Bánh ngon khó nuốt

HỒNG NGA – MINH HÀO| 13/03/2012 01:14

Fivimart tham gia lĩnh vực bán lẻ từ năm 1997 với mạng lưới 13 siêu thị, 1.200 nhà cung cấp tại thị trường Hà Nội. Thế nhưng, nhà bán lẻ lớn của Hà Nội này đã phải đóng cửa siêu thị tại TP.HCM với lý do “chuyển đổi mô hình” nhưng cũng không giấu diếm khó khăn do cạnh tranh quá khốc liệt.

Bánh ngon khó nuốt

Sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đã đẩy thị trường Việt Nam vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Cộng với những khó khăn của nền kinh tế, sức ép này đã khiến nhiều siêu thị trong nước phải đóng cửa dưới nhiều hình thức, báo hiệu thời kỳ “tiền bạo bệnh” của các siêu thị nội.

>> Thị trường bán lẻ: Đối đầu không cân xứng

Fivimart tham gia lĩnh vực bán lẻ từ năm 1997 với mạng lưới 13 siêu thị, 1.200 nhà cung cấp tại thị trường Hà Nội. Thế nhưng, nhà bán lẻ lớn của Hà Nội này đã phải đóng cửa siêu thị tại TP.HCM với lý do “chuyển đổi mô hình” nhưng cũng không giấu diếm khó khăn do cạnh tranh quá khốc liệt.

Ảnh: Quý Hòa

Rục rịch những cuộc chia tay

Ngày 24/2, Công ty CP Nhất Nam đóng cửa siêu thị Fivimart Phú Mỹ Hưng - siêu thị cuối cùng trong chuỗi 4 siêu thị của doanh nghiệp (DN) này tại TP.HCM.

Ngay sau khi Fivimart Phú Mỹ Hưng đóng cửa, đã có nhiều tin đồn cho rằng, Nhất Nam kinh doanh thua lỗ, phá sản gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến thị trường phân phối trong nước, buộc lãnh đạo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phải lên tiếng... “thanh minh”.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Fivimart Phú Mỹ Hưng đóng cửa là do không có đất để kinh doanh mặc dù hoạt động tốt.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam, cũng khẳng định, việc đóng cửa siêu thị Fivimart ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng là do hết thời hạn thuê mặt bằng kinh doanh tại đây. “Không có chuyện công ty phá sản, không thanh toán cho nhà cung cấp như thông tin một số báo đã đưa. Chúng tôi ngừng hoạt động ở đây để chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp với thị trường bán lẻ phía Nam”, bà Hậu nói.

Trước Fivimart, giữa tháng 11/2011, Siêu thị Satra Bàu Cát của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đã đóng cửa, trả mặt bằng cho chủ đầu tư. Nguyên nhân đóng cửa Satra Bàu Cát không được DN công bố, nhưng theo các nhà kinh doanh siêu thị, đây là việc tất yếu khi hiệu quả kinh doanh không có. Khu vực phường 10, quận Tân Bình chủ yếu tập trung dân cư lao động, thích mua hàng từ các chợ thay vì vào siêu thị. Hơn nữa, giá cả, hàng hóa cũng như cung cách kinh doanh của Satra chưa thật sự thu hút khách hàng.

Trong khi đó, cách siêu thị này không xa, có đến hai siêu thị của Big C và Co.opMart “án ngữ” với phong cách kinh doanh chuyên nghiệp, cộng với các chương trình khuyến mãi rầm rộ đã khiến Satra Bàu Cát khó khăn.

Cùng cảnh ngộ với Satra là Siêu thị Hà Nội trên đường Phan Đăng Lưu. Bà Nguyễn Thị Hải, chủ đầu tư Siêu thị Hà Nội, cho rằng, thất bại của siêu thị Hà Nội Phan Đăng Lưu là do không thể cạnh tranh với những siêu thị lớn hơn ở khu vực này.

Dù có lợi thế chi phí quản lý thấp nhưng phải chia lượng khách hàng với các siêu thị xung quanh như Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, Co.opMart Nguyễn Kiệm và Big C Miền Đông, nên Siêu thị Hà Nội kinh doanh hết sức khó khăn.

“Rừng nào, cọp đó”

Đánh giá về hiện tượng các siêu thị nối chuỗi đóng cửa, chính các nhà kinh doanh siêu thị cho rằng, để kinh doanh siêu thị thành công thì phải “hiểu người, hiểu ta”. Mỗi vùng miền có một phong cách mua sắm, xu hướng tiêu dùng khác nhau, vì thế, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ rất dễ thất bại.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, nhận định: “Ở TP.HCM, có vốn hay thương hiệu nổi tiếng không thôi chưa đủ, DN phải thật sự hiểu rõ thị trường. Bởi vì, các bà nội trợ ở đây không thích leo lầu khi mua thực phẩm nên các quầy tự chọn thường phải ở tầng trệt. Hơn nữa, mỗi khu vực dân cư ở từng quận, từng phường có đời sống và mức thu nhập chênh lệch khác hẳn nhau. Để cạnh tranh với hơn 200 ngôi chợ lớn nhỏ trong thành phố thì phong cách bàn hàng cũng phải thay đổi theo “văn hóa chợ”. Đó là phải biết hỏi han, trao đổi, tán chuyện với khách hàng chứ không chỉ lặng lẽ làm đúng chuyên môn...”.

Ảnh: Quý Hòa

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư SCID, đơn vị chuyên tìm mặt bằng cho Saigon Co.op, nói thêm: “Mở siêu thị, thắng hay thua phụ thuộc vào khách hàng. Vì vậy, trước khi mở siêu thị, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ đặc điểm người tiêu dùng, thói quen mua sắm, thu nhập, khẩu vị riêng... Từ đó tăng hoặc giảm dòng sản phẩm bày bán theo hướng cao cấp, trung lưu hay bình dân để thỏa mãn nhu cầu của từng khu vực dân cư”.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, tư vấn, để thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ cần tạo được giá trị thặng dư cao cho khách hàng khi họ đến mua sắm thông qua những cải thiện về giá cả, chất lượng, khuyến mãi, dịch vụ... Ngoài ra, phải đổi mới liên tục để khách hàng luôn cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại mua sắm. Hơn thế, phải tạo niềm tin lâu dài cho khách hàng bằng sự nghiêm túc trong kinh doanh và xây dựng hình ảnh lâu dài.

Ngoài những yếu tố tâm lý, thói quen mua sắm, phương thức kinh doanh theo vùng miền cũng là một trở ngại không nhỏ cho các nhà đầu tư bán lẻ. Và việc đóng cửa siêu thị Fivimart Phú Mỹ Hưng có một phần của trở ngại này.

Theo bà Hậu, Fivimart không phải mới tham gia lĩnh vực phân phối bán lẻ mà đã có mặt trên thị trường từ năm 1997. Từ đó đến nay, Fivimart đã có mạng lưới 13 siêu thị, 1.200 nhà cung cấp, tăng trưởng ở mức 25 - 30%/năm tại thị trường Hà Nội, nơi mà người tiêu dùng được coi là khó tính nhất cả nước.

Thế nhưng, khi vào TP.HCM, Fivimart lại vấp phải nhiều vấn đề. Đó là thị trường Hà Nội, không có sự phân cấp đối xử giữa các nhà cung cấp lớn, nhỏ, trong khi tại TP.HCM, một số nhà cung cấp đòi hỏi quyền ưu tiên nhiều hơn ở thời hạn thanh toán, mức chiết khấu... Hơn nữa, giá thuê mặt bằng quá cao, các chi phí vận hành siêu thị (lương nhân viên, điện nước, vận chuyển...) tăng, mà người tiêu dùng lại thắt chặt chi tiêu, nên kinh doanh ngày càng giảm lãi.

Nhưng, “khó nhất đối Fivimart là do ban lãnh đạo ở xa, không ứng phó kịp với sự khác biệt và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường TP.HCM”, bà Hậu phân trần.

Đánh giá về yếu tố vùng miền, các nhà đầu tư siêu thị đều cho rằng, kinh doanh ở cả 3 miền đều có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng quen ở thị trường nào thì thuận lợi sẽ nhiều hơn khó khăn. Đó là lý do vì sao Hapro chỉ phát triển mạnh ở Hà Nội, Co.opMart có 56 siêu thị thì đến gần một nửa ở siêu thị “án ngữ” ở TP.HCM. Các siêu thị Citimart, Maximark cũng chỉ quẩn quanh trong nội thành.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, đầu tư ở đâu tùy thuộc vào định hướng của từng DN, loại hình mà DN tổ chức kinh doanh. Saigon Co.op phát triển mạnh ở TP.HCM vì xuất phát điểm ở đây và người tiêu dùng TP.HCM cũng biết về Saigon Co.op nhiều hơn nên thuận tiện hơn.

Đó cũng là lý do mà nhiều năm nay, dù Co.opMart Sài Gòn đã có mặt tại Hà Nội với doanh số cao hơn nhiều so với các siêu thị ở TP.HCM và mức ảnh hưởng thương hiệu của Co.opMart ở Hà Nội đã cao gấp 10 lần so với trước, nhưng vẫn chưa có Co.opMart thứ hai tại thị trường Thủ đô.

“Chúng tôi đang nghiên cứu để đẩy mạnh phát triển tại thị trường Hà Nội. Một hai năm tới sẽ có nhiều địa điểm hơn ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc”, ông Anh Đức cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bánh ngon khó nuốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO