Ca cao Việt Nam: Puratos Grand-Place phá thế Cargill

ĐỖ PHƯƠNG| 28/11/2013 04:50

Tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau khi Công ty ED&F Man (Anh) dừng thu mua ca cao và Mitsubishi Corporation (Nhật) cũng "im hơi lặng tiếng", Puratos Grand-Place đã thâm nhập thị trường với vai trò là nhà thu mua, xuất khẩu và sản xuất thành phẩm sô cô la, phá vỡ thế độc tôn thâu tóm hơn 70% sản lượng ca cao tại Việt Nam của Cargill.

Ca cao Việt Nam: Puratos Grand-Place phá thế Cargill

Tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau khi Công ty ED&F Man (Anh) dừng thu mua ca cao và Mitsubishi Corporation (Nhật) cũng "im hơi lặng tiếng", Puratos Grand-Place đã thâm nhập thị trường với vai trò là nhà thu mua, xuất khẩu và sản xuất thành phẩm sô cô la, phá vỡ thế độc tôn thâu tóm hơn 70% sản lượng ca cao tại Việt Nam của Cargill.

Đọc E-paper

Cargill thêm đối thủ

Những tưởng Cargill sẽ thuận lợi hơn khi những cái tên như ED&F Man hay Mitsubishi Corporation rời bỏ thị trường Việt Nam. Thế nhưng, thực tế trái lại, nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông sản như Touton, Olam, Armajaro (đơn vị có thế mạnh trong việc tìm nguồn cung ứng và phân phối các mặt hàng nông sản như: ca cao, cà phê cho các nhà máy sản xuất sô cô la trên toàn cầu), Ecom (một trong 5 hãng thu mua lớn nhất thế giới về cà phê, bông, ca cao và chuyên cung cấp các nguyên liệu thô cho các nhà sản xuất lớn như Nestle, Hershey, Mars và Starbucks)... đua nhau mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Song, nặng ký nhất vẫn là Puratos Grand-Place Việt Nam. Công ty này vừa khánh thành Nhà máy Lên men hạt ca cao (CCFP) với giá trị đầu tư giai đoạn 1 là 4,2 triệu USD, hoàn tất sẽ là 8 triệu USD và Trung tâm Phát triển ca cao (CDC) với sự hợp tác cùng Mars, tập đoàn chuyên sản xuất bánh kẹo, thức ăn cho thú nuôi và các mặt hàng thực phẩm liên quan đến sô cô la như: M&M, Skittles, Twix, Snickere, Extra... tại Khu công nghiệp Giao Long, tỉnh Bến Tre.

Theo đó, Puratos Grand-Place Việt Nam đã trở thành đơn vị thứ hai sau Cargill hợp tác với Mars trong việc thu mua, kiểm soát chất lượng theo những tiêu chuẩn chất lượng "Cocotrace" và đào tạo những kỹ thuật trồng ca cao cho nông dân mà doanh nghiệp ấn định.

Về quy mô, CCFP được đánh giá là nhà máy lên men ca cao lớn nhất ở châu Á tính đến thời điểm hiện tại. Ông Gricha Safarian, Giám đốc Điều hành Puratos Grand-Place Việt Nam, cho biết, cùng với sự ra đời của CCFP, mô hình sản xuất từ hạt ca cao đến thanh sô cô la sẽ làm thay đổi cục diện của ngành ca cao Việt Nam.

Trong khi đó, đây vẫn còn là kế hoạch dang dở của Cargill. Bởi theo như chia sẻ của ông Harold Poelma, Giám đốc Điều hành lĩnh vực ca cao của Gargill thời điểm 2011, Cargill kỳ vọng sẽ có một nhà máy để chế biến rượu ca cao, bơ cao cao và bột ca cao tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Ân Độ, thay vì phải vận chuyển toàn bộ lượng ca cao lên men sang nhà máy ở châu Âu để nghiền như hiện nay.

Những "chân rết" của Mars

Nhìn vào bảng xếp hạng Top 10 những quốc gia có thế mạnh sản xuất và chế biến ca cao trên toàn thế giới gồm: Hà Lan, Bờ Biển Ngà, Mỹ, Đức, Malaysia, Brazil, Ghana, Pháp, Indonesia, Tây Ban Nha thì cái tên Việt Nam hầu như không được nhắc đến.

Vậy tại sao Việt Nam vẫn thu hút các thương hiệu lớn trong ngành? Theo lý giải từ Cargill, mặc dù 70% nguồn ca cao thế giới xuất phát từ Tây Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, nhưng kể từ năm 1999, những biến cố về chính trị tại quốc gia này đã khiến các nhà lãnh đạo của Cargill lo ngại.

100.000ha

Đến năm 2020, Việt Nam mới chỉ có khoảng 100.000ha ca cao với tổng sản lượng khoảng 100.000 tấn hạt ca cao khô/năm

Từ đó, họ bắt đầu tìm kiếm những thị trường khác có thể phát triển ca cao nguyên liệu, trong đó có Việt Nam. Năm 2004, Cargill đã chính thức hợp tác cùng Mars.

Thời điểm này, Chính phủ Việt Nam cũng mở rộng đầu tư và phát triển cây ca cao với một số tổ chức quốc tế, nhằm xuất khẩu ca cao.

Do đó, đây được xem là cơ sở để những nhà thu mua ca cao như Cargill mạnh dạn phát triển cây ca cao tại Việt Nam.

Theo ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc Chương trình Phát triển ca cao Việt Nam, Mars đang chiếm khoảng 20% sản lượng ca cao toàn cầu, ước đạt khoảng 680.000 tấn/năm, nên có nhiều nhà cung ứng muốn hợp tác và cung cấp nguyên liệu cho Mars.

Tuy nhiên, phía Mars chỉ chấp nhận những đơn hàng đạt chứng chỉ UTZ (do Cargill phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Hà Lan Solidaridad và những đơn vị khác trong lĩnh vực ca cao phát triển và ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu).

Theo đó, một khi Mars chấp thuận, chắc hẳn sẽ có nhiều "chân rết" tranh giành "miếng bánh thị trường ca cao" tại Việt Nam, dù sản lượng còn rất nhỏ, chưa đến 30 tấn/năm. "Hiện Ecom, Olam cũng đã đặt vấn đề, nếu Mars đồng ý, họ cũng sẽ tiến hành thu mua ca cao", ông Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển ca cao Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam mới chỉ có khoảng 100.000ha với sản lượng khoảng 100.000 tấn hạt khô/năm. Sản lượng này quá nhỏ so với tổng lượng ca cao trên thế giới, khoảng trên 3,4 triệu tấn/năm.

Thế nhưng, cùng với việc có mặt của nhiều nhà máy của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam, kỳ vọng thị trường ca cao trong nước sẽ được nâng tầm cả về chất lượng lẫn số lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ca cao Việt Nam: Puratos Grand-Place phá thế Cargill
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO