Chất lượng cà phê: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều lo

15/12/2014 06:11

Lượng cafein trong cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế là 3%, nhưng loại cà phê được sử dụng tại nhiều quán hiện nay chỉ có khoảng 0,3 - 0,4% chất này.

Chất lượng cà phê: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều lo

Lượng cafein trong cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế là 3%, nhưng loại cà phê được sử dụng tại nhiều quán hiện nay chỉ có khoảng 0,3 - 0,4% chất này.

Vàng 1 thau 10

Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng cho thấy, lượng cà phê nguyên chất bán ra tại các quán cà phê chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vicofa, thời gian qua xuất hiện rất nhiều cơ sở rang xay cà phê không thương hiệu mà Nhà nước không quản lý, không kiểm soát được nguồn gốc, thành phần và chất lượng các sản phẩm này.

Mặc dù Vicofa cho biết lượng cà phê tiêu thụ tại thị trường trong nước chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Chính - Giám đốc công ty xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà (Kon Tum), cho rằng trong số 10% tổng lượng cà phê tiêu thụ trong nước, chỉ có khoảng 3 - 4% là cà phê thực sự, còn lại là tạp chất pha trộn với hương liệu.

Cũng liên quan đến chất lượng thật của sản phẩm này, ông Chính đưa ra một phép tính đơn giản, là với 1,5kg cà phê nhân (trị giá 70.000 đồng) mới cho ra 1kg cà phê bột, cộng với bao bì, chế biến (rang, xay), chi phí nhân công… giá thành tối thiểu của 1kg cà phê bột khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường đầy rẫy doanh nghiệp, cơ sở chế biến chào bán cà phê bột với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg.

“Hương liệu tự nhiên nếu nhập từ Đức giá 500.000 đồng/lít nhưng tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) chỉ 30.000 đồng/lít, thơm hơn nhiều so với cà phê nguyên chất… và mua rất dễ dàng", ông Chính nói.

Doanh nghiệp chịu tiếng oan

Cùng chung bức xúc, ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổng giám đốc công ty CP cơ khí Vina Nha Trang - đơn vị cung cấp thiết bị trong lĩnh vực chế biến cà phê, đánh giá, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được chất lượng cà phê. Ly cà phê ở các quán hiện nay pha quá nhiều thứ, người uống khó có thể biết.

Việc lạm dụng vị, hương liệu hóa chất đã gây mất hương vị đặc trưng của đồ uống này. Ngay cả với cà phê nhân, các nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài thậm chí không dùng bao đựng bằng nhựa PP, mà phải dùng bao đan bằng đay để tránh độc hại, trong khi người dân nước mình lại uống cà phê từ đủ loại chất độc hại.

Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh cà phê trong nước đã nêu bất cập hiện nay cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ quan tâm nhiều đến các công ty chế biến, xuất khẩu quy mô lớn, làm ăn đàng hoàng. Điều đáng nói là nhiều tiêu chí không phù hợp. Trong khi đó, cà phê bên ngoài, nhất là tại thị trường TP.HCM đa phần là “cà phê Kim Biên” lại không thể kiểm soát.

“Bắp, đậu nành, gạo… khi bị rang cháy quá mức sẽ tạo những tiền chất gây ung thư. Từng ngày người uống loại “cà phê” này đang nạp vào cơ thể nhiều chất độc hại, chưa kể hóa chất không rõ nguồn gốc”, ông Bình cảnh báo.

Vì vậy, theo ông Bình, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cần phải bắt tay để xây dựng lại hình ảnh cà phê đúng bản chất của nó, tạo ra sản phẩm cà phê an toàn cho người sử dụng. Cần phải có kế hoạch lâu dài, tạo dựng thành phong trào sử dụng cà phê sạch, tẩy chay cà phê kém chất lượng.

Thực tế trên cho thấy, việc đưa ra quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan nhằm bảo vệ người tiêu dùng là điều rất đáng quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chất lượng cà phê: Doanh nghiệp và người tiêu dùng đều lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO