Cánh cửa nào cho OTA Việt Nam?

NGUYÊN BẢO - PHẠM THỦY| 21/05/2017 06:38

Doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ phần lớn dịch vụ du lịch trực tuyến từ đặt vé máy bay đến thuê phòng, nhưng với dư địa của ngành còn lớn, nhiều doanh nghiệp địa phương đang mạnh dạn chia lại thị phần.

Cánh cửa nào cho OTA Việt Nam?

Tại thị trường Việt Nam, từ rất sớm, các doanh nghiệp nước ngoài đã nắm giữ phần lớn các dịch vụ du lịch trực tuyến từ đặt vé máy bay đến thuê phòng. Tuy nhiên, với dư địa của ngành còn khá lớn, nhiều doanh nghiệp địa phương đang mạnh dạn chia lại thị phần.

Đọc E-paper

Để tạo lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã liên kết cải tiến dịch vụ, phát huy thế mạnh "sân nhà" trong việc thấu hiểu khách hàng địa phương, mối quan hệ với nhà cung cấp nhằm tạo giá trị gia tăng cho dịch vụ.

Thế mạnh sân nhà

Ông Lương Hoài Nam - Giám đốc Điều hành Hàng không Hải Âu chia sẻ: "Với du lịch trực tuyến, người dùng ở Việt Nam đã quá quen với các trang Agoda, booking.com, Expedia. Vậy tại sao chúng ta không làm một trang du lịch trực tuyến chỉ phục vụ cho người Việt? Chúng tôi không có tham vọng toàn cầu, chỉ phục vụ người Việt đi lại trong nước và ra nước ngoài. Việt Nam đang tiến tới 100 triệu dân và đây là một thị trường rất lớn".

Ông Nam cũng nói thêm, ở Việt Nam, hình thức du lịch theo tour từ 30 - 40 người trên một chiếc xe ngày càng giảm, trong khi du lịch theo nhóm, gia đình và bạn bè ngày càng tăng. Với hình thức này, chỉ cần vé máy bay và khách sạn, không cần hướng dẫn viên, xe du lịch để phục vụ đoàn.

"Chính vì hiểu hình thức du lịch này nên khi lập trang OTA, chúng tôi đã tập trung vào gói sản phẩm nổi bật là Free and easy, hướng đến việc giảm giá cho khách hàng mua chung vé máy bay và thuê khách sạn", ông Nam cho biết.

Một số OTA (Online Travel Agent - đại lý bán vé đặt phòng khách sạn qua internet) Việt Nam chỉ rõ các điều kiện để họ tham gia thị trường du lịch trực tuyến. Chẳng hạn, thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho thấy, trên 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Trung bình mỗi ngày một người dành 2 giờ để kết nối internet qua điện thoại di động. Hơn nữa, xét về thói quen sử dụng internet như là công cụ tra cứu trước khi du lịch, theo nghiên cứu của Google năm 2016, 70% số người từng du lịch cho biết họ tìm kiếm thông tin qua thiết bị di động.

Với du khách hiện đại, di động là thiết bị trung tâm trong mọi kết nối với thế giới số. Nghiên cứu này cũng cho biết, nhóm ứng dụng hàng đầu mà người Việt Nam thường dùng khi du lịch là tìm chỗ ở (phổ biến nhất với 53%), hướng dẫn du lịch (44%). Mạng xã hội cũng là một trong những nguồn thông tin tham khảo quan trọng trước khi du lịch.

Du lịch trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Có nhiều nguyên nhân khiến mảng này phát triển như kinh tế tăng trưởng, người du lịch ngày một nhiều hơn, internet bùng nổ, ai cũng có thể sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin, dân số trẻ với xu hướng du lịch tự do, mua vé máy bay, đặt khách sạn mà không cần hướng dẫn và đặc biệt, sự tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ làm cho ai cũng có thể bay được. Vì vậy, du lịch trực tuyến sẽ là sự lựa chọn.

Công nghệ và thương hiệu

Năm 2014, HG Travel đã khai thác mảng du lịch trực tuyến thông qua trang Gotadi. Song, để cạnh tranh, công ty này đang trong quá trình tái cấu trúc. Có thể thấy, sự khác biệt giữa các OTA trong và ngoài nước chính là nền tảng công nghệ. Trong khi các trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài chú trọng vào yếu tố công nghệ thì OTA nội lại đi lên từ nền tảng của công ty du lịch.

Về vấn đề này, ông Ngô Minh Đức - Giám đốc HG Travel từng trả lời báo chí rằng, những công ty du lịch trực tuyến trên thế giới xác định họ là công ty công nghệ (tập trung vào tối ưu trải nghiệm của người dùng, tốc độ truy cập), trong khi mình lại xác định là công ty du lịch, điều này không đem lại hiệu quả khi phát triển một OTA đúng nghĩa.

"Mong muốn của chúng tôi là phát triển mạnh mảng công nghệ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa online và offline, kỳ vọng có thể chuyển từ công ty offline sang online từ 60 - 70% trong năm tới", ông Đức nói.

Gotadi cũng đang liên kết với các công ty cùng ngành, chi nhánh, công ty thương mại điện tử để tạo nên mạng lưới thu hút người dùng trong nước. Song song đó là thay đổi chiến lược kinh doanh. Cách nay 2 năm, Gotadi áp dụng mô hình B2C, hướng đến người dùng cuối.

"Sau 2 năm hoạt động, chúng tôi nghĩ rằng nếu chỉ làm B2C thì không hiệu quả nên phát triển thêm B2B - phục vụ doanh nghiêp, thông qua doanh nghiệp, tổ chức phục vụ cá nhân, nhân viên khách hàng của họ. Ví dụ một ngân hàng có hàng nghìn nhân viên, chúng tôi có thể tiếp cận và thực hiện một thỏa thuận để được phục vụ cho nhu cầu công vụ của ngân hàng và nhân viên của họ có thể sử dụng dịch vụ của chúng tôi cho nhu cầu cá nhân", đại diện Gotadi chia sẻ.

>>Hướng đi mới cho ngành du lịch sinh thái, miệt vườn

Trước Gotadi, năm 2011, Thiên Minh Group (TMG) cũng đã phát triển ivivu.com. Đây chỉ là một trong khá nhiều mảng của Thiên Minh trong ngành du lịch. TMG với thương hiệu lữ hành Buffalo đang đứng đầu tại thị trường việt Nam về cung cấp dịch vụ lữ hành với 3 mảng chính là dịch vụ du lịch, lữ hành và đặt phòng trực tuyến qua mạng trực tuyến ivivu.com với mức tăng trưởng hằng năm từ 25 - 30%.

Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 11 khách sạn, khu nghỉ với gần 800 phòng tại 3 nước Đông Dương, 12 văn phòng đại diện ở Đông Nam Á, Anh, Úc, Mỹ và Nhật Bản, phục vụ hằng năm khoảng 90.000 khách du lịch, 140.000 khách sử dụng dịch vụ lưu trú tại khách sạn của Tập đoàn. Đây là nền tảng bổ trợ đáng kể cho hoạt động của ivivu.com.

Theo thông tin từ ivivu, hiện lĩnh vực này đã có thể tự chủ về tài chính với khoảng 100.000 người dùng mỗi ngày nhưng đóng góp doanh thu vào TMG vẫn còn khá khiêm tốn (doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 khoảng 100 tỷ đồng). Con số này quá nhỏ so với 8,77 tỷ USD của "người khổng lồ" Expedia Inc., kiếm được vào năm tài chính 2016. Dẫu sự so sánh là khập khiễng nhưng cũng cho thấy, tiềm lực của các OTA trong nước còn hạn chế.

Khó khăn lớn nhất đối với các OTA địa phương khi cạnh tranh với các OTA ngoại là thương hiệu. Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Họ đang phải cạnh tranh với những đối thủ tầm cỡ thế giới, có bề dày thương hiệu lâu năm, đã chi nhiều tiền cho quảng cáo và được nhận biết.

Thêm nữa, một trong những khó khăn khác làm giảm thiểu sức cạnh tranh của OTA địa phương chính là phí thanh toán thẻ tín dụng ở Việt Nam vẫn còn rất cao, 2 - 3%, trong khi phí thanh toán thẻ tín dụng ở nước ngoài chỉ trên dưới 1%.

Với một vé máy bay có giá 1 triệu đồng thì không lớn, nhưng một hành trình trên 10 triệu đồng/người thì con số không hề nhỏ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước nên có chương trình cụ thể để phí thanh toán thẻ tín dụng ở Việt Nam giảm xuống bằng phí thanh toán thẻ tín dụng ở nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các OTA nội phát triển.

>>Du lịch TP.HCM: Vì sao du khách ít quay lại?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cánh cửa nào cho OTA Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO