Chỉ dẫn địa lý - "cửa mở" cho nông sản xuất khẩu

24/04/2013 07:13

Cà phê, hồ tiêu, hạt điều và nhiều loại trái cây của Việt Nam là đặc sản tại châu Âu. Vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) đang được đặt ra hết sức bức thiết, theo ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam.

Chỉ dẫn địa lý -

Cà phê, hồ tiêu, hạt điều và nhiều loại trái cây của Việt Nam là đặc sản tại châu Âu. Vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) đang được đặt ra hết sức bức thiết, theo ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam.

* Trong tương lai gần, khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết sẽ tác động như thế nào đến xuất khẩu (XK) nông sản Việt Nam vào EU?

Ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam

- Ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam:

Là thị trường tiêu thụ nông sản quan trọng của Việt Nam, gần 18% nông sản XK của Việt Nam được đưa vào EU, với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm. Các mặt hàng chè, cà phê, mây tre, thủy sản, lâm sản đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng EU.

Hiện nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất sang EU phải chịu mức thuế tương đối cao, trung bình gần 19%. Quá trình đàm phán FTA EU - Việt Nam đang diễn biến hết sức tích cực. Nếu FTA được ký kết, mức thuế của hầu hết mặt hàng nông sản của Việt Nam khi XK vào EU sẽ chỉ còn 0%, một số ít mặt hàng còn lại chịu mức thuế 0,5 - 5%.

Đồng thời, các điều khoản cụ thể của Hiệp định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI), thương hiệu nông sản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Hiện nhiều loại nông sản Việt Nam đã nổi tiếng ở EU, khiến các doanh nghiệp (DN) ở nhiều quốc gia khác đã nhái một số thương hiệu nông sản của Việt Nam đưa vào EU để tiêu thụ.

Mặt khác, một thực tế là hơn 90% lượng hàng nông sản của Việt Nam XK hiện phải mang thương hiệu của nước khác. FTA sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam đăng ký để bảo hộ trực tiếp nhãn hiệu tập thể các sản phẩm truyền thống của mình tại thị trường EU, tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm đó tại thị trường quốc tế.

* Xin ông cho biết tiến trình đăng ký GI tại EU?

- Tại EU hiện đã hình thành 3 hệ thống bảo hộ (với 3 logo) liên quan đến GI: chỉ dẫn xuất xứ được bảo hộ (PDO), chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI), bảo đảm đặc sản truyền thống (TSG). Hiện nay, tổng doanh thu thương mại của những nông sản được bảo hộ GI ở toàn EU đạt 54,3 tỷ EUR/năm, giá trị XK đạt 11,5 tỷ EUR/năm. Đến nay, cũng đã có 14 nhãn hiệu nông sản ngoài khu vực EU được chứng nhận đăng ký bảo hộ GI tại EU. Trong đó: Trung Quốc có 10 nhãn hiệu, Colombia có 1 nhãn hiệu, Ấn Độ có 1, Thái Lan có 1, và Việt Nam có 1 nhãn hiệu là "Nước mắm Phú Quốc".

* Khi một loại nông sản được bảo hộ GI, có chắc là giá bán sẽ tăng không, thưa ông?

- Cơ hội tiếp cận thị trường và bảo hộ GI là 2 vấn đề khác biệt nhưng luôn phải đi song song với nhau. Nếu không có bảo hộ thì việc tiếp cận thị trường quốc tế là rất khó. Khi được đăng ký GI thì chất lượng sản phẩm đó đã được bảo hộ ở EU. Ví dụ như cà phê:

Chúng tôi cần một chứng nhận để biết được loại cà phê này được sản xuất ở đâu và có nguồn gốc như thế nào. Chính vì vậy, GI là một trong những yếu tố giúp tiếp cận thị trường tốt hơn. Khi nông sản đươc bảo hộ về GI sẽ đảm bảo đạt lợi nhuận cao vì giá bán bình quân của các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tại EU cao gấp 2,23 lần giá sản phẩm cùng loại không dán nhãn hiệu này.

* Ông nhận định thế nào về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam?

- Hiện hàng nông sản Việt Nam bán trên thị trường hầu như không được gắn tem, nhãn, bao bì chính thống và chưa được kiểm soát chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Tạo dựng và bảo vệ thương hiệu cho hàng nông sản Việt không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, điều khó khăn nhất chính là quy mô sản xuất nông sản Việt Nam chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ, tự phát.

Vì vậy, để xây dựng được những thương hiệu nông sản Việt có sức cạnh tranh trên thị trường nước ngoài thì cần phải có sự đầu tư bài bản và sự hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước. Cần có những chương trình, những hoạt động rầm rộ hơn để thông tin cho người dân thấy được tác hại của các mặt hàng không rõ xuất xứ. Trên bao bì sản phẩm, các DN Việt Nam cần lưu ý ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ thì mẫu mã bao bì đẹp, thu hút cũng tạo được sự yêu thích và tin tưởng của người tiêu dùng thế giới.

* Theo ông, những mặt hàng nông sản nào của Việt Nam nên đăng ký ngay việc bảo hộ thương hiệu tại EU?

- Tôi được biết Việt Nam có gần 1.000 loại nông sản đặc sản có thể phát triển thành các chỉ dẫn địa lý, nhưng đến nay, mới có 3 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, trong đó duy nhất có nước mắm Phú Quốc được bảo hộ ở EU. Việt Nam có thế mạnh về các loại nông sản: gạo nếp, cà phê, nước mắm, trái cây, chè. Các sản phẩm hồ tiêu Chư Sê, cà phê Buôn Ma Thuột, chè Shan Tuyết Mộc Châu, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết… đều là những sản phẩm đã nổi tiếng khắp thế giới, vì vậy cần phải nhanh chóng đăng ký bảo hộ tại EU để tránh bị các nước khác làm nhái những thương hiệu này.

Giữa Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) cần xây dựng khung pháp lý cũng như khung chương trình để cho hai bên cùng nhận thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý này cũng như để bảo hộ cho người sản xuất và sản phẩm của họ.

* Cà phê nhân của Việt Nam thường được các nhà rang xay của EU phối trộn với các hương vị khác. Vậy trong trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký sẽ được bảo hộ như thế nào và liệu có quá phức tạp để bảo hộ vùng nguyên liệu so với thành phẩm như nước mắm Phú Quốc hay không?

- Việc bảo hộ vùng nguyên liệu như cà phê Buôn Ma Thuột vẫn khả thi, vì đó là sản phẩm nông nghiệp. Tuy rằng việc đăng ký như thế nào còn phụ thuộc vào việc xem xét cà phê thành phẩm so với nguyên liệu đầu vào như thế nào và khả năng truy xuất nguồn gốc đến đâu. Tuy nhiên, EU có quy định về chỉ dẫn địa lý cũng như quy định về đăng ký sản phẩm là nguyên liệu, nên tôi nghĩ có khả năng lớn sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột sẽ được đăng ký tại EU. Quy định của EU là quy định mở và chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu tất cả các yếu tố liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ dẫn địa lý - "cửa mở" cho nông sản xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO