm tốt hơn những tiện ích đang được dùng nhiều hiện nay, như xem video trực tuyến, chia sẻ hình ảnh, cập nhật thông tin và nhất là ứng dụng các dịch vụ trực tuyến.

Sau khi mạng 4G LTE được thương mại hóa đến nay, 4G LTE đã trở thành công nghệ mang lại nguồn doanh thu chính cho các nhà mạng. Tổng số thuê bao 4G trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 1,1 tỷ lên 1,9 tỷ trong năm 2016 và đạt tới 5,6 tỷ vào cuối năm 2022. Công bố của Hãng Nghiên cứu thị trường Strategy Analytics (SA) cho thấy, hiện số lượng mạng 4G LTE thương mại hóa đã vượt trên 500.

Cũng theo SA, tổng doanh thu dịch vụ không dây sẽ đạt mức cao nhất vào năm 2019 với khoảng 882 tỷ USD. Riêng công nghệ 5G, các chuyên gia dự báo sẽ có thể ứng dụng vào năm 2020.

Tuy nhiên, ngay khi 4G còn chưa ra mắt ở Việt Nam thì ngành công nghiệp không dây thế giới đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của công nghệ 5G. Có lo lắng rằng việc đầu tư 4G lúc này là lãng phí, rằng "sao không tiến thẳng lên 5G?".

Ông Thiều Phương Nam chia sẻ: "Cũng như 3G, 4G là bước chuẩn bị tất yếu, tiền đề phải có thì mới triển khai được 5G. Chúng ta không thể bỏ qua giai đoạn này". Khác với công nghệ cũ, dùng để kết nối con người với nhau, 5G là công nghệ giúp con người kết nối với vạn vật (IoT - Internet Of Things) trong đó, 4G là nền tảng. Như vậy, khoản đầu tư hạ tầng cho 4G (tốc độ phủ chỉ còn 3 - 4 năm, nhanh hơn hẳn so với 3G là 6 năm) cũng sẽ không lãng phí.

Theo ông Nam, 4G mang lại cơ hội cho tất cả thành phần trong hệ sinh thái di động, từ nhà mạng, đơn vị phát triển ứng dụng cho đến các đơn vị cung cấp nội dung số. Đơn cử, doanh thu từ 4G cho nhà mạng sẽ tăng khoảng 50% so với 3G. "Đây là thời điểm lý tưởng cho các doanh nghiệp thiết lập lại mô hình kinh doanh, đón những thay đổi mà 4G có thể mang lại", ông Nam chia sẻ.

Riêng với các nhà mạng, 4G dù nhiều tiềm năng nhưng cũng sẽ là một thách thức bởi sự kỳ vọng của người dùng đang rất lớn. Lợi thế đi sau giúp nhà mạng Việt Nam tiến thẳng đến 4G LTE Advance, bỏ qua giai đoạn ban đầu nhưng hạ tầng chung của cả nước vẫn chưa thực sự hoàn hảo, khó tránh những bất cập như tín hiệu yếu, chỗ có chỗ không...

Sau khi ứng dụng vào đời sống, nhà mạng buộc phải nỗ lực tối ưu các dịch vụ mới có thể làm hài lòng người dùng. Công việc này tất nhiên là kéo dài nhiều năm sau đó!

>Thành phố “không dây”

>Internet of Things - IoT: Cuộc đua ngàn tỷ USD

>[Infographic] "Cuộc chơi" IoT sẽ bùng nổ vào 2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư hạ tầng cho 4G: Không lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO