Cuộc đua đầu tư khu du lịch vui chơi giải trí

LỮ Ý NHI| 07/07/2016 08:29

Với lượng du khách tăng mỗi năm, tiềm năng các khu du lịch vui chơi giải trí khá hấp dẫn khiến "sân chơi" này trở nên nhộn nhịp.

Cuộc đua đầu tư khu du lịch vui chơi giải trí

Du lịch kết hợp vui chơi, giải trí là mô hình được đánh giá tiềm năng, lợi nhuận lớn, nhiều doanh nghiệp đang mạnh dạn đầu tư, nhưng trước mắt, nhà đầu tư vẫn phải bỏ tiền tỷ lượm bạc cắc. 

Đọc E-paper

Với lượng du khách tăng mỗi năm, tiềm năng các khu du lịch vui chơi giải trí khá hấp dẫn khiến "sân chơi" này trở nên nhộn nhịp.

Cùng với việc đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng, những năm gần đây, xu thế đầu tư vào du lịch vui chơi giải trí bắt đầu tăng. Hàng loạt công trình đã và đang được đầu tư với số vốn lên hàng nghìn tỷ đồng, như Khu Du lịch sinh thái Tràng An, Ninh Bình, Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, Thái Nguyên (15.000 tỷ đồng); Khu Du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp, Hải Phòng (10.000 tỷ đồng), Khu Du lịch Tam Chúc, Hà Nam (11.000 tỷ đồng) do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Công ty CP Du lịch Hoa Lư đầu tư.

Băng qua gian khó

Từng được biết đến trong lĩnh vực sản xuất tôn thép, gần đây Hoa Sen Group cũng đã chuyển hướng đầu tư vào du lịch tâm linh - sinh thái tại Đạ Huoai, Lâm Đồng (179 tỷ đồng), tại đầm Vân Hội (Yên Bái) quy mô tới 1.000ha, trong đó có 400ha mặt nước.

Sun Group cũng xây dựng Khu Du lịch nghỉ dưỡng và Vui chơi giải trí Bến En tại Như Thanh, Thanh Hóa (9.990 tỷ đồng). Công ty TNHH Sông Cầu đầu tư bảo vệ và phát triển rừng kết hợp với du lịch sinh thái tại đảo Nhím trong lòng hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh (290 tỷ đồng).

Công ty CP Vinpearl đầu tư nhiều vào du lịch vui chơi giải trí như Vinpearl Land tại Nha Trang, Phú Quốc, Công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi (500 triệu USD)...

* Theo phương pháp thống kê mới. Nguồn: Tổng cục Du lịch

Đánh giá tiềm năng đầu tư vào khu du lịch vui chơi giải trí, ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty Du lịch Long Phú cho biết: "Hiện nay, du khách rất thích các sản phẩm giải trí mang tính thư giãn, gắn bó gia đình và có lợi cho sức khỏe nên cơ hội kinh doanh ở lĩnh vực này rất lớn. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ đòi hỏi phải có vốn lớn mà còn phải trường vốn. Bởi hiệu quả kinh doanh thường khá thấp trong những năm đầu.

Vì vậy, "cuộc đua" trong "sân chơi" này được ví như chạymarathon, ai có sức bền sẽ về đích. Và nếu có vốn, đầu tư bài bản thì về lâu dài, các công trình này có khả năng sinh lời bền vững.

Đơn cử như Khu Du lịch sinh thái Đảo Hoa Lan sau 7, 8 năm phải hoạt động trong khó khăn nhưng 4 năm gần đây đã có lợi nhuận và tăng trưởng rất khả quan. Riêng Khu Du lịch Đảo Khỉ, lúc đầu chúng tôi cũng nản vì năm nào cũng lỗ nhưng 4 năm gần đây đã "sống được" vì lượng khách tăng đều mỗi năm khoảng 20%".

Tương tự, sau 3 năm cầm cự trong khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại nhưng hiện nay Khu Du lịch sinh thái Tre Việt (Bamboo) đã có nhà đầu tư muốn mua lại. Song, chủ công trình này cho biết sẽ không bán vì du lịch sinh thái là xu hướng đang phát triển và là hướng kinh doanh bền vững.

Đại diện Khu Du lịch Thác Giang Điền cũng cho biết đã có lãi sau 5 năm hoạt động và đang kinh doanh khả quan.

Theo ông Lê Đăng Khoa - TGĐ Bamboo, muốn đầu tư vào du lịch vui chơi giải trí phải kiên trì, phải xác định đây là đầu tư đường dài. Khi chưa có lợi nhuận vẫn phải tiếp tục bơm thêm vốn để bảo trì, nâng cấp và phải liên tục đổi mới, tìm ra cái lạ, cái mới, bởi nhu cầu giải trí của du khách luôn đòi hỏi ngày mai phải có cái khác hôm qua.

Dù đã kinh doanh nhiều năm vẫn chưa có lãi, nhưng chủ đầu tư Khu Du lịch sinh thái Madagui vẫn lạc quan "sẽ có lãi" trong thời gian sắp tới nên tiếp tục đầu tư nhiều loại hình vui chơi như leo núi, khám phá rừng, thực hiện bộ sưu tập tre Đông Nam Á để thu hút khách.

Lý do được tiết lộ là đến thời điểm này, nhiều du khách trong và ngoài nước đã biết đến và rất thích khu du lịch này, có nhiều gia đình đã đến đây cả tháng để vừa nghỉ ngơi, vừa nuôi gà, trồng rau, khám phá thảm thực vật và rừng. Bên cạnh đó, du khách nhiều tiền thích loại hình du lịch sinh thái đang tăng rất nhanh.

Nhìn sang Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Malaysia cũng thấy nguồn thu từ mô hình kinh doanh này đang rất lớn. Qua tìm hiểu, Disneyland hay khu Wanda Cultural Tourism City có khả năng thu hút tới 10 triệu du khách/năm. Các tổ hợp giải trí nổi tiếng trên thế giới đều là nơi hấp dẫn du khách như Macau (Trung Quốc) 30,76 triệu khách/năm, Genting (Malaysia) 19,3 triệu khách/năm, Pattaya (Thái Lan) gần 8 triệu khách/năm.

Làm cho tới

Tuy hiện nay một số khu du lịch vui chơi giải trí đang kinh doanh khá tốt, như Đầm Sen, Suối Tiên, Thác Giang Điền, Bò Cạp Vàng, Đại Nam, Thiên Đường Bảo Sơn, Vinpearl Land, Đảo Hoa Lan, Đảo Khỉ, Bà Nà Hills, Asia Park, Safari Phú Quốc, nhưng theo đánh giá của một lãnh đạo trong ngành du lịch, Việt Nam vẫn thiếu những tổ hợp giải trí quy mô lớn và đa số các khu du lịch vui chơi giải trí làm chưa tới.

Nhiều khu du lịch sinh thái kết hợp nhà vườn chưa xứng tầm do quỹ đất không lớn là lý do chính. Cũng theo chia sẻ của vị lãnh đạo này, trong khi các khu du lịch vui chơi giải trí ở các nước ngày càng mở rộng thì ngược lại tại Việt Nam, sau một thời gian hoạt động, một số lại kém hấp dẫn, xuống cấp. Lý do là thiếu kinh phí nâng cấp và đầu tư các hạng mục mới, không có sản phẩm du lịch mới.

Đơn cử như Khu Du lịch Sinh thái Nậm An (Hà Giang) từng được đầu tư gần 3 tỷ đồng và xem là "nơi tìm đến, chốn mong về” của không ít khách du lịch, trong đó, điểm nhấn là khí hậu trong lành, mát mẻ, nhà sàn giữa núi rừng, những bữa cơm với nhiều sản vật địa phương như gà đen, lợn tên lửa, cá suối, dê núi cùng các món rau rừng độc đáo. Đặc biệt người Dao nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống từ nhà ở, phong tục tập quán đến lễ hội. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, khu du lịch này đã bị xuống cấp trầm trọng, nhất là đường đi không được tu bổ nên khách chê không đến và phải ngưng hoạt động.

Hay như khu vui chơi giải trí và du lịch Suối Cát, Phan Thiết cũng được đầu tư khá quy mô và đã thu hút một lượng khách khá lớn trong những năm đầu, nhưng sau một thời gian hoạt động, việc kinh doanh không còn thuận lợi do chủ đầu tư "thiếu sức bền", không có vốn đầu tư tiếp, kết quả là "tiến thoái lưỡng nan".

Với dân số gần 90 triệu người, cùng với rất nhiều lợi thế về tự nhiên, thắng cảnh, bờ biển dài và đa dạng về văn hóa, lịch sử, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nói chung và bất động sản du lịch, xây dựng công viên giải trí chủ đề nói riêng.

Theo số liệu thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1998 - 2008, lĩnh vực du lịch Việt Nam đã thu hút được 431 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 18,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào du lịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khách sạn, còn lĩnh vực vui chơi giải trí chưa được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xác định quy hoạch hệ thống hơn 40 khu du lịch tiềm năng trên cả nước để tập trung thu hút đầu tư, có những chính sách ưu đãi ổn định, nhất là trong công tác đầu tư hạ tầng.

>Để thu hút du khách nhờ du lịch giải trí

>Du lịch chữa bệnh: còn bỏ ngỏ

>7 điểm du lịch kỳ thú nhất thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua đầu tư khu du lịch vui chơi giải trí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO