Có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh

DNSG| 21/08/2009 05:37

Sau bài viết “Khiếu nại chất lượng sản phẩm: Gắp lửa bỏ tay người?” trên Báo DNSG (số 55 ngày 12 – 18/8/2009), nhiều ý kiến phản hồi đã được gửi tới nhằm chia sẻ thông tin cũng như mối quan tâm của các DN về vấn đề bức xúc này.

Có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh

Một nhãn hiệu có thể bị lụn bại trước những thông tin khiếu nại sai - Ảnh: Quý Hòa

Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty New Toyo VN: Xử phạt thông tin đồi thổi

Tôi đồng cảm với sự bức xúc và chia sẻ với những DN bị người tiêu dùng mượn cớ khiếu nại nhằm hạ uy tín DN khi chưa đủ căn cứ kết luận, đặc biệt khi kết quả kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm minh chứng DN không đi ngược lại cam kết chất lượng với người tiêu dùng. Đúng là mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, nhưng phải giới hạn trong một khuôn khổ, phạm vi nhất định và nói bằng lương tâm của chính bản thân mình, chứ không thể hành xử theo kiểu vì lợi ích bản thân mà giẫm đạp lên phẩm chất hoặc uy tín của người khác một cách phi văn hóa, phi đạo đức. Thiết nghĩ, luật pháp nên thiết lập khung xử phạt hành chính dựa trên mức tổn hại gây ra cho DN đối với những cá nhân hoặc tổ chức truyền thông cố ý đồn thổi thông tin sai sự thật.

Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK Quỳnh Minh Quân: Có thể khiến môi trường kinh doanh bất ổn

Chủ một DN lớn sau khi đọc bài “Khiếu nại chất lượng sản phẩm...” trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 55 đã lo lắng nói với tôi: “Khi môi trường kinh doanh tại VN bất ổn, các công ty nước ngoài bỏ sang thị trường khác thì sẽ có bao nhiêu công nhân ở VN thất nghiệp, bao nhiêu cơ hội được tiếp thu kiến thức và công nghệ mới mất đi, chưa kể việc thất thu các khoản thuế”. Song, điều đáng nói là các “chiêu” cạnh tranh không lành mạnh thời gian gần đây tỏ ra khá bài bản và khá “chuyên nghiệp”. Người ta biết cách vận dụng internet, blog, báo chí như là một công cụ để khởi phát dư luận, phát tán thông tin, diễn giải sự việc thiếu trung thực. Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp của Mead Johnson, nó còn tạo nguy cơ bất ổn xã hội diện rộng khi mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể tự kiểm nghiệm và dùng bất cứ phương pháp kiểm nghiệm nào. Rõ ràng, mặc dù VN đã có các quy định về quản lý internet và blog, nhưng qua những gì đang diễn ra, có vẻ như DN vẫn chưa được bảo vệ.

Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ: Không loại trừ dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh

Theo dõi những vụ người tiêu dùng khiếu nại một số DN trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, trong đó có Vinamilk, Kymdan, Mead Johnson (MJ), tôi thấy đúng là người tiêu dùng thiếu thiện chí với nhà sản xuất, dường như họ cố tình chăm chăm tìm kiếm “lỗi” của DN để thổi bùng lên dư luận nhằm hạ thấp uy tín của DN. Chính điều này khiến nhiều người còn “tỉnh táo” phải đặt nghi vấn: Thị trường vốn cạnh tranh khốc liệt nên cũng không loại trừ khả năng có dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh thông qua “kịch bản” khiếu nại. Dưới góc nhìn của một doanh nhân, tôi nhận thấy, MJ hành xử quá chậm chạp và không chuyên nghiệp trong việc giải quyết khiếu nại của khách hàng. Đây cũng là bài học cho tôi khi giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Nguyễn Lâm Hương - Giám đốc Công ty Hoàng Hương: Người làm báo cần thận trọng

Là DN sản xuất thực phẩm, tôi rất lo lắng vì những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra ngày một nhiều, mà khung xử phạt của pháp luật vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn, hoặc nếu có thì DN cũng rơi vào tình trạng “chờ được vạ má đã sưng”. Trong khi khung pháp luật chưa hoàn thiện, thì những người làm báo phải có tâm, cần thận trọng khi đăng tải những thông tin chưa rõ ràng hoặc đang trong thời gian kiểm chứng để không gây hoang mang cho người tiêu dùng. Xây dựng được một thương hiệu phải mất rất nhiều công sức, và là mồ hôi, nước mắt của DN nên chỉ cần một thông tin sai lệch (như trường hợp của Vinamilk), hoặc không cần thiết khi mọi việc đã giải quyết ổn thỏa (trường hợp Kymdan) cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động của DN cũng như uy tín của họ. Lâu nay, theo cách nghĩ của nhiều người, hễ có sự cố trong thực phẩm là đổ tội cho nhà sản xuất, rồi vội vã thông tin rùm beng, trong khi một sản phẩm được đưa ra thị trường còn qua nhiều khâu khác như vận chuyển, bảo quản, phân phối..., thậm chí có cả lỗi bảo quản của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO