Bất chấp Covid-19, những doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tốt nhờ sáng kiến hay

Hồng Nga| 20/05/2020 06:32

Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp (DN) nhưng vẫn có những DN nhờ sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng tốt.

Bất chấp Covid-19, những doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tốt nhờ sáng kiến hay

Tìm cơ trong nguy

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng có không ít DN phát triển hạ tầng công nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Trong báo cáo tài chính quý I/2020, doanh thu thuần của Tổng công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) đạt 1.078 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng tăng đến 42% so với cùng kỳ. Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng có doanh thu thuần tăng 6,4%, đạt 41,7 tỷ đồng trong quý I/2020. Lợi nhuận sau thuế của Nam Tân Uyên đạt 85,3 tỷ đồng, tăng 22,4% so với lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Cũng như thế, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Long Hậu trong quý I/2020 cho thấy, doanh thu DN này đạt gần 159 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, Công ty Sài Gòn Food có doanh thu tốt ngay từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết, với thị trường xuất khẩu, đối tác Nhật Bản đặt hàng tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Sài Gòn Food chỉ đáp ứng được tối đa 20% nhu cầu tăng thêm này nhằm tập trung nguồn lực cho khách hàng trong nước. Thậm chí, trong tháng 4 vừa qua, Công ty phải cắt 2 dây chuyền sản xuất cho xuất khẩu để tập trung cho nhu cầu nội địa tăng mạnh kể từ tháng 2/2020. 

Cũng theo bà Lê Thị Thanh Lâm, sức mua các mặt hàng thực phẩm đông lạnh của công ty tăng bình quân 40% trong tháng 3 và 4. Đột biến, có những mặt hàng được xem là bữa ăn tươi chế biến sẵn như cơm chiên, miến gà, bánh canh, bún riêu cua đồng, mì Ý… tăng đến 70 - 80% so với thời điểm trước dịch. Ngay như sản phẩm ít được chú ý trước đây là cháo tươi bổ dưỡng cũng “hút hàng” trong mùa dịch. Cùng với đó, kênh bán hàng online tăng đến 24 lần so với trước dịch và thu nhập của người lao động ở những dây chuyền sản xuất tăng đột biến cũng tăng 10%. “Trước đây, Công ty không đầu tư kênh này vì cho rằng hàng thực phẩm đông lạnh không thể bán online nhưng không ngờ bệnh dịch khiến xu hướng tiêu dùng thay đổi và nhờ vậy kênh bán hàng này tăng trưởng quá tốt. Đại dịch là cơ hội để công ty phát triển kênh phân phối mới, khách hàng mới, nhu cầu mới và thị trường mới”, bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết.

Công ty Vinamilk cũng là một những DN tăng trưởng tốt trong đại dịch. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), Vinamilk được quản trị xuất sắc và là một trong số ít những DN không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Nhu cầu về các sản phẩm “tốt cho hệ thống miễn dịch” như sữa chua uống, sữa chua đóng hộp và sữa công thức (sữa bột) đã tăng mạnh trong những tháng qua do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhiều khả năng sẽ ở mức cao trong thời gian tới. Dự báo của HSC, doanh thu từ sản phẩm của sữa chua uống và sữa chua của toàn ngành sẽ tăng trưởng 15% và 20% trong năm 2020. 

Ở thị trường xuất khẩu, trong tháng 2 vừa qua, Vinamilk đã xuất lô hàng sữa đặc có giá trị lớn sang thị trường Trung Quốc. Trước đó, trong tháng 1/2020, Vinamilk cũng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu trị giá 20 triệu USD với đối tác Dubai. Theo đánh giá của HSC, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk có thể tăng trưởng 9% bởi thị trường Iraq và các thị trường xuất khẩu khác đối với sản phẩm của Vinamilk vẫn cao. Tính chung, doanh thu thuần của Vinamilk sẽ tăng trưởng 11,9%, đạt 63.063 tỷ đồng trong năm 2020. 

san-xuat-Vinamilk-8858-1589937888.jpg

Trong lĩnh vực phân phối điện máy, điện thoại Thế Giới Di Động, Digiworl… cũng tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm này. Cụ thể, doanh thu tháng 3/2020 của Thế Giới Di Động đạt 8.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kênh online tăng mạnh và chiếm đến 10% tổng doanh thu, tăng 6% so với 2 tháng đầu năm 2020.

Sáng tạo vượt khó

Những DN tăng trưởng tốt trong đại dịch một phần nhờ thị trường hình thành nhu cầu mới, xu hướng mới một phần nhờ biết sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. 

Đầu tháng 5/2020, Công ty CP Wakamono Việt Nam công bố thông tin về vải kháng khuẩn áp dụng công nghệ nano Biotech để sản xuất khẩu trang y tế và đồ bảo hộ lao động sau nhiều tháng nghiên cứu, thay thế hàng xuất khẩu. Theo ông Phan Quốc Công - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Wakamono Việt Nam, loại vải này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn 99,9%, duy trì hiệu quả kháng khuẩn trong thời gian dài và an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận chất lượng bởi các cơ quan kiểm định trong nước và quốc tế. Hiện nhà máy đặt tại khu công nghệ cao của công ty đã chạy hết công suất (khoảng 20 tấn loại vải này mỗi ngày) để đáp ứng cho nhu cầu của các đối tác. Hiện có 20 DN Việt Nam đang đặt hàng và sản xuất khẩu trang từ vải kháng khuẩn này của Wakamono. Có rất nhiều đối tác ở Thái Lan, Nam Phi, Philippines, Hàn Quốc đặt vấn đề mua sản phẩm nhưng công ty chỉ tập trung cung cấp cho các DN dệt may và sản xuất đồ bảo hộ y tế Việt Nam. 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực may mặc, sáng kiến của Wakamono đáp ứng được nhu cầu thực tế đã giúp DN này tăng trưởng tốt trong đại dịch. Không chỉ vậy, sản phẩm vải kháng khuẩn của DN có giá thấp hơn ít nhất 30% so với hàng xuất khẩu cũng góp phần hỗ trợ các DN dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Cũng trong hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) đã nghiên cứu, sản xuất bánh mì thanh long để góp phần hỗ trợ bà con nông dân khi không thể xuất thanh long sang Trung Quốc. Sau khi bánh mì thanh long “lên cơn sốt” tại TP.HCM, ông chủ thương hiệu ABC Bakery tiếp tục ra mắt bánh mì thanh long nhân sầu riêng 6 Ri. Với giá cao gấp 4 lần nhưng loại bánh mì thanh long nhân sầu riêng vẫn rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Và từ cơn sốt bánh mì thanh long “giải cứu” nông sản, nhiều DN khác đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm bún, bánh trang, bánh phở, mì sợi… kết hợp các loại rau củ.

Vượt đại dịch một cách ngoạn mục, bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết, hiện tại, hoạt động của Sài Gòn Food đã trở lại “bình thường mới”. Công ty đang tuyển thêm lao động để tập trung cho xuất khẩu - những thị trường chiếm giữ doanh số lớn của công ty. Và theo kế hoạch, “trong năm nay, Sài Gòn Food sẽ tuyển thêm 200 công nhân, lên 2.700 công nhân để tăng cường cho hàng xuất khẩu. Sau dịch, người tiêu dùng sẽ vẫn còn thắt chặt chi tiêu vì vẫn còn lo lắng về tình hình dịch bệnh trên thế giới. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay Sài Gòn Food cũng không chủ quan và đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó hậu dịch với những tình huống xấu nhất, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng duy trì được mức như năm rồi”, bà Lê Thị Thanh Lâm nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất chấp Covid-19, những doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng tốt nhờ sáng kiến hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO