Cuộc đua mở chuỗi cửa hàng tiện lợi

HỒNG NGA - THANH NGÂN| 11/03/2017 08:37

Phân khúc cửa hàng tiện lợi được đánh giá rất tiềm năng khi bên cạnh những nhà đầu tư mới là sự ồ ạt mở chuỗi của những thương hiệu đang hiện diện.

Cuộc đua mở chuỗi cửa hàng tiện lợi

Phân khúc cửa hàng tiện lợi được đánh giá rất tiềm năng khi bên cạnh những nhà đầu tư mới là sự ồ ạt mở chuỗi của những thương hiệu đang hiện diện.

Đọc E-paper

Xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2005 - 2006 nhưng phải đến vài năm trở lại đây, mô hình cửa hàng tiện lợi mới thật sự phát triển. Đặc biệt là trong 2 năm 2015 - 2016, phân khúc thị trường này "nở rộ" với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ở khối ngoại, các doanh nghiệp nước ngoài như FamilyMart (Nhật), Bsmart (Thái Lan), Ministop - công ty con thuộc Tập đoàn AEON (Nhật), Circle K (Mỹ), Shop & Go (Singapore) liên tục mở rộng hệ thống và hình thành nên những chuỗi cửa hàng lớn. Trong đó, Circle K có 216 cửa hàng, Bsmart có khoảng 160 cửa hàng, Shop & Go có 108 cửa hàng...

Các doanh nghiệp trong nước cũng liên tục mở rộng chuỗi, trong đó, mạnh nhất là Vingroup. Sau gần 2 năm xây dựng và phát triển hệ thống, tới nay, VinMart+ có khoảng 1.000 điểm kinh doanh. Trong năm 2017 này, VinMart+ sẽ mở thêm 1.000 cửa hàng tại 30 tỉnh - thành.

Đứng thứ 2 trong khối nội về số lượng, Co.op Food của Saigon Co.op cũng đạt hơn 110 cửa hàng bên cạnh 20 cửa hàng Co.opSmile (mô hình cửa hàng tiện lợi mới) và đặt mục tiêu đạt 100 cửa hàng vào cuối năm nay. Năm 2016, Satra cũng đưa vào hoạt động thêm 26 cửa hàng Satrafoods, đạt 100 cửa hàng.

Trong tháng 1/2017, Satra đưa chuỗi cửa hàng Satrafoods đến Cần Thơ và theo đại diện của đơn vị này thì trong năm nay sẽ có thêm 55 cửa hàng Satrafoods ra đời, trong đó có 45 cửa hàng tại TP.HCM.

ột "tân binh" trong lĩnh vực này là Bách Hóa Xanh của Công ty CP Thế Giới Di Động mới ra mắt năm 2016 cũng đã có 54 cửa hàng với doanh thu bình quân trên 1 tỷ đồng/cửa hàng và lượng khách trung bình đạt 20 ngàn lượt mỗi tháng.

Chia sẻ tại lễ ra mắt thương hiệu cửa hàng tiện lợi Co.opSmile hồi tháng 12/2016, ông Nguyễn Thành Nhân - TGĐ Saigon Co.op cho biết: "Saigon Co.op đã nghiên cứu phát triển mô hình cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.opSmile nhằm đưa hàng Việt Nam phục vụ tận ngõ cho người tiêu dùng". Điểm đặc biệt của những cửa hàng mới này, theo ông Nhân, không chỉ kinh doanh mà còn là nơi kết nối cộng đồng với những dịch vụ như thu hộ cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước internet, truyền hình cáp...

>>Gay cấn phân khúc dầu ăn cao cấp

Bà Thái Thị Thanh Hải - TGĐ Công ty VinCommerce cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong số những nước sở hữu thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại châu Á, nhưng đây lại là phân khúc chưa được khai thác hiệu quả. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch từ mô hình bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) sang mô hình bán lẻ hiện đại và mua sắm trực tuyến.

Hơn nữa, người tiêu dùng mong muốn mua được hàng hóa tốt, đảm bảo chất lượng nhưng phải dễ tìm, dễ mua. Có thể thấy, các cửa hàng tiện ích, minimart đáp ứng được hầu hết các nhu cầu mua sắm này, đồng thời lại được bố trí xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc, phục vụ nhanh chóng.

Sức phát triển mạnh mẽ của phân khúc bán lẻ này cũng khiến nhà sản xuất bất ngờ. Theo ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện nay, nhiều khách hàng là các nhà đầu tư cửa hàng tiện lợi đặt vấn đề bán trứng gia cầm chế biến sẵn của Công ty.

"Tại các hệ thống cửa hàng tiện lợi, trứng gia cầm chế biến sẵn của Công ty tiêu thụ khá tốt. Đặc biệt, các đối tác này đặt vấn đề đưa sản phẩm của Công ty ra thế giới thông qua hệ thống của họ nhưng với dây chuyền sản xuất hiện có không thể đáp ứng nên chúng tôi phải đầu tư mở thêm nhà máy", ông Trương Chí Thiện thông tin.

Số liệu của Kantar Worldpanel cho thấy, đến hết năm 2016, cửa hàng tiện lợi chiếm khoảng 3% giá trị hàng tiêu dùng nhanh. Xét riêng trong kênh bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi hiện đã đạt mức gần 20%.

>>Cửa hàng tiện lợi "so găng" tiệm tạp hóa

Ông Phidsanu Pongwatana - TGĐ Điều hành Công ty MM Mega Market Việt Nam cũng cho rằng, mô hình bán lẻ đơn thuần không còn phát triển do thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Người Việt Nam khi mua sắm hướng đến sự thuận tiện nhiều hơn nên trong thời gian tới, cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển mạnh.

Chia sẻ sâu về vấn đề này, theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, kênh bán lẻ hiện đại sẽ từng bước định hình thị trường bán lẻ. Xu hướng đô thị hóa ở các khu vực ngoại thành, việc hình thành các khu dân cư mới, lớp người tiêu dùng trẻ mới nổi quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, ưa chuộng cửa hàng hiện đại và hạn chế về giao thông trên đường phố sẽ thúc đẩy kênh bán lẻ hiện đại phát triển và mạnh hơn trong vài năm tới.

Nhưng, xu hướng phát triển kênh bán lẻ hiện đại không đơn thuần là tiếp tục mở rộng siêu thị hay trung tâm thương mại mà quan trọng hơn là thúc đẩy làn sóng "hiện đại hóa" kênh bán lẻ truyền thống qua sản phẩm, phong cách trưng bày, dịch vụ khách hàng. Trong đó, cửa hàng tiện lợi được xem là động lực tăng trưởng mạnh nhất trong sự cạnh tranh quyết liệt từ nhà bán lẻ hiện hữu và nhà bán lẻ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua mở chuỗi cửa hàng tiện lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO