Công thức thuê CEO “phiên bản 2”

PHẠM HOA LÀI| 27/05/2009 06:32

Vài năm trước đây, giới doanh nghiệp (DN) VN xôn xao về những cuộc trải thảm đón CEO, rồi sau đó liên tục “dậy sóng” bởi những vụ tan vỡ. Đến nay, người ta đã bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu của sự chuyên nghiệp và bền vững hơn giữa chủ DN và CEO. Ít nhất, đã có một vài hợp tác khá ấn tượng từ năm 2008 đến nay.

Công thức thuê CEO “phiên bản 2”

Vài năm trước đây, giới doanh nghiệp (DN) VN xôn xao về những cuộc trải thảm đón CEO, rồi sau đó liên tục “dậy sóng” bởi những vụ tan vỡ. Đến nay, người ta đã bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu của sự chuyên nghiệp và bền vững hơn giữa chủ DN và CEO. Ít nhất, đã có một vài hợp tác khá ấn tượng từ năm 2008 đến nay.

Công ty Thiên Long trước đây gắn liền với sản phẩm bút bi, nhưng trước sự thay đổi của thị trường, đơn vị này đã nỗ lực tìm cách thay đổi nội hàm và mở rộng tầm nhìn. Do đó, từ năm 2008, Thiên Long chính thức trở thành tập đoàn cổ phần (đã phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu - IPO - thành công vào đầu năm ngoái), năng lực lõi hiện giờ không chỉ là bút bi, mà là văn phòng phẩm; trong đó, các dòng chính là bút, văn phòng phẩm, học cụ và dụng cụ mỹ thuật. Theo kế hoạch 2008 - 2012 của tập đoàn này, mục tiêu mới được xác lập là trở thành tập đoàn văn phòng phẩm số 1 VN.

Với sự thay đổi rất lớn đó, ông Cô Gia Thọ, người sáng lập Thiên Long, đi một bước tất yếu là thuê giám đốc điều hành. Ông Võ Văn Thành Nghĩa, chuyên gia tư vấn quản trị, đã được mời vào vị trí này. Ông Nghĩa bước vào Thiên Long từ tháng 3/2008. Cho đến nay, cuộc “hôn nhân” này khá ổn định.

Ông Võ Văn Thành Nghĩa - Ảnh: Hồng Thành


Trong một cuộc gặp gỡ gần đây, ông Võ Văn Thành Nghĩa cho biết, tổng doanh thu của năm 2008 tăng 19,8% so với 2007, lợi nhuận tăng 26%. Kết quả này được Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Long đánh giá rất cao giữa bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế. Thiên Long cũng vừa ra mắt sản phẩm chiến lược mới - bìa hồ sơ - trong tuần qua.

Qua trao đổi, ông Nghĩa thể hiện rõ sự hài lòng và lạc quan với Thiên Long, dù theo ông, thách thức không hề ít, đến nỗi “tôi phải dành quá nhiều thời gian cho công việc và vợ tôi giận dỗi bảo tôi dọn nhà lên văn phòng ở luôn đi!”- ông Nghĩa nửa thật nửa đùa.

Nguyên nhân đầu tiên tạo nên kết quả tốt đẹp trên, theo ông Nghĩa, chính là mọi người trong cuộc đều dám thay đổi và nỗ lực thay đổi. “Người thay đổi đầu tiên là anh Thọ. Anh ấy có niềm tin và dám trao quyền” - ông Nghĩa nói. Nguyên nhân thứ hai là CEO mới thực sự “nhập gia” và hiểu hoàn cảnh hiện có của DN.

Ông Nghĩa cho biết, khi đảm nhận vai trò CEO, ông không kéo theo ê-kíp mới nào về cả. Ngoài ông ra, tất cả nhân sự đều là người cũ. “Chúng tôi biết rằng đôi khi, để tạo luồng gió mới, cần phải thuê người mới nhưng sẽ chỉ thuê khi thấy người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp”. Thay vào đó, ông Nghĩa xây dựng động lực mới cho đội ngũ hiện có.

“Chúng tôi định biên lại công việc, thay đổi thu nhập, lương - thưởng cho nhân viên. Trong đó, chúng tôi xây dựng cơ chế lương hiệu quả, tức mọi người được thu nhập và ghi nhận trên chính công sức và năng lực của mình. Cách làm này trước đây chưa được công ty áp dụng. Thay đổi đó tạo nên sự phấn khích trong tất cả các bộ phận”.

Khi đã “khai thông” được về mặt con người, những hoạt động tái cấu trúc DN khác trong Thiên Long đều diễn ra suôn sẻ với kết quả tích cực. Năm 2009 sẽ là năm tập trung tăng tốc của Thiên Long với mục tiêu là hoàn thành 3/5 chặng đường mà tập đoàn này đặt ra cho kế hoạch đến năm 2012.

Năm 2008, giới DN cũng tập trung khá nhiều sự chú ý vào Công ty cổ phần Hàng gia dụng Quốc tế - ICP, trong đó, cốt lõi của câu chuyện là việc ông Lê Trung Thành về đảm nhận vị trí tổng giám đốc và chủ tịch điều hành. Ông Thành trước đây được biết nhiều với tư cách là một “ngôi sao” về marketing, từng làm Phó tổng giám đốc của Pepsico Việt Nam.

Ông Lê Trung Thành - Ảnh: Thu Hà


Cương vị CEO đầu tiên của ông Thành tại Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm, và đây cũng là một cuộc chia tay “điển hình” của “làn sóng” thuê CEO trong giới DN Việt. Tuy nhiên, sự ráp nối của ông Thành và ICP được đánh giá rất cao về triển vọng. Bởi vì ông Thành và ông Phan Quốc Công - người sáng lập ICP, tương đồng về thế hệ và “ngôn ngữ” khi cùng xuất thân từ các tập đoàn đa quốc gia, có cung cách làm việc hiện đại và quốc tế hóa.

Sự đánh giá lạc quan này được kiểm chứng phần nào qua những bước đi hiện nay của ICP. Sau khi khẳng định năng lực trên lĩnh vực hóa mỹ phẩm, công ty này đã chính thức “chào sân” lĩnh vực nước giải khát với bước đi rất khôn ngoan: Có được quyền kinh doanh nhãn hiệu nước cam Orangina trên thị trường 11 nước Đông Nam Á.

Cũng trong một cuộc gặp gần đây, ông Phan Quốc Công chia sẻ đôi nét về cách thức tạo sự hòa hợp: “Dù sao tôi cũng là người điều hành công ty từ đầu, nên tôi rất hiểu văn hóa, nhân sự ở đây. Vì vậy, lúc anh Thành mới về, tôi bàn giao quyền nhưng vẫn đứng bên cạnh hỗ trợ. Tôi không tham gia vào giải quyết sự việc cụ thể, mà chỉ tham vấn. Đội ngũ của chúng tôi đã có sẵn nền tảng thích ứng nên hòa hợp cũng rất nhanh”. Hiện ICP là một trong những doanh nghiệp VN được trông đợi nhất về mức độ đột phá.

Có thể dẫn ra khá nhiều trường hợp nữa, như Kềm Nghĩa hay Thời Trang Việt... cho thấy sự dung hòa, thích ứng giữa chủ DN - CEO để hình thành một mối quan hệ công việc chuyên nghiệp. Qua đây, có thể thấy rằng đã có sự khác biệt lớn trong “công thức thuê CEO” trong giới kinh doanh VN.

Trước đây, các DN thuê CEO chưa có kinh nghiệm trong việc thay đổi chính mình, chưa hiểu rõ về quá trình dung hòa, tái cấu trúc nên chưa tạo cơ chế làm việc tốt, thường sốt ruột về thời gian, hiệu quả, doanh số, lợi nhuận; đặc biệt, chưa thật sự “dọn nhà, trải thảm” đón người mới về.

Đồng thời, các ứng viên CEO cũng chưa thực sự có kinh nghiệm trên cương vị này nên có thể gây nên những “cú sốc” hay khoảng cách giữa hai bên. Còn nay, “công thức” hợp tác, nhìn chung, đã có những điểm chính như sau:

1. Chủ DN và CEO có tiếng nói tương đồng hoặc cố gắng tìm hiểu thẳng thắn lẫn nhau rồi mới quyết định hợp tác.

2. Chủ DN thực sự trao quyền và chấp nhận kế hoạch thực hiện của CEO, “đứng sau” hỗ trợ CEO thay vì chen ngang, “cầm tay chỉ việc” như trước kia.

3. Chấp nhận khoảng thời gian đủ cho sự thay đổi, thay vì mong đợi sự thay đổi cấp kỳ hoặc sốt ruột về hiệu quả. Về phía CEO, họ thâm nhập tốt hơn vào DN; nghiên cứu, thăm dò, sống cùng để hiểu điều kiện thực tế của DN và tìm cách tạo nên sự thay đổi, thay cho cách mang ê-kíp mới, yêu cầu cải tổ cấp kỳ, “gây sốc” như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công thức thuê CEO “phiên bản 2”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO