Đầu tư du lịch Myanmar: Mỏ vàng chờ khai thác

NGUYỄN LAN| 08/05/2015 08:30

Bên cạnh địa ốc, thủy điện, lĩnh vực du lịch ở Myanmar vẫn còn nhiều khoảng trống và đây có thể xem là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư trong thời gian tới.

Đầu tư du lịch Myanmar: Mỏ vàng chờ khai thác

Bên cạnh địa ốc, thủy điện, lĩnh vực du lịch ở Myanmar vẫn còn nhiều khoảng trống và đây có thể xem là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư trong thời gian tới.

Đọc E-paper

Trở về từ Myanmar trong chuyến tham quan và khảo sát thị trường kéo dài 5 ngày, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, hồ hởi cho hay, có những thứ DN Việt Nam có thể đầu tư ngay ở Myanmar. Đó là dịch vụ giải trí, vui chơi (phim ảnh); hoặc đầu tư cáp treo ở những dãy núi du lịch nổi tiếng của Myanmar vì cả đất nước này chưa chỗ nào có cáp treo.

Một lĩnh vực khác liên quan đến du lịch là đầu tư khách sạn. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, nếu có vốn, ông cũng sẽ đầu tư khách sạn ở Myanmar, bởi vì khách sạn ở nước này hiện nay giá rất cao (phòng khách sạn 2 sao giá khoảng 50 - 60 USD/đêm).

"Tôi có gặp một số doanh nhân Việt Nam qua Myanmar đầu tư khách sạn, nhưng đầu tư khách sạn nhỏ, chỉ 30 - 40 phòng thì vài năm nữa sẽ lạc hậu. Mà đầu tư tổ hợp khách sạn như của Hoàng Anh Gia Lai thì to quá, không làm nổi. Làm khách sạn chừng 50 - 70 phòng thì rất có triển vọng", ông Mỹ cho biết.

Ngoài ra, có một lĩnh vực nữa DN Việt Nam có thể đầu tư ngay ở Myanmar là ẩm thực. Vị Giám đốc Công ty Lửa Việt đã quan sát kỹ và nhận thấy có một nhà hàng Việt Nam ở Myanmar bán những món ăn Việt Nam, và người dân Myanmar tìm đến ăn rất đông.

Theo ông Mỹ, nhà đầu tư Việt Nam có thể kết hợp với một số nhà hàng, khách sạn Việt Nam đang hoạt động ở Myanmar để mở khu vực ẩm thực của người Việt tại Myanmar. "Đây là cách có thể đi qua Myanmar nhanh nhất", ông Mỹ nhấn mạnh.

Myanmar có dân số gần 60 triệu người, nhưng diện tích lớn gần gấp đôi Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước này đón khoảng 3 triệu khách du lịch. Theo số liệu từ DICA, cơ quan quản lý đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar, vốn đầu tư vào du lịch của Myanmar đã lên đến gần 1,55 tỷ USD, chỉ sau dầu mỏ, năng lượng, sản xuất và khai thác mỏ.

1,5 tỷ USD
lTheo số liệu chính thức của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Myanmar, trong nửa đầu năm tài chính 2015 (tính từ 10/2014 đến cuối tháng 3/2015), lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Myanmar đạt trên 3,67 tỷ USD, trong đó, giao thông vận tải là lĩnh vực dẫn đầu, chiếm 36,83%, tiếp theo là ngành năng lượng (21,9%) và bất động sản (16,95%). Việt lNam là một trong những quốc gia có nguồn vốn đầu tư vào Myanmar tăng.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), dự kiến năm 2015, tổng vốn đầu tư của các DN Việt Nam vào Myanmar đạt khoảng 1,5 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Myanmar.

Một trong những điểm khách du lịch châu Âu rất thích ở Myanmar là do tốc độ phát triển kinh tế chậm nên cảnh quan ở đây còn hoang sơ, chưa bị xáo trộn nhiều như ở Việt Nam.

Ở góc độ DN trực tiếp tổ chức các tour du lịch từ Việt Nam đến Myanmar và ngược lại, đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, thị trường đón khách du lịch Myanmar vào Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển. Một phần là do du khách Myanmar thu nhập chưa cao, trong khi giá tour của Việt Nam còn khá cao nên chưa thu hút được du khách Myanmar.

Ngược lại, thị trường đưa khách du lịch Việt Nam sang Myanmar khá tốt, vì giá cả phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. "Saigontourist rất quan tâm đến thị trường Myanmar. Chúng tôi theo dõi sát sao thị trường này để phát triển du lịch hai chiều", đại diện Saigontourist nói.

Myanmar đang mở cửa, lượng khách du lịch đang tăng nên nhu cầu về dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú cũng sẽ tăng theo. Đáng chú ý là hiện ở Myanmar mới chỉ có 923 khách sạn với 34.834 phòng. Trong số đó chỉ có 6 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao, 83 khách sạn 3 sao.

Do đó, Myanmar đang dành những cơ chế tốt cho nhà đầu tư nên đã có DN bắt đầu xem xét khả năng đầu tư vào mảng khách sạn, dịch vụ du lịch. Trong lĩnh vực khách sạn, các dự án đầu tư phải theo hình thức BOT. Khách sạn 100% vốn nước ngoài phải từ 3 sao trở lên, lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cũng phải đạt 3 sao trở lên.

Để hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư nước ngoài, DN phải có vốn đầu tư tối thiểu là 300.000 USD (dịch vụ), 500.000 USD (sản xuất). Được biết, trong dự án khu phức hợp tại Yangon, Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sẽ xây dựng khách sạn 5 sao Melia với 420 phòng.

Trước đó, Tập đoàn Bất động sản Singapore Rowsley Limited đề nghị hợp tác với HAG phát triển khu phức hợp này. Tuy nhiên, mới đây, HAG đã công bố chấm dứt thỏa thuận hợp tác này do không đồng ý phương án Rowsley đầu tư trực tiếp vào Hoang Anh Myanmar.

Đồng thời, HAG vừa ký hợp đồng quản lý khách sạn với Tập đoàn quản lý khách sạn Melia. Với hợp đồng này, khách sạn do HAGL đầu tư tại Myanmar sẽ chính thức mang tên Melia Yangon và tham gia vào hệ thống 20 khách sạn 5 sao do Melia quản lý trên thế giới.

>Lợi thế từ đầu tư du lịch ASEAN
>Đón làn sóng đầu tư du lịch
>Mở "cánh cửa" đầu tư du lịch ở Myanmar
>11 lý do khiến du khách “mê mệt” Myanmar

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư du lịch Myanmar: Mỏ vàng chờ khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO