Các công ty lớn của Việt Nam trong vòng xoáy M&A

NGỌC ANH| 15/10/2018 06:32

Các Tập đoàn nước ngoài đã và đang tìm cách nắm quyền chi phối, sở hữu các công ty lớn của Việt Nam, cho mục đích thâm nhập thị trường, ngành nghề là chủ yếu. Các hợp tác này, có khi là đôi bên cùng hợp tác phát triển nhưng có khi là thâu tóm Công ty.

Các công ty lớn của Việt Nam trong vòng xoáy M&A

Vinamilk VNM), Nhựa Bình Minh (BMP), Sabeco (SAB), Dược Hậu Giang (DHG) đều là những công ty lớn, nằm trong nhóm doanh nghiệp phát triển bền vững và có cổ phiếu thuộc top VN30 của thị trường chứng khoán (tính đến tháng 7/2018).

Chính vì thế, câu chuyện ai đang nắm giữ cổ phần lớn nhất ở các doanh nghiệp này luôn là đề tài đáng quan tâm của thị trường.

SCIC vẫn là cổ đông lớn nhất ở Vinamilk

Trong danh sách các cổ đông lớn hiện nay của Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn là cái tên dẫn đầu. Ngôi vị này được thiết lập nhiều năm nay. Khi VNM mới cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước vẫn nắm hơn 60%. Sau các đợt thoái vốn, chào bán riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên, SCIC hiện chỉ còn nắm giữ hơn 36% vốn tại VNM. Đây là tỷ lệ vẫn đảm bảo cho SCIC thực hiện quyền phủ quyết.

Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC từng cho biết, việc SCIC có tiếp tục thoái vốn ở Vinamilk nữa hay không sẽ tùy vào quyết định của Thủ tướng và Chính phủ. Nhưng như chia sẻ trước đó từ phía SCIC, tinh thần chung của SCIC trong khoản đầu tư tại VNM là sẽ thoái vốn từ từ, nhiều lần, dựa trên khả năng hấp thụ của thị trường. Và Nhà nước vẫn muốn duy trì quyền sở hữu cổ phần ở mức đủ cao để có quyền phủ quyết tại nhóm doanh nghiệp lớn.

cong ty lon viet nam doanhnhansaigon

SCIC từng xem Vinamilk là "con gà đẻ trứng vàng" cho SCIC. Thời điểm SCIC còn sở hữu gần 45% vốn điều lệ tại Vinamilk, hằng năm SCIC thu về hàng ngàn tỷ đồng tiền cổ tức. Bây giờ, dù SCIC chỉ còn giữ 36% vốn, song nguồn thu từ cổ tức vẫn rất lớn.

Về phía Fraser and Neave (F&N), Tập đoàn của tỷ phú người Thái, có trụ sở ở Singapore, cũng xem khoản đầu tư vào Vinamilk là quan trọng nhất tại Việt Nam. Năm 2017, khoản đầu tư ở Vinamilk đã giúp đem về 924 triệu USD, chiếm khoảng 47% lợi nhuận trước lãi vay và thuế cho F&N. Trong nửa đầu niên độ 2018, khoản đầu tư tại VNM góp gần 37% lợi nhuận cho F&N.

Một cái tên đáng chú ý khác là Platinum Victory, thuộc Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage Limited (JC&C). Platinum Victory đã trở thành cổ đông lớn tại Vinamilk sau đợt mua cổ phiếu VNM từ tay SCIC vào cuối năm ngoái và cả mua qua khớp lệnh trên sàn.  

Cả F&N lẫn JC&C đều cử người vào hội đồng quản trị của Vinamilk. Cả hai cũng đều muốn tiếp tục gia tăng sở hữu tại VNM. Chẳng hạn F&N kiên trì đăng ký mua thêm cổ phần VNM với mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 26,5% trong năm 2018. Ông Kevin Snowball - CEO của PXP Vietnam Asset Management còn cho rằng: "F&N có thể muốn nâng tỷ lệ sở hữu ở VNM lên hơn 51% để nắm quyền kiểm soát". Bởi theo kế hoạch đến 2020, Việt Nam sẽ là một trong 4 thị trường mới quan trọng của F&N, bên cạnh Indonesia, Myanmar và Thái Lan.

F&N là tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore đồng thời là một đại gia bất động sản đình đám. Còn JC&C hoạt động trong lĩnh vực phân phối ô tô tại khu vực Đông Nam Á, thuộc Tập đoàn Jardine Matheson. Tại Việt Nam, cái tên Jardine Matheson đã ít nhiều quen thuộc, khi Jardine Matheson xây dựng nhiều cao ốc lớn tại các khu đất vàng ở TP.HCM và còn thông qua các công ty con đầu tư vào các doanh nghiệp như Ngân hàng Á Châu (ACB), Ô tô Trường Hải, Trung tâm thương mại Crescent Mall (Phú Mỹ Hưng), Pizza Hut Việt Nam hay KFC Việt Nam...

Người Thái nắm Nhựa Bình Minh

Nhựa Bình Minh đã thực sự về tay người Thái khi The Nawaplastic Industry (Saraburi), thuộc tập đoàn Siam Cement Group (SCG) nắm trên 54% vốn điều lệ. Đây là ông chủ mới của Nhựa Bình Minh. Trước đó, vai trò cổ đông lớn nhất ở BMP do SCIC nắm giữ. Tại Đại hội đồng cổ đông của BMP năm nay, Nawaplastic Industries đã đề cử 3 nhân sự vào Hội đồng quản trị công ty.

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. SCG đã tham gia thị trường Việt Nam từ 26 năm trước và đã đầu tư, mua lại nhiều công ty lớn của Việt Nam như trở thành cổ đông chính của Lọc hóa dầu Long Sơn, nắm quyền kiểm soát Công ty gạch Prime Group, Công ty xi măng StarCemt, Bao bì Tín Thành...

Đối với ngành nhựa, SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Vì thế, từ nay đến năm 2020, SCG dự tính đầu tư 5 - 6 tỷ USD để thâu tóm ngành nhựa Việt Nam. Trước đó, SCG đã chi 121 triệu USD để sở hữu cổ phần tại 7 công ty nhựa Việt Nam. Riêng Nhựa Tiền Phong, SCG quyết định thoái vốn toàn bộ do nhận thấy không thể tăng tỷ lệ sở hữu để giữ vai trò chi phối.

SCG hướng đầu tư vào Nhựa Bình Minh vì BMP là một trong những doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Công ty sở hữu 4 nhà máy nhựa với tổng công suất là 140.000 tấn. BMP cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối và thương hiệu phổ biến với người tiêu dùng trong nước.

doanh nghiep viet cong ty lon doanhnhansaigon

Ngoài cái tên SCG, danh sách cổ đông lớn của BMP còn có sự hiện diện của FTIF - Templeton Frontier Markets Fund, Vietnam Holding. Đây là những quỹ đầu tư tài chính. Chẳng hạn, Vietnam Holding do Dynam Capital Management quản lý là một quỹ đầu tư giá trị, với các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty có tỷ lệ tăng trưởng cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khẩu vị đầu tư của quỹ này là các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản.

Bên cạnh BMP, Vietnam Holding còn đầu tư vào các cổ phiếu khác như như FPT, KDH, MBB, TLG, VPI, VPB, VCI.
Về phía quỹ đầu tư FTIF - Templeton Frontier Markets Fund do tỷ phú Mark Mobius quản lý. Quỹ này chuyên đầu tư dài hạn, dành ít nhất 80% danh mục vào các công ty thuộc thị trường mới nổi.

Ngoài đầu tư vào BMP,  quỹ Templeton còn rót vốn vào một số cổ phiếu như HPG, PVD. Tỷ phú Mark Mobius từng dự định rót 3 tỷ USD vào thị trường Việt Nam.

Taiso muốn tăng sở hữu ở Dược Hậu Giang

Thông tin cập nhật là FTIF - Templeton Frontier Markets Fund đã thoái bớt vốn khỏi Dược Hậu Giang (DHG), không còn là cổ đông lớn tại đây. Thay vào đó, tháng 8 vừa qua, Taiso Pharmaceutical (Nhật) đã tích cực mua thêm cổ phiếu DHG và hiện nắm 34,3% vốn điều lệ của DHG. Đây cũng là cổ đông lớn hai ở DHG, chỉ sau SCIC.

Taisho Pharmaceutial là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dược phẩm Taisho Pharmaceutical Holdings, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) và có tổng tài sản ước khoảng 7,1 tỷ USD. Đây là một trong số các công ty dược phẩm hàng đầu Nhật Bản, chuyên sản xuất các sản phẩm dược không kê đơn và thực phẩm chức năng với các thương hiệu nổi tiếng.

Tại cuộc họp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 hồi đầu tháng 2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, để đảm bảo chỉ tiêu ngân sách trung ương giao thì sản xuất phải tăng, GRDP của Thành phố cùng phải tăng tương ứng. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn phải có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Song song đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM, các sở, ngành phải ngồi lại để chọn ra các doanh nghiệp đứng đầu của từng ngành, từng lĩnh vực; danh sách các thương hiệu mạnh của TP.HCM để trên cơ sở này có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Taisho Pharmaceutical Holdings đã đầu tư mạnh vào nhiều thị trường khu vực như Indonesia và Malaysia, với cam kết nắm giữ dài hạn. Bởi vậy không loại trừ khả năng tập đoàn này cũng sẽ đầu tư lâu dài tại Việt Nam, tương tự như chiến lược đầu tư của họ tại các thị trường khu vực.

Thông qua việc M&A với Dược Hậu Giang, Taisho Holdings sẽ hoàn tất việc thâm nhập toàn bộ thị trường Asean và Đông Á, giúp thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận, bù đắp cho thị trường Nhật Bản. Hiện nay, theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), Taisho mới chỉ chiếm khoảng 1% thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) và đang suy giảm cả doanh thu lẫn thị phần suốt 2 năm qua.

Nguyên nhân do mảng thực phẩm chức năng và thuốc mọc tóc ở Nhật đã bão hòa và bị cạnh tranh gay gắt. Nhưng ở thị trường nước ngoài, các dòng sản phẩm của Taisho vẫn có nhiều dư địa phát triển.

Taisho muốn mở rộng phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng sang các nước có mức chi tiêu cho dược phẩm còn thấp hơn trung bình thế giới như: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc hay Malaysia... Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia Taisho chưa thể chiếm thị phần như các quốc gia khác, do có dự góp mặt của các đối thủ lâu đời là Sanofi, GSK hay Novartis...

Taisho Pharmaceutial đã trở thành cổ đông chiến lược của DHG từ năm 2016 và liên tục đăng ký mua thêm cổ phiếu DHG để gia tăng sở hữu. Hiện tại, trong Hội đồng quản trị của DHG đã có thành viên độc lập là người Nhật.

Đầu tư vào DHG là cách để Taisho có sự hiện diện đậm nét tại Việt Nam. 2 bên cũng có sự tương đồng về cơ cấu sản phẩm, cơ sở vật chất, công nghệ... Chẳng hạn mảng Analgesics của Taisho chiếm 28% thị phần ở Nhật Bản, còn Dược Hậu Giang chiếm hơn 14% thị phần tại Việt Nam ở dòng sản phẩm Hapcol.

Hay mảng kháng sinh Beta-lactam cũng chiếm gần 16% doanh thu tổng của kênh ETC và Dược Hậu Giang đang sở hữu một trong những nhà máy beta-lactam lớn nhất Việt Nam. Nắm giữ quyền chi phối ở DHG là cách để Taisho còn có thể nắm hệ thống phân phối rộng khắp cả nước cũng như có thể hưởng những ưu đãi về thuế.

Trong khi đó, MBS nhận định, chiến lược của Dược Hậu Giang là tìm kiếm đối tác cùng phát triển. Điều này phù hợp với cách thức hợp tác lâu nay giữa DHG và Taisho. MBS dự báo, Taisho vẫn có nhiều khả năng là đối tác chính trong quá trình thoái vốn của SCIC với Dược Hậu Giang. Qua đó, DHG sẽ có cơ hội mở rộng thị phần, phát triển mạnh ở mảng Analgesics và thực phẩm chức năng, còn Taisho có cơ hội thúc đẩy thâm nhập thị trường Việt Nam.

Sabeco trong tay ThaiBev

Cũng như Nhựa Bình Minh, Sabeco giờ đây đã thuộc về người  Thái, cụ thể là thuộc về Vietnam Beverage, nắm gần 53,6% vốn điều lệ Sabeco. Đây là công ty do Thai Beverage (ThaiBev) lập ra để vận hành thị trường bia Việt. Hiện nay, sau ngày đổi chủ, ở Sabeco đã có những thay đổi đáng kể. Sabeco có Tổng giám đốc mới là người Thái và Hội đồng Quản trị của Sabeco chính thức có 3 thành viên từ cổ đông Thái cử sang. 

Sabeco cũng đã lập Ủy ban kiểm toán, thay thế mô hình Ban kiểm soát. Ngoài ra, theo ghi nhận từ Chứng khoán HSC, mới đây Sabeco cũng đã lên kế hoạch tái cơ cấu các mảng kinh doanh, trọng tâm là các mảng chủ chốt như: sản xuất, phân phối, marketing, chuỗi cung cấp cũng như logistics và kho bãi. Song song đó là xem xét khả năng quản lý, hiệu quả hoạt động và tất cả các quy trình, thủ tục, đưa ra các đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực. Công ty cần một vài năm để cho triển khai, thực hiện các dự tính.

Mục đích của các thay đổi, điều chỉnh này là để Sabeco gia tăng thị phần trong nước đang có xu hướng giảm.

Thực tế, Thaibev có thế mạnh về marketing và logistics, do đó Sabeco sẽ tận dụng thế mạnh này để cải thiện tình hình. Về công tác bán hàng, Ban quản trị mới ở Sabeco dự kiến ưu tiên phát triển hệ thống phân phối, giành lại thị phần của Sabeco ở khu vực thành thị - nơi Heineken đang mạnh hơn.

doanh nghiep viet cong ty lon sabeco doanhnhansaigon

Công ty chứng khoán HSC cho rằng, để làm được các mục tiêu trên, Sabeco sẽ phải xem xét việc mua cổ phần thiểu số ở các công ty bia và sau đó là các công ty phân phối. Mặt khác, HSC nhận định việc mua lại dần cổ phần thiểu số tại các đơn vị thành viên cũng sẽ góp phần giúp Sabeco tiết kiệm được chi phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.

Có thể thấy, các Tập đoàn nước ngoài đã và đang tìm cách nắm quyền chi phối, sở hữu các công ty lớn của Việt Nam, cho mục đích thâm nhập thị trường, ngành nghề là chủ yếu. Các hợp tác này, có khi là đôi bên cùng hợp tác phát triển, như ở Dược Hậu Giang nhưng có khi là thâu tóm Công ty.

Dù vậy, các thay đổi này được giới chuyên gia nhận đình là đi đúng quy luật thị trường - một thị trường đã quốc tế hóa và rộng mở hơn, với luật chơi ngày càng bình đẳng giữa các bên chơi. Khi đó, những hợp tác bắt tay, để cùng song hành hoặc để nương vào sức mạnh của người có uy thế hơn sẽ phải xảy ra. Lúc này, câu chuyện phát triển của doanh nghiệp trở nên quan trọng hơn vấn đề sở hữu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các công ty lớn của Việt Nam trong vòng xoáy M&A
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO