BĐS du lịch hướng biển: Trở lại đường đua

ĐĂNG CƯỜNG| 29/06/2015 03:42

Sau 4 năm gần như "ngủ đông", các dự án nghỉ dưỡng hướng biển đang trở thành xu hướng đầu tư hấp dẫn mà các đại gia bất động sản (BĐS) không thể ngó lơ

BĐS du lịch hướng biển: Trở lại đường đua

Sau 4 năm gần như "ngủ đông", các dự án nghỉ dưỡng hướng biển đang trở thành xu hướng đầu tư hấp dẫn mà các đại gia bất động sản (BĐS) không thể ngó lơ.

Đọc E-paper

Hấp lực thị trường

Tại hội nghị BĐS vừa diễn ra với chủ đề "Cơ hội đầu tư nửa thập kỷ tới", ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partner cho rằng BĐS hướng biển là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong giai đoạn 2015-2020.

"Trong khi Thái Lan đang có hơn 50.000 căn hộ nghỉ dưỡng ven biển thì Việt Nam gần như chưa có. Và đây là cơ hội cho những nhà đầu tư trong 5-10 năm tới", ông Sơn nói.

Điều kiện để ông Sơn tin vào điều này là sự tăng lên đáng kể của số lượng xe hơi, tổng chiều dài đường cao tốc và mức chi tiêu của du khách...

Theo ông Sơn, trong 5 năm tới, GDP Việt Nam có thể bằng GDP của Philippines, Singapore và Malaysia năm 2014 (lần lượt là 289, 306, 332 tỷ USD).

Cùng với mức tăng GDP, trong vòng nửa thập kỷ tới, dự báo chiều dài đường cao tốc và số lượng xe hơi cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Hiện nay, lượng xe hơi tại TP.HCM đạt khoảng 0,5 triệu chiếc và sẽ tăng lên 5 lần trong vòng 5 năm tới. Người dân đô thị dần hình thành "văn hóa xe hơi", thói quen lái xe ra khỏi TP.HCM để nghỉ dưỡng cuối tuần.

Thêm vào đó, tổng chiều dài đường cao tốc tại TP.HCM tính đến năm 2014 đạt 118 km và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong vòng 5 năm tới.

Đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy người dân đi du lịch nhiều hơn tới các địa điểm cách TP.HCM trong vòng 3 tiếng chạy xe hơi.

>>Phát triển đô thị biển phải đảm bảo lợi ích chung

Thực tế cho thấy, những năm qua, số lượng khách du lịch nội địa đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2004, cả nước có 14,5 triệu lượt khách du lịch nội địa nhưng đến năm 2014 con số này đã tăng lên 36 triệu lượt.

Cùng thời gian trên, lượng khách quốc tế từ 2,7 triệu lượt đã tăng lên 8 triệu lượt.

Với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng GDP đầu người như hiện nay, dự báo trong vòng nửa thập kỷ tới, lượng khách quốc tế và nội địa sẽ còn gia tăng mạnh mẽ.

Không chỉ tăng lượt, khách nội cũng chi tiêu mạnh tay hơn rất nhiều so với trước đây.

Năm 2013, mức chi tiêu của khách nội là 53 USD/ngày, khách ngoại là 96 USD/ngày nhưng đến năm 2020, mức chi tiêu hằng ngày của khách nội sẽ đạt 80 USD.

Hiện khách nội đã chuyển sang ở khách sạn 3 sao thay vì 2 sao và sẽ chuyển sang 4-5 sao trong vòng 5 năm tới.

Cùng với đó, xu hướng du lịch và đầu tư BĐS của những người giàu có đã có sự chuyển biến lớn trong thời gian qua.

Nếu như năm 2005, những người giàu có mới mua căn nhà đầu tiên để ở và ở khách sạn 2-3 sao thì đến năm 2015, những người này đã bắt đầu mua BĐS để cho thuê lại và ở khách sạn 3-4 sao.

>>Bất động sản ven biển lại hút nhà đầu tư

Tái khởi động

Theo các chuyên gia, bên cạnh những biến chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự trở lại nhộn nhịp của các dự án nghỉ dưỡng có thể là hiệu ứng từ chính sách cho phép cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Hưng Thịnh, cho rằng, chính sách cho người nước ngoài và Việt kiều sở hữu BĐS tại Việt Nam là cú hích quan trọng đối với BĐS nghỉ dưỡng vì cả Việt kiều và người nước ngoài đều quan tâm đến phân khúc này.

Trên thực tế, từ năm 2014, nhiều đại gia BĐS sau thời gian dài im ắng đã tái khởi động lại các dự án BĐS nghỉ dưỡng ở các khu vực sở hữu bãi biển đẹp như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết...

Tại Phú Quốc, 2 resort 5 sao là Salinda Premium Resort & Spa của tập đoàn Salinda và Vinpearl Premium Resort & Spa của Vingroup đã chính thức khởi công từ cuối 2014.

Bên cạnh đó, một loạt các dự án khác như khách sạn 4 sao Novotel Phú Quốc Resort của Tập đoàn CEO với 406 phòng khách sạn hạng sang và 40 bungalow; khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc của BIM Group với 400 phòng khách sạn hạng sang; khu phức hợp Sunset Sanato Premium do Công ty Chín Chín Núi đầu tư với tổng diện tích 24ha... cũng đã được khởi công.

>>Đô thị biển và thách thức biến đổi khí hậu

Tất cả những dự án này đều dự kiến hoàn thành trong năm 2015-2016. Gần đây nhất, M.I.K cũng giới thiệu dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Sol House tại hòn đảo này, dự kiến sẽ tung ra thị trường vào đầu 2016.

Tập đoàn Nam Cường cũng đang xúc tiến khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn khoảng 3.200 tỷ đồng.

Tại khu vực miền Trung, tình hình đầu tư cũng nhộn nhịp trở lại với sự tái xuất của hàng loạt tên tuổi lớn như Diamond Bay City tại Nha Trang của Tập đoàn Hoàn Cầu, Stellar Hotel and Residences của Sông Đà Nha Trang, FLC Samson Golf Links & Resort tại Thanh Hóa của FLC, Ocean View Villa & Resort tại Hàm Thuận Nam của công ty Du lịch Nhà Bè Bình Thuận phối hợp với Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa...

Dù thị trường đã tái khởi động nhưng ông Nguyễn Đình Trung, cho rằng, dòng sản phẩm này chưa thể bùng nổ nhanh bởi thị trường phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu.

"Có thể phải tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau, thị trường này mới thực sự sôi động", ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường CBRE Việt Nam, cho rằng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang nóng trở lại nhưng sẽ có những thay đổi so với trước đây.

Cụ thể, dòng sản phẩm sẽ nhỏ hơn, phù hợp hơn với khả năng chi trả của người tiêu dùng sẽ phát triển.

>>Phát triển kinh tế biển: Vẫn là cách đánh cờ nước một

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
BĐS du lịch hướng biển: Trở lại đường đua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO