Dấu ấn ở ba miền

MẠNH KIM| 06/01/2010 09:11

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đồng loạt triển khai trên toàn quốc, trong đó Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM là ba địa phương đi đầu, đồng thời cũng là đầu mối tỏa đi các vùng lân cận.

Dấu ấn ở ba miền

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã được gần 5 tháng. Chưa có một thống kê, sơ kết cụ thể nào từ ngành thương mại, nhưng cũng đủ thời gian để nhìn nhận về hiệu ứng bước đầu của Cuộc vận động, từ đó có những biện pháp kích thích toàn dân sử dụng hàng hóa do trong nước sản xuất.

Hà Nội: Áp lực hàng lậu

Sản phẩm của Casumina luôn được người tiêu dùng tìm mua - Ảnh Quý Hòa

Tháng 11/2009, Hà Nội tổ chức “Tháng khuyến mãi” để kích thích tiêu thụ hàng nội, đã có những kết quả bất ngờ: So với cùng kỳ năm 2008, tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Hà Nội tăng 18,7%. Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Mạnh Hoàng cho biết: “Năm 2010, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá và liên kết với các tỉnh lân cận, các thành phố lớn, liên kết với các công ty du lịch để kích cầu tiêu dùng hàng nội mạnh hơn nữa”.

Nhưng theo một doanh nghiệp Hà Nội, nhìn vào các chương trình bán hàng khuyến mãi sẽ khó đánh giá đúng thực chất của cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt. Chỉ cần đến một số huyện ngoại thành Hà Nội, sẽ thấy rõ vị thế của hàng Việt tại đây. Chẳng hạn, tại siêu thị Hiền Lương (huyện Ứng Hòa), những mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm vị trí khá khiêm tốn, đặc biệt là hàng gia dụng. Một quản lý nơi đây cho biết, đa số khách hàng đều chọn mua hàng nhập khẩu, hoặc liên doanh, vì họ cho rằng các sản phẩm này tốt hơn hàng sản xuất trong nước. Ngay cả khi hai mặt hàng có chất lượng và giá cả ngang nhau, khách vẫn chọn mua hàng nhập khẩu. Người quản lý siêu thị cho rằng, hàng nhập khẩu có lợi thế về giá cả, mẫu mã và được hỗ trợ bởi quảng cáo và cả cách tiếp thị trực tiếp rất chuyên nghiệp. Tất nhiên cũng có nhiều mặt hàng Việt Nam được ưa chuộng, ví dụ như trong ngành may mặc với các thương hiệu Việt Tiến, May 10, Nhà Bè...

Từ lâu, người tiêu dùng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chịu tác động khá nhiều bởi hàng nhập lậu, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng hóa từ Trung Quốc chất lượng không cao, từ quần áo, đồ gia dụng, hàng điện máy đến hoa quả, bánh kẹo..., nhưng vẫn được tiêu thụ mạnh do giá rẻ, màu sắc và mẫu mã bắt mắt.

Thế mạnh về giá, phù hợp nhu cầu bình dân của đại đa số người dân, mạng lưới phân phối rộng khắp (siêu thị, chợ, hàng rong...) của hàng Việt vẫn bị nhiều hạn chế khác lấn lướt, như chất lượng không ổn định, mẫu mã, kiểu dáng nghèo nàn, quảng cáo không đúng thực chất, chế độ hậu mãi kém và dễ bị làm giả.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp, tiểu thương cổ súy hàng Việt

Tại Vĩnh Trung Plaza, Trung tâm thương mại có lượng người mua sắm nhiều nhất miền Trung, quầy bán giày dép B.Q nằm ngay lối đi vào khu vực bán gà rán KFC. Đó là cách B.Q, một công ty sản xuất giày chuyên khai thác thị trường nội địa hơn 5 năm qua, tiếp cận người tiêu dùng. B.Q càng gây chú ý khi tung ra một loạt chương trình khuyến mãi, như bán hàng có quà tặng, tặng 30 suất quà cho sinh viên, 1.200 phiếu khuyến mãi giảm giá cho khách hàng nữ... Ông Phan Hải, Giám đốc B.Q, cho biết, Công ty đã chuẩn bị lượng giày với gần 100 mẫu mã mới, có mức giá từ 135.000 - 335.000 đồng/đôi, có thể cạnh tranh tốt với giày Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan...

Đánh giá về hiệu ứng của cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Phan Hải cho rằng, chương trình thật sự đã giúp cho doanh nghiệp trong nước cơ hội lớn để có vị trí trong mắt người tiêu dùng. Nhưng các doanh nghiệp cần phải có chiến lược về chất lượng sản phẩm, đủ sức cung cấp hàng và chịu khó đưa hàng vào bán cho công nhân các khu công nghiệp, cho nông dân vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa, các doanh nghiệp xuất khẩu ở Đà Nẵng cũng đưa sản phẩm mới tiếp cận người tiêu dùng ở vùng sâu. Hàng loạt doanh nghiệp lớn như Dệt may 29 - 3, Dệt may Hòa Thọ, Da giày Hữu Nghị... đã có nhiều cách tiếp thị hàng hóa sinh động và trực tiếp đến người dân; đầu tư siêu thị, chuỗi cửa hàng để bán sản phẩm của mình. Sở Công Thương Đà Nẵng đã trích ngân sách để hỗ trợ mở các phiên chợ hàng Việt cuối tuần vào ban đêm tại các khu công nghiệp để người tiêu dùng tiếp cận được hàng tốt, giá hợp lý.

Gần 1.300 tiểu thương kinh doanh tại chợ Cồn, Đà Nẵng vừa tham gia đăng ký kinh doanh hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả và bảo vệ người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp lực lượng chức năng phát hiện được nguồn hàng không nhãn mác, kém chất lượng, hàng nhập lậu như quần áo, giày dép tràn vào các chợ trong dịp cuối năm. Tại các chợ, người tiêu dùng được tiếp cận những chương trình khuyến mãi như giảm giá, có quà tặng khi mua hàng Việt.

TP. Hồ Chí Minh: Sức mạnh siêu thị

Khuyến khích, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt ở hệ thống siêu thị tại TP.HCM khá rầm rộ và có bài bản.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại và quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho rằng, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã bước đầu thành công. Bằng chứng là tại các siêu thị, tỷ lệ hàng nội và số lượng người mua hàng nội tăng lên mạnh mẽ. Riêng tại Big C, hiện hàng nội chiếm đến 95%. Theo thống kê của Big C, trong 20 ngành hàng kinh doanh tại hệ thống siêu thị này, các tên tuổi lớn đều thuộc về hàng Việt. Ở ngành hàng sữa, chiếm thị phần lớn vẫn là Vinamilk, Duch Lady; lĩnh vực bánh kẹo là Kinh Đô, Hải Hà, Bibica...; ngành hàng cà phê là Trung Nguyên, Vinacafe. Riêng ngành hàng thời trang, có đến 97% hàng kinh doanh ở đây là hàng sản xuất trong nước.

Ở hệ thống siêu thị Co.opMart, hàng nội cũng chiếm đến 90% thị phần. Từ nhiều năm nay, hệ thống siêu thị này còn tổ chức các chương trình tôn vinh hàng nội như “Tháng bán hàng Việt Nam chất lượng cao” và các đợt đưa hàng nội về nông thôn nên đã tác động rất lớn đến ý thức tiêu dùng của người dân. Để hưởng ứng Cuộc vận động, trong dịp Tết này, hệ thống Co.opMart sẽ có chương trình “Tết Việt cho người Việt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu ấn ở ba miền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO