Công nghiệp dệt may: Leo bậc thang TPP

LỮ Ý NHI| 24/10/2014 09:31

Cơ hội lớn từ TPP, cũng như FTA với EU, Hàn Quốc... khiến nhiều doanh nghiệp dệt may mạnh dạn đầu tư và mở rộng các nhà máy.

Công nghiệp dệt may: Leo bậc thang TPP

Cơ hội lớn từ TPP, cũng như FTA với EU, Hàn Quốc... khiến nhiều doanh nghiệp dệt may mạnh dạn đầu tư và mở rộng các nhà máy. Đặc biệt, các dự án mở rộng năng lực sản xuất tự chủ từ khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm... như hướng đi lâu dài và bền vững trong chiến lược đưa ngành dệt may Việt Nam vào sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp dệt may thế giới.

Đọc E-paper

Hối hả trước giờ G

Trước làn sóng doanh nghiệp (DN) dệt may nước ngoài đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, các DN trong nước cũng đang chạy đua mở rộng năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, gia nhập TPP sẽ giúp DN được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan nên đây là cơ hội để DN dệt may trong nước nỗ lực đầu tư, mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên hàng loạt dự án dệt may đã và đang được khởi động.

Để đón đầu lợi thế này, năm 2014, Công ty An Phước đã thử nghiệm một số mẫu mã, chủng loại vải tốt hơn cho thương hiệu An Phước bằng việc đầu tư 600.000USD cho dây chuyền sản xuất vest và sơ mi.

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 896 triệu USD sợi dệt; gần 1 tỷ USD bông; 2,7 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may, da giày; 5,5 tỷ USD vải. Các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày lớn nhất cho Việt Nam không có Ấn Độ, chủ yếu là Trung Quốc (chiếm tới 33% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam) với 2,2 tỷ USD vải, 752 triệu USD nguyên phụ liệu, 270 triệu USD xơ, sợi dệt...

Trước đó, cuối năm 2013, An Phước đã đầu tư 450.000USD cho dây chuyền sản xuất đồ lót sau khi mua lại nhà máy sản xuất của hai thương hiệu đồ lót Anamai và Bonjour của một DN trong nước. Cuối năm 2013, Công ty CP May Sài Gòn 2 đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để cải tiến dây chuyền, nâng cao năng suất.

Trong khi đó, Công ty CP Dệt May Thành Công (TCM) cũng vừa đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Vĩnh Long, dự kiến hoạt động vào đầu năm sau. Với công suất thiết kế lên đến 6 triệu sản phẩm/năm, nhà máy này kỳ vọng sẽ tăng công suất khâu may của TCM lên 18% và đóng góp khoảng 13 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế của Công ty trong năm 2015.

Mới đây, Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) và Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Hương, chủ đầu tư KCN Việt Hương 1 và 2) cũng khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vải dệt các loại với vốn đầu tư 120 triệu USD tại tỉnh Bình Dương.

Theo ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐTV Nam Phương Textile, trong giai đoạn 1, sản phẩm chủ yếu dành để xuất khẩu, trong đó khoảng 90% xuất sang Mỹ, 10% xuất sang Nhật Bản. Ngoài ra, nhà máy sẽ hướng đến phục vụ thị trường Việt Nam và có thể xuất sang Indonesia, Malaysia, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD/năm...

Song song kế hoạch đầu tư để gia tăng năng lực, các DN còn đưa ra những chiến lược kinh doanh linh hoạt nhằm tiến lên một bậc cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất dệt may. TCM, với sự hỗ trợ của cổ đông lớn E-Land, đã linh hoạt khai thác các thị trường ngách và tập trung sản xuất vải cao cấp.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu vải cao cấp có nhiều tiềm năng nhờ nhu cầu thị trường lớn và tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Từ năm nay, TCM đã bắt đầu mở rộng sản xuất các mặt hàng vải chất lượng cao để cung ứng cho thị trường Nhật Bản.

Hiện nay, TCM đang cung cấp 25% nhu cầu vải cho một DN dệt may lớn của Nhật là Nomura Trading. Thiết kế và sản xuất loại vải này đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt là khả năng phối hợp các loại sợi có chất lượng và quy cách khác nhau nên lợi nhuận của các loại vải xuất sang thị trường này khá cao, vào khoảng 25%.

Hướng đi này còn giúp TCM tận dụng lợi thế về công nghệ và là sự chuẩn bị để Công ty bước lên những khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất dệt may. Hơn nữa, Nhật Bản cũng là một trong các nước đang tham gia đàm phánTPP. Do đó, khi TPP được ký kết, TCM sẽ có lợi thế để trở thành một trong những DN tiên phong trong việc khai thác thị trường này.

Tận dụng lợi thế về thị trường xuất khẩu, đồng thời cán đích doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020, đầu tháng 10/2014, TCM đã nhập thêm 15 máy dệt thoi và đã nâng công suất của khâu dệt lên khoảng 20%. Tương tự, Tổng công ty CP Phong Phú cũng công bố đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất và cung cấp nguồn nguyên phụ liệu cho ngành dệt may.

Hai trong những dự án lớn sẽ được Phong Phú triển khai là mở rộng dây chuyền sản xuất dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỷ đồng, dự án đầu tư sản xuất vải denim với số vốn 860 tỷ đồng tại KCN Lê Minh Xuân.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 7/2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước đã vượt qua điện thoại để trở thành ngành đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 7 đã đạt 2,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ 2013. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 11,48 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Giai đoạn năm 2015-2016, Phong Phú cũng sẽ đầu tư một dây chuyền kéo sợi với 20.000 cọc sản xuất, sản lượng ước đạt 3.200 tấn một năm và một nhà máy kéo sợi với 20.000 cọc chuyên cho vải dệt kim cao cấp. Với kế hoạch trên, đến năm 2020, số lượng nhà máy sản xuất theo dây chuyền kéo sợi của công ty này sẽ cán mốc con số 10.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty CP Phong Phú, cho rằng: "Khi TPP và các FTA với EU, Hàn Quốc... có hiệu lực, những DN dệt may chủ động tốt chuỗi sản xuất từ khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm sẽ có cơ hội giành được đơn hàng giá trị cùng những ưu đãi về thuế suất bằng 0%. Đó là lý do Phong Phú đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào nhà máy nguyên phụ liệu".

Ông Trần Đăng Tường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam, cũng cho biết, Thiên Nam đang hợp tác với một đối tác Hồng Kông đầu tư 75 triệu USD xây dựng nhà máy sợi 30.000 cọc tại phía Bắc để sản xuất sợi cao cấp hướng đến xuất khẩu. Tổng công ty Dệt may Gia Định (Giditex) cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất sợi quy mô 40.000 cọc, vốn đầu tư 400 tỷ đồng tại KCN Tân Tạo.

Bên cạnh chiến lược đầu tư nhà máy, mở rộng sản xuất, một số DN dệt may đang tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển đối tác, khai thác thị trường mới. Công ty May Việt Tiến cho biết đang triển khai chiến lược củng cố thị trường, đồng thời tiếp tục khai thác các thị trường mới để tìm kiếm khách hàng nhằm tận dụng hết lợi thế có được từ hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Nhà Bè, May 10, Garmex Saigon... cũng đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, công nghệ, thiết kế và phát triển sản phẩm mới. Tổng công ty 28 (Agtex) cũng đang hợp tác với một tập đoàn sản xuất vải len hàng đầu của Nhật Bản đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, và đang mở rộng thêm nhiều nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Công ty May Sài Gòn (Garmex), hiện đã mở chi nhánh tại Mỹ để bán hàng trực tiếp ở thị trường này...

NHẬP KHẨU HÀNG DỆT MAY CỦA THỊ TRƯỜNG MỸ

Những nút thắt khó gỡ

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, ngành dệt may sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 80% thay vì 45% như hiện nay. Song, chỉ một số DN lớn mới triển khai được chuỗi sản xuất khép kín, còn hầu hết DN dệt may vẫn đang khởi động chậm chạp vì vướng nhiều rào cản.

Theo lý giải của ông Ngô Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 2, nguyên nhân là do hầu hết các DN dệt may trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa, thiếu tiềm lực đầu tư vì vốn dành cho nhà máy sợi, dệt lớn hơn rất nhiều so với đầu tư một nhà xưởng may.

Hiện một nhà máy dệt nhuộm cần mức đầu tư từ 20 - 30 triệu USD, trong khi đó, đầu tư một xưởng may chỉ cần 1 - 2 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến công nghệ, bí quyết... và chưa chắc nhà máy của DN trong nước làm ra được sản phẩm chất lượng, giá bán cạnh tranh bằng DN FDI.

Ông Trần Anh Hào, Tổng giám đốc Công ty CP Bông Việt Nam, thừa nhận: "Dù nguyên liêu bông trong nước chất lượng tương đương với nước ngoài, nhưng nông dân không trồng nhiều vì không có chính sách hỗ trợ. Do năng suất thấp nên Công ty hiện nay chỉ cung ứng được 5% cho nhu cầu thị trường. Hơn nữa, do sản lượng thấp nên giá bông trong nước cũng khó cạnh tranh được với giá bông nhập khẩu".

Cũng theo ông Kiên, việc đầu tư nguyên liệu còn lệ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường. Đó là điểm yếu của các DN trong nước so với các DN FDI. "Đơn cử, một đối tác nước ngoài đặt hàng, chúng tôi đã đặt mua vải của một đơn vị trong nước nhưng đến bây giờ vẫn chưa đạt yêu cầu", ông Kiên phàn nàn.

Bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may Thành Công (TCM), cho biết, dù đã hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín, nhưng hiện tại TCM cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia khoảng 10% đối với những loại vải mà dây chuyền của TCM chưa sản xuất được.

Để giải quyết "nút thắt" này, TCM đã phải phối hợp bông, xơ và cả sợi nhập về từ nhiều nguồn để tạo ra nhiều loại sợi và vải có quy cách khác nhau mới đáp ứng yêu cầu chất lượng chuyên biệt của từng đơn hàng cụ thể.

Dù đang đầu sản xuất theo chuỗi khép kín, nhưng các DN cho biết vẫn đang gặp khó. Theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), thách thức lớn nhất là về vốn đầu tư, công nghệ, con người và cả đầu ra.

Tổng công ty CP Phong Phú, đơn vị sản xuất, cung ứng vải jeans khá lớn cũng cho biết, 100% nguồn vải jeans làm ra chỉ bán cho các DN sản xuất trong nước, chưa có DN FDI nào tại Việt Nam mua trực tiếp vải của Phong Phú để sản xuất, xuất khẩu. Hiện 60% sản lượng chỉ của Công ty Liên doanh sản xuất chỉ Phong Phú - Coats (Anh) bán tại thị trường Việt Nam là nhờ các nhà nhập khẩu chỉ định phải dùng chỉ của Coats.

Song, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), nút thắt lớn nhất đối với các dự án đầu tư vào nguyên phụ liệu, chính là khâu dệt nhuộm vì chi phí đầu tư, chi phí vận hành, xử lý nước thải quá lớn.

Ông Trần Đăng Tường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam, cũng cho rằng, đối với các DN đầu tư dệt nhuộm thì chi phí rất lớn, trong khi đó thử thách lại nhiều do quản lý khó.

Để nhà máy vận hành tốt thì phải thuê vài chục chuyên gia nước ngoài, như vậy, chi phí lương sẽ phải trả cao, trong khi đó DN phải tự đầu tư, vay vốn nên không cạnh tranh nổi với nước ngoài. Bên cạnh đó, thêm một nút thắt trong sản xuất vải hiện nay là ở vấn đề môi trường.

Địa phương nào cũng lo sợ các dự án nhuộm gây ô nhiễm, vì vậy, không ít dự án đã bị từ chối. Chẳng hạn, dự án dệt - nhuộm của GMC bị từ chối vì DN chỉ có khả năng đầu tư xả thải ở mức B (nước có thể trồng rau, nuôi cá), trong khi địa phương yêu cầu tiêu chuẩn nước thải loại A (nước có thể uống được).

Theo ý kiến của nhiều DN trong ngành, nếu các DN chỉ xây dựng hệ thống nước thải ra bồn chứa xử lý, sau đó các KCN sẽ tự xử lý khâu tiếp theo hoặc Nhà nước hỗ trợ khâu xử lý nước thải thì họ sẵn sàng đầu tư vào dệt nhuộm. Còn nếu để DN phải tự làm từ "A tới Z" như hiện nay thì chi phí quá lớn trong khi thu hồi nguồn đầu tư lại chậm.

Cũng theo kiến nghị chung của các DN dệt may, để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, cơ chế chính sách của Nhà nước về phát triển các khu công nghiệp tập trung cần được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Kế đó, Nhà nước phải định hướng cho các DN dệt may trong nước phối hợp với các DN đầu tư nước ngoài để tận dụng được nguồn lực từ bên ngoài và bản thân các DN trong nước phải chủ động được trong việc phát triển công nghệ quản trị để đảm bảo các sản phẩm trong nước đầu tư được đúng hướng.

Một vấn đề mang tính cốt lõi đó là các chính sách phải có tính xuyên suốt giúp tạo ra động lực để khuyến khích được DN trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp dệt may: Leo bậc thang TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO