Cú sốc giá với ngành tiêu Việt Nam

AN PHƯƠNG| 25/05/2018 03:34

Mở rộng quá nhanh diện tích, sản lượng gia tăng đột ngột trong khi nguồn cung thế giới dồi dào, ngành tiêu Việt Nam đang đối mặt với tình trạng được mùa rớt giá.

Cú sốc giá với ngành tiêu Việt Nam

Quảng Trị là một trong những tỉnh phát triển cây tiêu vượt quy hoạch. Ảnh: Trạng Vĩnh Hoàng

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 215.000 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD. So với năm 2016, sản lượng tăng 20% nhưng giá trị kim ngạch giảm đến 22,2%.

Thế giới đang "ngập trong tiêu"

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2017 tăng hơn 40.000 tấn, dự báo năm 2018 tăng 80.000 tấn so với năm 2016. Điều này cho thấy thế giới đang sản xuất dư thừa hồ tiêu so với nhu cầu.

Giá hồ tiêu thế giới tăng cao suốt 10 năm đã kích thích nông dân Việt Nam mở rộng diện tích, nên đến năm 2017, diện tích hồ tiêu cả nước đã lên đến 152.000 hécta, sản lượng 240.000 tấn, chiếm gần 48% sản lượng tiêu của thế giới, góp phần quan trọng làm giảm giá hạt tiêu. Như năm 2017, giá hạt tiêu từ 11,33 USD/kg rớt xuống còn 4,78 USD/kg, mất đến 55% giá trị.

Link bài viết

Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện diện tích trồng hồ tiêu của tỉnh là hơn 13.000 hécta, vượt xa so với con số mà chính quyền dự định quy hoạch đến năm 2030 là 8.500 hécta. Do diện tích tăng mạnh, cung vượt cầu đã ảnh hưởng đến giá bán khiến nông dân không còn quan tâm chăm sóc cây tiêu nên các loại bệnh tấn công, năng suất giảm hẳn.

Đó cũng là tình trạng chung của các tỉnh trồng nhiều tiêu.

Ông Willem Van Walt Meijer - Tổng giám đốc Điều hành Công ty Nedspice Việt Nam chia sẻ, hiện nay việc xuất khẩu tiêu không còn hanh thông như trước. Trên thế giới, tiêu tồn quá nhiều đã kéo giá xuống thấp, khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này ngày càng thu hẹp.

Một số thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam như Ấn Độ, đã hạn chế nhập khẩu loại gia vị rất cần thiết này để bảo vệ ngành tiêu trong nước. Nếu nhập tiêu, Ấn Độ đánh thuế khá cao khiến doanh nghiệp kinh doanh tiêu không còn lãi. Thị trường Mỹ và nhiều nước châu Âu đã đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật với tiêu Việt Nam.

Điều đáng quan tâm nữa là các đối thủ cạnh tranh đang nổi lên gần đây gây sức ép rất lớn đối với ngành tiêu Việt Nam, đặc biệt là Brazil. Nguyên nhân, nước này sản xuất tiêu có chất lượng rất cao, gần như đạt chuẩn tiêu hữu cơ, giá bán rất cạnh tranh, khoảng từ 2 - 2,5 USD/kg.

Sở dĩ nông dân Brazil làm được điều này vì họ sở hữu diện tích đất rất lớn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Vì thế mà trước đây, mỗi năm CHLB Đức nhập đến 30.000 tấn tiêu của Việt Nam, nay chủ yếu là nhập tiêu Brazil, chiếm đến 38% lượng tiêu nhập khẩu. 

Campuchia cũng là nước đang phát triển mạnh cây tiêu, dự báo trong vài ba năm tới sẽ trở thành nhà xuất khẩu tiêu lớn thứ 3 hoặc thứ 4 trên thế giới.

Tìm lối ra

Rất khó dự báo khi nào giá tiêu phục hồi trở lại vì lượng xuất khẩu tăng 20%/năm, trong lúc nhu cầu thế giới chỉ tăng 5%/năm. Như vậy lượng tiêu tồn kho khó mà tiêu thụ hết trong thời gian ngắn.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời điểm giá thị trường thấp, cần phải tái cơ cấu lại vùng trồng, không tăng thêm diện tích, chính quyền các địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng những diện tích trồng tiêu không hiệu quả, năng suất thấp, nhiều sâu bệnh.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với nông dân tạo ra các vùng nguyên liệu sạch, vì nếu không xuất khẩu được tiêu chất lượng cao thì không thể cạnh tranh được giá bán với các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia. 

Thực tế, nhiều công ty xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam đã thực hiện rất tốt vùng trồng tiêu bền vững. Như Công ty Trân Châu đã hợp tác với nông dân làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ở những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là những thị trường sẵn sàng trả giá cao hơn với tiêu sạch.

Hay Công ty Nedspice Việt Nam tập trung sản xuất tiêu truy xuất nguồn gốc bằng việc hợp tác với nông dân Bình Phước với diện tích lên đến 1.000 hécta. Để thuyết phục nông dân tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, Công ty thường xuyên thưởng và khuyến khích nông dân làm ra sản phẩm chất lượng cao, đồng thời luôn rà soát quy trình sản xuất, giảm khâu trung gian để giảm chi phí. Bằng cách làm này, Nedspice Việt Nam đã xuất khẩu nhiều tiêu sang Nhật Bản với giá khá cao.

Để tiêu xuất khẩu cao giá, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành vùng hồ tiêu có chứng nhận sản xuất theo hướng bền vững với diện tích 1.338 hécta và đăng ký chỉ dẫn địa lý tiêu đen.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Trần Thanh Nam khẳng định, để phát triển bền vững ngành tiêu trong bối cảnh các nước gia tăng bảo hộ và nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt thì chỉ có cách doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát diện tích vùng trồng, cắt giảm chi phí sản xuất và đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cú sốc giá với ngành tiêu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO