Đầu tư giáo dục: Tiền tỷ cho bài học nhập môn

LỮ Ý NHI| 15/08/2014 08:37

Rủi ro thấp và khả năng sinh lợi cao, giáo dục đang trở thành đích nhắm của nhiều nhà đầu tư. Song, không ít doanh nghiệp kỳ vọng vào lĩnh vực này đã phải bỏ cuộc hoặc tìm thêm đối tác, tạo nên thị trường góp vốn và mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động.

Đầu tư giáo dục: Tiền tỷ cho bài học nhập môn

Rủi ro thấp và khả năng sinh lợi cao, giáo dục đang trở thành đích nhắm của nhiều nhà đầu tư. Song, không ít doanh nghiệp kỳ vọng vào lĩnh vực này đã phải bỏ cuộc hoặc tìm thêm đối tác, tạo nên thị trường góp vốn và mua bán - sáp nhập (M&A) sôi động.

Đọc E-paper

Đua theo khu đô thị mới

Xu hướng mở trường ngoại ngữ, quốc tế đã bão hòa khiến các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các dự án xây dựng trường liên cấp, mầm non, chạy theo những chung cư cao cấp, khu đô thị mới đang bùng nổ.

Lãi trước hạn

Xu hướng xây dựng trường liên cấp, mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân ở các khu đô thị mới, chung cư cao cấp, đồng thời đảm bảo cam kết các dự án có đầy đủ các tiện ích về công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, siêu thị, bệnh viện... Một trong những dự án đi đầu của mô hình trường học nằm trong căn hộ cao cấp là Trường Tiểu học Hồng Ngọc Ruby School thuộc khu liên hợp Rubyland, Q. Tân Phú.

Thực hiện mô hình này, ông Đinh Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hoàng Thắng, chủ đầu tư Rubyland, cho rằng: "Đầu tư vào giáo dục không bao giờ lỗ, chỉ là lời nhanh hay chậm. Tôi xác định Ruby School có lời phải mất 8-10 năm". Thực tế, sau 5 năm hoạt động, Ruby School đã có nhiều bước tiến khả quan.

> "Chất lượng giáo dục đại học còn yếu kém"

> Các nước ráo riết xây dựng đại học hàng đầu

> Đại học trực tuyến:Ngôi sao đang sáng

> Lạm phát thúc đẩy cách mạng giáo dục đại học

> 20 đại học kinh doanh tốt nhất Mỹ năm 2014

> Hiệu trưởng RMIT VN: Giáo dục đại học phải phù hợp bối cảnh

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Ruby School, cho biết: "Theo chỉ tiêu, chúng tôi phải đạt 200 học sinh tiểu học cho 10 lớp thì mới có lãi. Hiện tại, chúng tôi đã đạt 110 học sinh. Để tăng thêm nguồn thu cũng như quảng bá cho Trường, chúng tôi đã áp dụng mô hình bán trú vệ tinh, nhờ vậy số lượng học sinh học bán trú buổi chiều đã tăng lên 260 em. Theo tốc độ này, trường sẽ có triển vọng lãi trong năm thứ 6, nghĩa là sớm hơn dự định 4 năm".

Tương tự, dự án Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal nằm tại khu đô thị mới Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội được Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục TDS VN bỏ ra 190 tỷ đồng đầu tư cũng đã cắt lỗ trong năm thứ 5.

Bà Hoàng Thị Trọng, Hiệu trưởng Trường Pascal, cho biết: "Theo chỉ tiêu tuyển sinh là 60 học sinh cho mỗi cấp lớp, hiện chúng tôi đã đạt số lượng này. Tuy hiện tại chưa có lãi nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục góp vốn để mở rộng, đầu tư thêm cơ sở vật chất. Bởi theo đà phát triển đang khả quan, Pascal chắc chắn sẽ có lãi trong hai đến ba năm nữa".

Để thu hút và đảm bảo có lãi, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường đang đua nhau đầu tư chất lượng đào tạo. Chi phí đầu tư này vừa quyết định số lượng học sinh theo học, vừa ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của nhà đầu tư.

Theo lý giải của ông Hồng Hải: "Với nhu cầu và mức sống ngày càng cao, các trường không đạt tiêu chuẩn đào tạo, cơ sở vật chất tốt sẽ bị đào thải. Còn nếu đầu tư sâu, bài bản cho đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy, mô hình đào tạo thì lợi nhuận trước mắt sẽ ít đi nhưng sẽ bù lại ở tương lai".

Điển hình là hệ thống trường liên cấp Vinschool do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại khu đô thị Times City - Hà Nội. Do đi sau và đặt mục tiêu dài hạn nên Vinschool đầu tư rất quy mô về cơ sở vật chất, ngoài việc dành quỹ đất trên 2ha cho việc xây dựng hệ thống phòng học hiện đại, các phòng chức năng chuyên biệt và các khu vui chơi, thể thao đa dạng...

Ngay từ lớp 10, học sinh đã được chuẩn bị tốt nhất để thành công trong các kỳ thi đại học trong nước, hoặc giành học bổng du học. Bên cạnh đó, với lợi thế là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, trong chương trình đào tạo, Vinschool còn tổ chức nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp phong phú cho học sinh bậc trung học phổ thông thông qua các buổi trò chuyện cùng chuyên gia, thăm quan các doanh nghiệp.

Đại diện truyền thông của Vingroup cho biết: "Kế hoạch của Vingroup là mỗi dự án khu phức hợp tiếp theo đều có dự án trường học đi theo. Sắp tới, Vingroup sẽ tiếp tục mở thêm trường ở khu Vinhomes Tân Cảng, TP.HCM".

Đại diện Tập đoàn Bất động sản SSG cũng cho biết: "Tiếp theo thành công của trường Wellspring Hà Nội, SSG đang mở rộng hệ thống trường phổ thông liên cấp song ngữ quốc tế Wellspring Sài Gòn tại khu phức hợp Saigon Pearl. Đến năm 2020, SSG sẽ phát triển thành hệ thống 4 trường học tại Hà Nội và TP.HCM, với khoảng 10 nghìn học sinh".

Để thu hút học sinh theo học, mỗi lớp học của Wellspring Sài Gòn rộng 50m², chỉ tối đa 20 - 25 học sinh, trang bị đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn cao: thư viện, phòng thí nghiệm khoa học, phòng máy tính với hệ thống internet và thiết bị công nghệ cao, vườn ươm sinh vật, sân thể thao đa chức năng...

Đặc biệt, ưu thế lớn nhất của Trường là chương trình học tích hợp chương trình đào tạo của Sở Giáo dục Bang Massachusetts theo tiêu chuẩn Common Core của Hoa Kỳ. Đây là mô hình giáo dục mới được nghiên cứu phát triển và ứng dụng của tổ chức CASEL, chú trọng phát triển năng lực xã hội bao gồm kiến thức, thái độ, hành vi mà học sinh cần có để thành công trong sự nghiệp.

Cơ hội lớn cho trường mầm non

"Với khoảng 2 tỷ đồng, bạn có thể mở được một trường mầm non, lợi nhuận mỗi tháng thu về hơn trăm triệu đồng", một chủ đầu tư trường mầm non tại Bình Chánh, TP.HCM tiết lộ. Tuy nhiên, đại diện của Trường Mầm non Kidzone Q.2 cho rằng: "Với phân khúc trường mầm non, đầu tư bao nhiêu cũng làm được.

Song, với xu hướng đời sống ngày càng cao, những trường đầu tư không an toàn, cơ sở vật chất kém sẽ bị đào thải. Trung bình một trường có cơ sở vật chất tốt, chất lượng cao, phí đầu tư tối thiểu cũng phải 4-5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng mặt bằng cho một trường đúng chuẩn, có sân chơi thì chi phí thuê mặt bằng đã rất cao.

Đơn cử, Trường Kidzone có diện tích 1.000m2, có sân chơi ngoài trời, giá thuê đã gần 75 triệu đồng/tháng. Ở khu vực Q.1 không có sân chơi, giá thuê lên tới 80 triệu đồng, chưa kể các trang thiết bị cho giáo dục, đồ chơi cho trẻ em cũng rất đắt". Cũng theo tiết lộ của chủ đầu tư Kidzone, nếu đầu tư đúng, chỉ sau một năm, khả năng cắt lỗ sẽ trong tầm tay.

Cụ thể, với 50 trẻ đang theo học hiện nay, với mức học phí 5 triệu đồng/em, Kidzone đã hòa vốn sau một năm hoạt động. Tuy nhiên, tương đương với mức học phí này, yêu cầu của phụ huynh cũng rất cao, như phải có lớp học kỹ năng sống, học đàn, học vẽ...

Vì vậy, Kidzone phải chọn mô hình giáo dục HighScope của Mỹ, lấy học tập chủ động làm trọng tâm. Tất nhiên, đầu tư cho phương pháp giáo dục mới từ các nước tiên tiến như Mỹ khiến chi phí đội lên cao do cần rất nhiều thời gian để đào tạo cho giáo viên, nhân viên.

Bà Vũ Thị Hoàng Yến, chủ đầu tư Trường Mầm non Bầu Trời Xanh, cho biết, sau một năm hoạt động, tuy chưa hòa vốn nhưng mỗi tháng đều có lãi. Nếu không tính chi phí, mặt bằng, thuế VAT thì lãi trung bình khoảng vài trăm triệu/tháng.

"Ngoài trường mầm non đặt tại chung cư HAGL Q.7, chúng tôi đang chuẩn bị mở thêm trường tại khu căn hộ cao cấp Spring Life Q.2. Tuy nhiên, thiệt thòi lớn nhất hiện nay là khi đầu tư mua cơ sở vật chất, thiết bị cho trường học, chúng tôi không được hoàn thuế VAT".

Theo bà Trần Kim Anh, cố vấn chuyên môn Trường Mầm non Lá Xanh, điều quan trọng nhất của đầu tư giáo dục, dù ở phân khúc nào cũng là chất lượng. Với trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, học phí cao nhưng vẫn được các phụ huynh chấp nhận.

Đơn cử, Trường Lá Xanh đưa ra chỉ tiêu sĩ số 100 bé và lãi sẽ bắt đầu thu về sau 10 năm. Tuy nhiên, chỉ mới hai năm hoạt động, Trường đã có 70 bé, với mức học phí 4 triệu đồng/tháng, hiện đã đủ thu bù chi. Dự kiến, trong vòng hai, ba năm sau, nếu đạt chỉ tiêu 100 bé là có lãi.

Đại học, cao đẳng ngoài công lập: Sôi động M&A

Không gây nhiều chú ý như trong các ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản, nhưng M&A trong lĩnh vực giáo dục, nhất là phân khúc đại học (ĐH), cao đẳng đang tạo ra làn sóng đầu tư mới, kéo theo những thay đổi lớn về sở hữu cũng như đầu tư.

Những thương vụ "sang tên đổi chủ”

Dù tiên phong với mô hình ĐH chất lượng cao từ năm 1996 nhưng ĐH Phan Châu Trinh liên tục phải bù lỗ. Năm 2013, tổng số tiền lỗ là 12 tỷ đồng, năm 2014, dự kiến lỗ khoảng 3,5 tỷ đồng.

Trước nguy cơ bị đóng cửa, mới đây, Trường đã công bố chuyển đổi mô hình phi lợi nhuận nhờ... một cá nhân bơm vốn bằng hình thức tài trợ vĩnh viễn một tỷ đồng không hoàn lại và bảo lãnh ngân hàng cho vay 5 triệu USD.

Tương tự sau một lần sang tay cho nhà đầu tư, ĐH Văn Hiến lại rơi vào tình trạng thua lỗ. Năm 2012, Trường đã dự định bán với giá 75 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 giá trị thật, nên một số cổ đông không đồng ý chuyển nhượng mà lên phương án tìm nhà đầu tư mới.

Ông Trần Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Hùng Hậu, đã trở thành Chủ tịch HĐQT của ĐH Văn Hiến với số tiền bỏ ra cho thương vụ M&A này là 75 tỷ đồng.

Thành công với mô hình nhượng quyền (franchise) với 28 cơ sở dạy tiếng Anh, năm 2007, Trường Anh văn Việt Mỹ (VATC) mở thêm mảng đào tạo nghề là Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ và chỉ sau 2-3 năm đã đạt lượng học viên hơn 2.000.

Cũng thời điểm này, Quỹ Đầu tư Black Horse Asset Management (Mỹ) đã mua lại gần như toàn bộ phần góp vốn của các cổ đông sáng lập và trở thành cổ đông điều hành Tập đoàn IAE (sở hữu Công ty TNHH Anh văn Việt Mỹ và Cao đẳng nghề Việt Mỹ).

Thế nhưng chỉ sau 6 năm gia nhập vào lĩnh vực giáo dục, do gặp quá nhiều bất lợi nên cuối năm 2013, Black Horse đã bán lại số vốn góp tại IAE cho liên minh các nhà đầu tư đến từ TNK Capital, EQuest và Ismart Education.

TS. Trần Vinh Dự, Tổng giám đốc TNK Capital, cho rằng: "Xu hướng M&A trong giáo dục sẽ tiếp tục sôi động. M&A sẽ giúp các nhà đầu tư giảm bớt gánh nặng tài chính. Theo đó, những trường nào đã có uy tín, có cơ sở, đặc biệt hiện diện ở các trung tâm lớn, có thể tạo ra các liên kết, các giá trị tăng thêm cho học sinh, học viên... sẽ là đích nhắm của các nhà đầu tư”.

Cũng theo TS. Vinh Dự, đầu tư vào giáo dục sẽ ngày càng khó. Lý do là các thủ tục và yêu cầu pháp lý hiện giờ đang khiến các nhà đầu tư mới rất đau đầu, nhất là các nhà đầu tư ngoại. Ví dụ, nếu đầu tư nước ngoài vào giáo dục phổ thông quốc tế ở Việt Nam bây giờ sẽ bị chịu mức trần tuyển học sinh trong nước (10%).

Đầu tư vào cao đẳng hay ĐH bây giờ cũng khó vì yêu cầu cao về cơ sở vật chất và vấn đề quy hoạch. Trường cao đẳng hay đại học phải có tối thiểu 5ha đất, và phải nằm xa các khu trung tâm. Việc này khiến cho dù có tiền xây trường thì cũng khó tuyển sinh.

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, thành viên Tổ chức Tú tài Quốc tế tại Việt Nam, cũng cho biết: "Đầu tư vào giáo dục đúng nghĩa thì phải 10 năm mới có lãi.

Ngoài những đòi hỏi đối với các nhà đầu tư như thủ tục, năng lực tài chính, cơ sở hạ tầng và các điều kiện ràng buộc đi kèm, gần đây nhất, chính sách về hạn chế tỷ lệ phần trăm con em bản địa theo học các trường quốc tế 100% vốn ngoại tại Việt Nam, cũng là rào cản khiến nhà đầu tư khó khăn trong cơ chế thu hút học sinh. Như vậy, muốn đi tắt nhanh mà không phải vượt hàng loạt rào cản, cơ hội của các nhà đầu tư mới chính là mua lại, góp vốn vào những thương hiệu có giá trị và đã có cơ sở".

Khắc nghiệt hơn

Công ty Địa ốc Hoàng Quân sau khi đầu tư 65 tỷ đồng xây Trường ĐH Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, cũng tiết lộ sẽ tiếp tục đầu tư thêm vốn để nâng cao đội ngũ giảng viên, chương trình giảng dạy đạt chất lượng đào tạo theo mô hình ĐH tiên tiến. Sự bùng nổ của đầu tư giáo dục đã tạo nên một thị trường giáo dục cạnh tranh, thách thức và khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Để tạo sức bật, những thương hiệu tái đầu tư hoặc đầu tư đang đua nhau đẩy mạnh đầu tư thương hiệu và công nghệ. TS. Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc hệ thống Trường Giáo dục Việt Mỹ (VASS), cho biết: "Bắt đầu từ năm 2013 trở đi, chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới và cơ sở.

Dự kiến mỗi năm sẽ mở rộng tối thiểu từ 2 đến 3 trung tâm với suất đầu tư khoảng 200.000 USD đến 500.000 USD (từ 4 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng) cho mỗi trung tâm".

TS. Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch thành viên IAE, khẳng định, những người mua lại IAE đang chuẩn bị để đưa VATC trở lại thời hoàng kim trong vòng 3-5 năm tới. Theo đó, chiến lược đầu tư của VATC sẽ tập trung vào chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, công nghệ, dịch vụ khách hàng và chỉ đầu tư vừa phải vào cơ sở vật chất, vì đây là cuộc đua không có đích về chi phí.

Cần nhớ vào năm 2008, VATC có tổng số chi nhánh của VATC English (các lớp dạy tiếng Anh của VATC) chỉ tính riêng tại TP.HCM theo hình thức franchise lên tới 283 lớp học.

TS. Đàm Quang Minh, Giám đốc Điều hành IAE, chia sẻ thêm: "Để tạo sự đột phá mới, VATC đang áp dụng công nghệ bài giảng số và lớp học thông minh, học sinh sẽ được học trong môi trường tương tác với các bài giảng thiết kế trên đồ họa 2D, 3D. Các chiến lược đào tạo sẽ tập trung vào ba nội dung: Anh văn giỏi, nghiệp vụ vững và cơ hội việc làm ngay từ năm đầu tiên. Đặc biệt, sinh viên học tại Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ sẽ được học miễn phí tiếng Anh". Ông Vương Thanh Long, Giám đốc Nghiên cứu phát triển Công ty Hùng Hậu, cũng cho biết: "Sau khi đầu tư vào ĐH Văn Hiến, chiến lược của chúng tôi là đi theo mô hình phi lợi nhuận, ngoài việc truyền đạt kiến thức, Trường còn đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng mềm, cho sinh viên tiếp cận mô hình thực tế, đầu tư vào đội ngũ giảng viên và chất lượng giảng dạy. Hiện, chúng tôi đã mua 7ha đất ở Bình Chánh để xây trường với đầy đủ ký túc xá, sân vân động, hồ bơi, phòng thí nghiệm...".

Rõ ràng, sau các thương vụ M&A, các nhà đầu tư mới đang rất quyết tâm và thị trường giáo dục hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực hơn cho cả nhà đầu tư lẫn nền giáo dục của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư giáo dục: Tiền tỷ cho bài học nhập môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO