Cải cách thủ tục thuế, phí không chính thức vẫn tăng

THANH HUYỀN thực hiện| 26/05/2017 03:33

Sau những cải cách về thủ tục thuế vẫn có doanh nghiệp phải đi lại tới 20 lần mới được hoàn thuế giá trị gia tăng" - bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho biết.

Cải cách thủ tục thuế, phí không chính thức vẫn tăng

"Sau những cải cách về thủ tục thuế vẫn có doanh nghiệp phải đi lại tới 20 lần mới được hoàn thuế giá trị gia tăng", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế cho biết.  

Đọc E-paper

* Chính phủ đang chú trọng vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Theo bà thì kết quả có khả quan?


- Lần đầu tiên Chính phủ có nghị quyết mà trong 4 năm liền giữ nguyên tên gọi là Nghị quyết 19NQ-CP. Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến thuế là nội dung xuyên suốt Nghị quyết 19NQ-CP năm 2014, 2015, 2016 và 2017.

Ngành thuế và hải quan đã có những nỗ lực trong quá trình cải cách này. Các doanh nghiệp đã phần nào được hưởng lợi từ kết quả cải cách thủ tục hành chính trong các Nghị quyết 19NQ-CP và gần đây là Nghị định 35 của Chính phủ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong thực hiện chính sách thuế. Khảo sát năm 2016 cho thấy, 55% doanh nghiệp từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về pháp luật thuế, tỷ lệ này của năm 2014 là 70%.

Cạnh đó, 41% doanh nghiệp gặp phiền hà khi tính thuế, nộp thuế, trong đó doanh nghiệp FDI là nhóm có tỷ lệ gặp phiền hà cao nhất, tới 53%. Kế đến là nhóm dân doanh với tỷ lệ 41%. Ngạc nhiên là nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ có tỷ lệ gặp phiền hà thấp nhất, chỉ 30%.

* Bà nói gì về những khoản chi không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu?

- Đó là thực trạng buồn. Sau những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, chi phí ngầm vẫn tăng. Năm 2016, có 34% số doanh nghiệp cho biết phải "chi trả" không chính thức, nói thẳng ra là "phí bôi trơn", trong khi đó năm 2014, con số này là 32%.

Có tới 44% doanh nghiệp FDI cho biết có "chi trả" không chính thức. Trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan, năm 2016 vẫn có 31% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, năm 2015, con số này là 28%.

* Bà có nhận xét gì về quy định tính tiền thuế nộp chậm hiện hành?

Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, một trong những hành động tiếp theo của Chính phủ là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstics. Đây là những chi phí đang đè nặng lên doanh nghiệp, cần nghiên cứu để giảm bớt.

- Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi bị tính tiền thuế chậm nộp và xử lý tiền lãi của doanh nghiệp do lỗi của hải quan. Trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế đã có các khoản giảm dần tiền thuế chậm nộp, nên từ năm 2014 đến nay đã giảm từ 0,07% đến 0,05% và 0,03%. Tuy nhiên, bất cập là doanh nghiệp phải tự xác định số tiền phạt vì chậm nộp thuế.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định nếu vụ việc thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế hay hải quan thì các cơ quan này phải chịu phạt. Tuy nhiên, mức phạt 2 bên là khác nhau.

Theo quy định, nếu như mức phạt của doanh nghiệp tính theo tỷ lệ cố định thì mức phạt do lỗi của cơ quan thuế hay hải quan tính theo tỷ lệ lãi tiền vay.

* Theo bà, sự khác biệt đó là gì ?

- Khi nộp thuế chậm thì doanh nghiệp phải tự tính và "tự phạt". Nhưng nếu doanh nghiệp muốn cơ quan thuế hay hải quan đền bù thì phải làm văn bản, phải xác định số tiền do họ thu sai, hoàn sai, ấn định sai. Sau đó, cơ quan thuế hay hải quan mới có văn bản và xử lý cụ thể.

Tôi cho đây là sự bất bình đẳng về đối xử giữa bên thuế hay hải quan với doanh nghiệp bởi mức xử là khác nhau, cách xử lý cũng khác nhau.

* Liên quan đến một số vụ việc tranh chấp trong định giá hải quan, bà nhận xét thế nào?

- Xác định yếu tố về tranh chấp trong định giá hải quan là vấn đề khó. Sau tranh chấp, nếu sai phạm thuộc về công chức hải quan thì phần chậm nộp phải tính cho cơ quan hải quan chịu trách nhiệm. Phía hải quan chỉ tính tiền chậm nộp đó cho doanh nghiệp khi đã xác định chính xác lỗi từ doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, tranh chấp trong định giá hải quan cần được xác định lại, theo hướng 2 bên cùng được xử lý như nhau.

* Nhưng làm thế nào để xác định trị giá hải quan đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, đồng nhất và dễ hiểu, thưa bà?

- Cơ quan hải quan và doanh nghiệp cần thống nhất quan điểm trong tính toán để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như tránh chỉ thu lợi cho ngân sách, chỉ như vậy mới đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

* Cám ơn bà!

>>3 thủ tục hành chính được kết nối cơ chế một cửa quốc gia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách thủ tục thuế, phí không chính thức vẫn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO