Bancassurance: Hướng đến 30% doanh thu phí bảo hiểm

HỒNG NGA| 10/10/2017 04:53

Liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và trở thành kênh phân phối quan trọng của các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Bancassurance: Hướng đến 30% doanh thu phí bảo hiểm

Liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tăng trưởng mạnh trong thời gian qua và trở thành kênh phân phối quan trọng của các công ty bảo hiểm nhân thọ. 

Đọc E-paper

Xu hướng liên kết phân phối bảo hiểm qua ngân hàng hiện đang phát triển mạnh tại Việt Nam khi có rất nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ "bắt tay" với các ngân hàng. Cụ thể, AIA Việt Nam ký kết với DongA Bank, Manulife Việt Nam hợp tác với ngân hàng ANZ, Techcombank, VPBank... phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của công ty.

Tương tự, Prudential Việt Nam liên kết với các ngân hàng Maritime Bank, Eximbank, Agribank, Standard Chartered... để đưa sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với khách hàng. Dai-ichi Life Việt Nam thì hợp tác với các ngân hàng Eximbank, ACB và đã ký độc quyền cùng HDBank phân phối các sản phẩm của Dai-ichi Life Việt Nam với thời hạn 15 năm.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 9/2017, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam và Sacombank đã ký hợp tác độc quyền với thời hạn lên đến 20 năm - thời hạn dài nhất thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Theo đó, Sacombank là đối tác độc quyền phân phối tất cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi Life Việt Nam thông qua mạng lưới 552 điểm giao dịch cùng với các kênh tư vấn, bán hàng (tại quầy, giao dịch trực tuyến, ATM...) của đơn vị này trên toàn quốc.

Ông Takashi Fujii - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, việc hợp tác với Sacombank sẽ giúp công ty phát triển kênh khai thác mới. Hiện Sacombank được đánh giá là một ngân hàng thương mại cổ phần với thương hiệu, bề dày hoạt động, quy mô mạng lưới, chất lượng dịch vụ hàng đầu thị trường tài chính ngân hàng. Thông qua các điểm giao dịch của Sacombank, các giải pháp bảo vệ tài chính của Dai-ichi Life Việt Nam sẽ dễ dàng được giới thiệu đến các khách hàng tiềm năng.

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đem lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, các ngân hàng có thể tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc triển khai bán chéo sản phẩm, khai thác thêm mảng thị trường dịch vụ tiềm năng, đặc biệt là tận dụng những khách hàng tham gia bảo hiểm để khai thác các dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ...

Bancassurance còn giúp ngân hàng có thêm sản phẩm mới nhưng không đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần của ngân hàng. Ngược lại, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ giảm thiểu chi phí mở rộng và duy trì chi nhánh kinh doanh khi tận dụng được hệ thống phân phối dày đặc sẵn có của các ngân hàng. Vì khách hàng của các ngân hàng đa phần có thu nhập khá nên đối tượng này cũng rất phù hợp để các công ty bảo hiểm khai thác.

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn hồi năm ngoái, ông Paul Nguyễn - Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, bancassurance chính là kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể cả về doanh thu lẫn hiệu suất kinh doanh cho công ty. Cũng như thế, việc hợp tác với các ngân hàng giúp Dai-ichi Life Việt Nam tăng mạnh số lượng khách hàng mới.

Cụ thể, sau một năm hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng HDBank (từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016), doanh số khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam đã tăng trên 20 lần, đạt 25 tỷ đồng. Thành công từ việc hợp tác với HDBank giúp Dai-ichi Life Việt Nam mạnh dạn ký hợp đồng độc quyền cùng Sacombank với thời hạn lên đến 20 năm.

Theo ước tính của ông Nguyễn Miên Tuấn - Thành viên HĐQT Sacombank, trong 5 năm đầu tiên, nguồn thu phí độc quyền và hoa hồng khi hợp tác với Dai-ichi Life Việt Nam có thể mang lại cho Samcombank 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, thu nhập chính của ngân hàng đều từ dịch vụ tín dụng, và việc bán chéo sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ góp phần tăng nguồn thu từ dịch vụ cho Sacombank.

Điều đáng nói là bancassurance không chỉ đem doanh thu cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng mà còn mang lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng. Bởi, khi mua bảo hiểm đối với khoản vay, người tiêu dùng không tốn quá nhiều chi phí nhưng khi có sự cố xảy ra thì khoản nợ phải trả đã được công ty bảo hiểm "gánh thay". Và như vậy, người tiêu dùng sẽ thoát khỏi cảnh nợ nần, giúp họ không trở thành gánh nặng của gia đình.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp đang có khoản vay tại ngân hàng thì người vay gặp phải sự việc ngoài ý muốn nhưng do có bảo hiểm trả thay nên họ đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Điều mà người tiêu dùng đánh giá cao ở kênh phân phối bảo hiểm này là khi gửi tiền tại ngân hàng sẽ không bị bắt buộc mua bảo hiểm mà nhân viên sẽ tư vấn để khách hàng tự quyết định theo nhu cầu của mình. Và như vậy, khách hàng sẽ không có cảm giác bị ép buộc và một khi được tự lựa chọn họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ được đánh giá là rất tiềm năng khi chỉ mới có khoảng 0,7% dân số sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Điều đáng nói là việc khai thác bảo hiểm qua kênh bancassurance chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%. Vì thế, việc các doanh nghiệp bảo hiểm hợp tác với các ngân hàng là lựa chọn phù hợp và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

"Một khi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều nhận thức những lợi ích của bancassurance và thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu khách hàng, phù hợp với những sản phẩm của ngân hàng thì việc doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua bancassurance chiếm 20 - 30% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ không còn xa", một chuyên gia bảo hiểm nhận định.

>>Thị trường bảo hiểm: Sự hấp dẫn của những người già

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bancassurance: Hướng đến 30% doanh thu phí bảo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO