Cơ hội từ VKFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi cách tiếp cận

HOÀNG DUY| 19/05/2018 06:31

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ năm 2015 nhưng đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt các ưu đãi do VKFTA mang lại so với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cơ hội từ VKFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi cách tiếp cận

Triển lãm sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của DN Hàn Quốc tại một hội chợ quốc tế ở TP.HCM. Ảnh: Tuyết Ân

Theo các chuyên gia tại Hội thảo Tận dụng ưu đãi và thực thi VKFTA hồi tuần rồi tại TP.HCM, cả các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận VKFTA chủ động hơn.

Theo khảo sát của Công ty Dịch vụ hải quan Shinhan (Hàn Quốc), 72% doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã tận dụng ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, nhưng chỉ có 24% tận dụng được ưu đãi từ VKFTA.

Còn theo nghiên cứu của Đại học Myongji Hàn Quốc, tỷ lệ tận dụng ưu đãi VKFTA trong xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc là 58,8% năm 2016, chủ yếu là các mặt hàng dệt may, giấy và gỗ...

Kỳ vọng thương mại 100 tỷ USD

Thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 64 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu tận dụng tốt cơ hội từ VKFTA, con số này còn có thể khả quan hơn.

Kết quả này góp phần gia tăng kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn tới, theo đó 2 bên điều chỉnh kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 so với mục tiêu đề ra trước đây là 70 tỷ USD.

Link bài viết

Thống kê năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc 46,8 tỷ USD, tăng hơn 45,5% so với năm 2016, đưa Hàn Quốc thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức thâm hụt thương mại gần 32 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2016.

Thâm hụt thương mại về phía Việt Nam tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm 2018, với kim ngạch 2 chiều đạt 22 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ 2017, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ, trong khi Việt Nam xuất sang Hàn Quốc chỉ 5,8 tỷ USD, tăng hơn 31%.

Theo ông Lê An Hải - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), để hiện thực hóa mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam đang đưa ra bản dự thảo kế hoạch xuất khẩu vào Hàn Quốc với các nhóm mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Định hướng đẩy mạnh kết nối các mặt hàng tiêu dùng vào các chuỗi cung ứng và phân phối của Hàn Quốc với sự hỗ trợ lẫn nhau theo hướng cân bằng thương mại, giảm tỷ lệ nhập siêu và chú trọng vào dịch vụ công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương Hàn Quốc cho biết đã có những chuẩn bị bài bản từ khi ký VKFTA với Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VKFTA trong xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chững lại. Nguyên nhân chính là do tập trung chủ yếu ở một số ngành hàng được ưu đãi như thủy sản, đồ gỗ, dệt may và da giày trong khi thị trường có xu hướng bão hòa.

Theo KOTRA (Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc), lộ trình giảm thuế và những chính sách ưu đãi chưa được khai thác hết với những ngành quan trọng như năng lượng, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo...

Chủ động tiếp cận cơ hội

Dù các con số nói trên là khả quan nhưng các đại diện của Bộ Công Thương và KOTRA đều có chung nhận định VKFTA chưa được cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt các ưu đãi lẫn cơ hội thị trường. Trong khi Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị và cụ thể hóa các cơ hội hết sức bài bản thì phía Việt Nam còn nhiều lúng túng.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi phía Hàn Quốc để tận dụng được những ưu đãi từ VKFTA để thúc đẩy thương mại song phương và xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam đạt được những kết quả khả quan hơn nữa từ thị trường Hàn Quốc.

Giáo sư kinh tế Kim Hansung của Đại học Ajou (Hàn Quốc) cho rằng, do chưa có hệ thống chứng nhận xuất xứ phù hợp nên doanh nghiệp Việt Nam khó tận dụng được những ưu đãi từ các FTA mang lại, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và đảm bảo về xuất xứ hàng hóa là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp khi thực thi các FTA.

Việc thiết lập mạng lưới kết nối doanh nghiệp để chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm tận dụng VKFTA trong cộng đồng doanh nghiệp cũng rất cần thiết. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động tiếp cận thông tin, đặc biệt thiết lập bộ phận xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu liên quan đến các FTA để hiểu biết về cơ hội từ các hiệp định này cũng như ứng phó với những thay đổi về môi trường thương mại.

Ông Choi Dae Kyoo - chuyên gia từ Công ty Dịch vụ hải quan Shinhan chia sẻ, có nhiều yếu tố dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa tận dụng được VKFTA như kỳ vọng. Chẳng hạn để được áp dụng thuế suất ưu đãi theo hiệp định, các mặt hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc phải được chứng minh là hàng Việt Nam, tương tự khi nhập khẩu sản phẩm từ Hàn Quốc cũng phải có chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng ngay ở bước tiếp cận này. 

Tiếp đến là do thiếu hiểu biết về phương pháp quản lý xuất xứ, phân loại danh mục nguyên liệu nguồn hay chế độ công nhận lẫn nhau về chứng nhận xuất xứ.

Để giải quyết những hạn chế này, ông Choi nhấn mạnh, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cho nhân viên chuyên trách, đặc biệt là bộ phận nghiên cứu phát triển kinh doanh để họ tiếp cận cơ sở dữ liệu về các FTA. Việc thiết lập mạng lưới kết nối doanh nghiệp để chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm tận dụng VKFTA trong cộng đồng doanh nghiệp cũng rất cần thiết.

KOTRA cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc đã thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng như xét chứng nhận ưu đãi thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Một trang web thông tin về những chính sách ưu đãi nhập khẩu hàng hóa đến từ Việt Nam, trong đó bao gồm hệ thống thông tin trực tuyến đăng ký chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Phía Việt Nam, theo ông Hải, Bộ Công Thương 2 quốc gia đang có những nghiên cứu chung để đánh giá về hiệu quả từ VKFTA để đưa ra một cơ chế, khung hợp tác, cung cấp thông tin đa dạng hơn để doanh nghiệp 2 nước tận dụng các cơ hội thị trường.

Các chương trình xúc tiến thương mại thời gian tới nhắm đến hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kết nối với hệ thống phân phối Hàn Quốc; minh bạch tiêu chuẩn chất lượng làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa với Hàn Quốc nói riêng và xuất khẩu nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội từ VKFTA: Doanh nghiệp Việt cần thay đổi cách tiếp cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO