Cà phê Việt: Mất mùa, chưa được giá

KHÁNH ĐINH| 30/05/2016 01:38

Năm 2016, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể giảm 25%, xuống mức thấp nhất trong mươi năm trở lại đây, với khoảng 1 triệu tấn.

Cà phê Việt: Mất mùa, chưa được giá

Năm 2016, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể giảm 25%, xuống mức thấp nhất trong mươi năm trở lại đây, với khoảng 1 triệu tấn.  

Đọc E-paper

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện sản xuất cà phê của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ qua. Thiếu nước tưới trầm trọng đe dọa trên 165.000ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó 40.000ha bị chết.

Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho rằng, năm 2016, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể giảm 25%, xuống mức thấp nhất trong mười năm trở lại đây, với khoảng 1 triệu tấn. Thị trường cà phê thế giới đã biết cà phê Việt Nam mất mùa do hạn hán, nhưng giá cà phê vẫn chưa tăng mạnh, khiến nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nước ta vẫn chưa được hưởng lợi, thậm chí còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2016 đạt 681.000 tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, tăng 44,6% về khối lượng nhưng chỉ tăng 18,2% về giá trị. Cũng theo Bộ này, giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 1.697 USD/tấn. Cà phê Robusta giao dịch tại London chỉ ở mức 1.554 USD/tấn, không tăng so với những tháng trước đó.

Hiện lượng cà phê tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 10% trong tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tăng 5% so với 10 năm trước. Bà Phạm Thị Kim Dung - Trưởng nhóm phân tích ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho hay, đối với thị trường trong nước, các doanh nghiệp rang xay cà phê cung ứng dựa trên đơn hàng ngắn hạn và mua bán giao ngay cho các nhà bán lẻ. Nhu cầu trong nước tăng, sản lượng giảm và nguồn cung cho xuất khẩu giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy giá cà phê xuất khẩu. Thế nhưng, thực tế là giá cà phê xuất khẩu dựa nhiều vào giá hợp đồng trước đó và các nhà giao dịch vẫn đang chờ dấu hiệu rõ rệt hơn về sản lượng cà phê Việt Nam nên giá gần như không biến động nhiều trong thời gian qua.

>>Cà phê khát... ngoại tệ

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, sở dĩ giá cà phê niên vụ 2014 - 2015 thấp như vậy là do thị trường thế giới biến động mạnh về giá vàng, dầu thô và tỷ giá của đồng USD với các đồng tiền khác khiến các nhà đầu cơ điều chỉnh suất đầu tư vào lĩnh vực có lợi nhất, và khi đó, họ nhanh chóng bán ra khiến giá cà phê rớt nhanh.

Chưa kể lâu nay, khi tham gia mua bán cà phê trên thị trường thế giới, do không chủ động được nên đa phần phía Việt Nam phải bán trừ lùi từ 50 - 100 USD/tấn. Tính bình quân, mỗi năm cà phê Việt Nam mất đi khoảng 150 triệu USD vì nguyên nhân này khiến giá đã giảm lại càng giảm hơn.

Ông Lê Tiến Hùng - TGĐ Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak (Simexco DakLak) cho rằng, hạn hán sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Nguyên nhân là do nông dân trồng cà phê hy vọng "mất mùa thì được giá” nên găm hàng để chờ giá lên vào cuối vụ. Thế nhưng thực tế không phải như vậy vì mặt hàng cà phê nằm ngoài quy luật trên.

Cũng theo ông Hùng, dù sản xuất được nhiều nhưng cà phê Việt Nam lại không khống chế được giá mà bị phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Bằng chứng là thời gian qua cà phê mất mùa lại bị mất luôn cả giá, đầu vụ 42.000đ/kg, rồi hạ dần xuống mức dưới 40.000đ/kg. Doanh nghiệp xuất khẩu không mua đủ hàng, trong khi đó thông tin về mất mùa càng tăng thêm quyết tâm trữ hàng trong dân. Điều này khiến cả doanh nghiệp và nông dân đều chịu thiệt.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê của Việt Nam tổ chức liên kết chặt chẽ, thay đổi chính sách thu mua, thanh toán hợp đồng sau 200 - 250 ngày khiến doanh nghiệp trong nước đã khó nay lại càng thêm khó.

>>Xuất khẩu cà phê: Tiếng to, miếng vẫn nhỏ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cà phê Việt: Mất mùa, chưa được giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO