Cơ cấu lại ngành dệt may: Phải "chịu đau"

HẢI VÂN| 15/06/2017 09:41

Cơ cấu lại ngành dệt may đến năm 2020 bao gồm chiến lược phát triển, đầu tư công nghệ mới và từng bước đóng cửa các nhà máy sợi và dệt công nghệ cũ...

Cơ cấu lại ngành dệt may: Phải

Cơ cấu lại ngành dệt may đến năm 2020 bao gồm chiến lược phát triển, đầu tư công nghệ mới và từng bước đóng cửa các nhà máy sợi và dệt công nghệ cũ...  

Đọc E-paper

Vừa đổi mới, vừa sắp xếp lại, Công ty CP Dệt may Nam Định đã trải qua cuộc "đại phẫu": buộc phải "chịu đau" khi cắt giảm từ 18.000 xuống còn hơn 4.000 lao động. Song cái được lớn nhất là hơn 4.000 lao động này đang làm ra tổng sản lượng bằng 18.000 lao động trước đây.

Diễn biến khả quan này của Dệt may Nam Định chỉ là một trong những thông tin tích cực đến từ ngành dệt may những năm gần đây. Ngành dệt may đang đi theo cách riêng để đáp ứng nhu cầu của chuỗi giá trị toàn cầu. Năng suất lao động được tăng theo hướng thay đổi trang thiết bị hằng năm, từng bước loại bỏ các nhà máy có công nghệ cũ.

Thế nhưng việc đưa ngành dệt may Việt Nam tiến lên một nấc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu lại không do ngành này quyết định. Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được Bộ Công Thương trình Chính phủ trong tháng 6 này, trong đó bao gồm các nội dung về cơ cấu lại ngành dệt may.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các dữ liệu về ngành dệt may trong bản kế hoạch này có độ tin cậy thấp. Chẳng hạn con số năng suất lao động từ 35 - 40 triệu đồng/người/năm là không chính xác, thấp hơn so với thực tế. Năm 2016, xuất khẩu hàng dệt may đạt 28 tỷ USD và nhập khẩu 17 tỷ USD nguyên phụ liệu. Lấy con số thặng dư này chia cho 2,1 triệu lao động trong ngành thì năng suất của mỗi người khoảng 140 triệu đồng. Với cách tính sơ bộ, ông Trường đã có kết quả gấp 4 lần con số được ghi trong bản kế hoạch của Bộ Công Thương.

Kế hoạch chỉ đưa ra các mục tiêu như sắp xếp lại doanh nghiệp theo khu vực địa lý, đóng cửa các doanh nghiệp công nghệ lạc hậu nhưng không có phương án thực hiện.

>>Ngành dệt may không còn lợi thế lao động giá rẻ?

Có 3 phương án để tăng năng suất ngành dệt may, ông Trường nói. Một, đầu tư máy móc năng suất cao, dùng ít lao động. Hai, đóng cửa doanh nghiệp năng suất kém, giảm bớt doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng cao. Ba, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng để chọn doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.

Cơ cấu lại là phải dám cắt bỏ những thứ không đem lại hiệu quả. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, với tổng số 50 triệu công sợi, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu ngành dệt may phải đóng cửa 100 công sợi mỗi năm, máy sợi sản xuất trước năm 1990 đến năm 2015 phải dừng hoạt động.

Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương - đơn vị soạn thảo bản kế hoạch này cho rằng, "điểm nghẽn" của ngành dệt may nước ta là nguyên phụ liệu. Giải pháp cho vấn đề này là tập trung tiền đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Vấn đề này ông Trường lại khẳng định "không đem lại hiệu quả”, chỉ như bệnh nhân sốt do viêm nhiễm mà chỉ uống thuốc hạ sốt thông thường.

Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành dệt may, Bộ Công Thương đã không tính đến vị trí địa - kinh tế của nước ta. Trung Quốc đang sản xuất 54% tổng sản lượng hàng dệt may của thế giới. Chẳng hạn, một khách hàng may 10 sản phẩm thì có 5 sản phẩm từ Trung Quốc, 2 sản phẩm từ Việt Nam, 2 sản phẩm từ Campuchia, một sản phẩm từ Bangladesh.

Khi đó, các nước phải quản lý chuỗi cung ứng và phải tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu. Trung Quốc sẵn nguyên liệu, đủ số lượng, đạt chất lượng, cạnh tranh về giá. Giả định, Việt Nam đầu tư nguồn nguyên liệu để bán, nhưng có đủ sức thay thế hoàn toàn nhà cung ứng Trung Quốc không, cạnh tranh được về giá không và có thuận lợi về giao hàng không? Với điều kiện hiện tại, tìm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu ở Trung Quốc gửi sang Việt Nam còn nhanh hơn doanh nghiệp Việt Nam gửi cho nhau ở thị trường nội địa. Bởi vì Trung Quốc sản xuất lớn, có tồn kho, còn Việt Nam chỉ làm theo yêu cầu nên sản xuất chậm hơn.

>>Ngành in đối đầu với thế giới ảo

Hiện nước ta đang thiếu 6,5 tỷ mét vải/năm. Các nhà làm kế hoạch mới chỉ tính đến việc đầu tư để sản xuất đủ nhu cầu, chưa tính đến sự chấp nhận sản phẩm của thị trường.

Các doanh nghiệp may có mua vải sản xuất trong nước, hay 6,5 tỷ mét vải ấy với tiền đầu tư khoảng 20 tỷ USD sẽ trở thành khoản đầu tư không hiệu quả. Theo ông Trường, nếu tách rời chuỗi cung ứng toàn cầu và vai trò quyết định của toàn chuỗi, chỉ làm theo kiểu đang thiếu cái gì làm cái đấy, sẽ không đúng với kinh tế hội nhập, không đúng với xu thế toàn cầu hóa.

Việt Nam nằm trong top 5 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới. Về năng suất lao động ngành may, Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, nhưng lại đứng cuối cùng trong top 5 về sợi và dệt. Nguyên nhân là do thiếu vốn, nên nước ta chậm đóng cửa các nhà máy sợi và dệt công nghệ cũ.

Ngành dệt may Việt Nam không đủ năng lực để thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu nếu sản xuất ồ ạt theo hướng thiếu bao nhiêu làm bấy nhiêu. Trong bối cảnh đó, "quyết định nội địa hóa phải tăng lên 60 - 70% là sai đường", ông Trường nói.

Theo ông Trường, năng lực cạnh tranh phải là mục tiêu, còn nội địa hóa là giải pháp. Ngành dệt may đang phải cạnh tranh hoàn toàn, không có hỗ trợ của Nhà nước, nên buộc phải cân đối theo cách đó.

Ngành dệt may đang sắp xếp theo hướng đi cùng các thương hiệu trung bình hoặc thương hiệu cao cấp nhưng có một lượng không nhiều sản phẩm trung bình có yêu cầu kỹ thuật cao. Hiện các doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc "chê" không sản xuất loại sản phẩm này do năng lực quá lớn.

Doanh nghiệp dệt may "đang bơi" để đạt được kim ngạch 40 tỷ USD xuất khẩu năm 2017. Thế nhưng trong kế hoạch cơ cấu lại ngành dệt may, các nhà làm chính sách vẫn chỉ đưa ra mục tiêu mà không chuẩn bị nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ cấu lại ngành dệt may: Phải "chịu đau"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO