Đặc sản đồng bằng sông cửu long: Đưa nhau lên thành

NGỌC VÂN| 09/06/2009 00:32

Đi đến địa phương nào, du khách cũng thích tìm mua đặc sản để làm quà. Nhiều loại đặc sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có mặt TP.HCM. Có loại đặc sản đã thành danh, nhưng có loại đang được doanh nghiệp (DN) tìm đường quảng bá thương hiệu khi chen chân vào thành thị.

Đặc sản đồng bằng sông cửu long: Đưa nhau lên thành

Đi đến địa phương nào, du khách cũng thích tìm mua đặc sản để làm quà. Nhiều loại đặc sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có mặt TP.HCM. Có loại đặc sản đã thành danh, nhưng có loại đang được doanh nghiệp (DN) tìm đường quảng bá thương hiệu khi chen chân vào thành thị.

1. Trái rượu dừa Bến Tre của Cơ sở Công Thành

2. Các đặc sản của Trà Vinh

LÊN THÀNH, LÊN MẠNG

Trong các chợ lớn như An Đông, Bình Tây, Bến Thành và các siêu thị ở TP.HCM đều có những gian hàng bán đặc sản của các tỉnh ĐBSCL. Những đặc sản này vượt qua địa giới của mình bằng nhiều con đường: do cơ sở sản xuất tự quảng bá, bán cho khách đến địa phương; do tiểu thương bán chạy nên hỏi đặt hàng, do DN tìm mua để làm phong phú hàng hóa bày bán trong siêu thị.

Thời gian đầu, các sản phẩm nhờ ngon mà bán được, chứ bao bì còn đơn giản. Sau này, học các DN lớn làm thương hiệu, các cơ sở sản xuất đặc sản địa phương đã chăm cho vẻ bề ngoài của sản phẩm hơn; họ còn đi đăng ký chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những đặc sản Sóc Trăng đã có mặt lâu năm ở TP.HCM là bánh pía, lạp xưởng, mè láo. Mặc dù các DN lớn ở TP.HCM như Kinh Đô, Đức Phát, ABC... có sản xuất bánh pía nhưng bánh pía gốc Sóc Trăng vẫn thắng vì có hương vị đặc trưng. Lạp xưởng cũng vậy, trước đây những cơ sở ở Sóc Trăng chỉ đưa hàng về TP.HCM vào dịp Tết, bây giờ đã có những đại lý cung cấp quanh năm.

Gần đây, DNTN Yến Linh (nhãn hiệu Tân Hưng Lợi) đã có hình thức tiếp thị mới: làm những giỏ quà đặc sản Sóc Trăng khá sang trọng gồm 2 cây bánh pía, 1 hộp lạp xưởng, 1 hộp mè láo, giá 140.000đ/giỏ, giới thiệu lên trang web 123mua, giao tận nơi để phục vụ khách Sài Gòn.

Mắm Bà Giáo Khỏe không xa lạ gì với những người ghiền mắm Châu Đốc (An Giang), nhưng không vì thương hiệu đã có tiếng mà các cơ sở này không coi trọng hình thức hấp dẫn của keo mắm khi đưa hàng lên thành phố.

Những khúc mắm cá lóc, những con mắm cá trèn, cá linh, cá sặc... được xếp vào keo thật ngay ngắn, đều đặn, nhãn hàng in đẹp, rõ ràng, khiến cho khách hàng thấy muốn mua ngay.

Nước màu dừa Bến Tre lên thành phố trước với bao bì đơn giản, còn nước màu thốt nốt An Giang xuất hiện mới đây, tuy là gia vị rẻ tiền nhưng được chăm chút bao bì, nhãn hàng đẹp không thua nhãn mứt, nhãn kẹo.

Những cơ sở đặc sản ở Trà Vinh đã thoát khỏi sự tự ti, năm nay cùng đưa nhau lên TP.HCM tiếp thị. Phú Quốc (Kiên Giang) có nước mắm cá cơm thì Trà Vinh có đặc sản nước mắm rươi. Tôm đất Vinh Kim, nổi tiếng không quanh quẩn ở địa phương chờ bán cho du khách, mà tìm cách tiến vào siêu thị.

Cơ sở chế biến thực phẩm Năm Thụy hy vọng sản phẩm chả hoa được làm từ thịt heo, trứng vịt muối, cải rốt, mộc nhĩ sẽ chinh phục được người tiêu dùng thành phố vì hương vị lạ.

Đặc biệt bột bần, mứt bần Cô Tư Cúc của Cơ sở Thủy Tiên ở thị xã Trà Vinh lúc đầu chỉ để phục vụ khách ghé quán cô Tư ở cù lao Long Trị, sau đó thành đặc sản của Trà Vinh được đem bán nhiều tỉnh, rồi lên TP.HCM vào hệ thống siêu thị Co.opMart.

GIỮ UY TÍN THƯƠNG HIỆU

Mấy tháng nay, rượu dừa Bến Tre (chế biến từ dừa, đựng trong trái dừa) được chở lên TP.HCM bán không có nhãn hiệu. Nhiều người thấy, muốn thử nhưng không dám.

Cơ sở Công Thành ở huyện Giồng Trôm đã làm tăng giá trị sản phẩm bằng cách trang trí bình rượu bằng những sợi dây bện thành quai xách, làm logo thương hiệu, quan trọng hơn là đăng ký chất lượng rượu dừa với Sở Y tế Bến Tre và công bố hàm lượng các chất trong rượu rõ ràng.

Rượu dừa Công Thành thông qua đại lý các sản phẩm dừa Thanh Long đã có mặt tại TP.HCM, người tiêu dùng biết thêm một đặc sản xứ dừa. Cách làm của cơ sở Công Thành cho thấy các cơ sở sản xuất đặc sản đã ý thức xây dựng thương hiệu riêng chứ không chỉ dựa vào thương hiệu địa phương chung chung.

Điều này có thể thấy rõ nhất ở các làng nghề kẹo dừa, bánh phồng sữa ở Bến Tre; bánh pía, lạp xưởng, mè láo ở Sóc Trăng; gần đây ở Trà Vinh, các cơ sở nước mắm rươi Long Vinh, bột bần, mứt bần của Cô Tư Cúc, tôm khô Tiến Hải, bánh tét Trà Cuôn Hai Lý... cũng khẳng định được tên tuổi riêng của mình.

Đặc điểm chung thấy trên nhãn hàng của đặc sản miền Tây là có ghi cả số điện thoại đi động của chủ cơ sở sản xuất. Hỏi ra mới biết họ làm thế để khách hàng kiểm tra hàng giả, hàng nhái.

Trong quá trình khẳng định thương hiệu đặc sản địa phương ở ĐBSCL đã xảy ra tình trạng các cơ sở cùng dòng tộc thừa hưởng chung một thương hiệu nhưng làm người tiêu dùng hiểu lầm.

Chẳng hạn, bà giáo Khỏe đã để lại uy tín thương hiệu cho con cháu và họ hình thành 4 dòng mắm Bà Giáo Khỏe trên thị trường, phân biệt bằng các nhóm số 4444, 55555, 666666, 7777777. Người tiêu dùng mua mắm Bà Giáo Khỏe của nhóm số này, lại thấy mắm Bà Giáo Khỏe của nhóm số kia, cứ lo mua lầm.

Nhưng đáng khen là các cơ sở này không vì lợi ích riêng mà luôn nghĩ đến thương hiệu chung, nên khách mua của ai cũng được, miễn sao mắm Bà Giáo Khỏe được người ở thành phố dùng nhiều.

Các hệ thống siêu thị ở TP.HCM đang có xu hướng sưu tập ngày càng nhiều đặc sản các địa phương để phục vụ người tiêu dùng. Đây là cơ hội cho các nhãn hiệu đặc sản ĐBSCL thi thố khả năng “lên thành thị”, nhưng kết quả phụ thuộc vào sự nhạy bén của chủ cơ sở.

Chả hoa Năm Thụy không có nguyên liệu cá nhưng hình thù sản phẩm lại là con cá, nhãn hàng không có hình ảnh nêu bật đặc điểm chả hoa, dễ gây hiểu lầm.Tôm đất của xứ Vinh Kim dẫu ngon nhất ĐBSCL nhưng chỉ đóng bao nhựa bình thường sẽ khó thu hút người tiêu dùng.

Muốn đưa đặc sản đồng bằng lên thành phố cần nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, nhãn hàng để hợp thị hiếu của người tiêu dùng thị dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đặc sản đồng bằng sông cửu long: Đưa nhau lên thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO